Tổng kết thi hành Luật Bảo hiểm xã hội giai đoạn 2016 – 2020, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết, trong 5 năm, tổng số người hưởng bảo hiểm xã hội một lần là trên 3,7 triệu người; trung bình mỗi năm có gần 750.000 người tham gia bảo hiểm xã hội rời khỏi hệ thống, chiếm trên 5% tổng số người tham gia bảo hiểm xã hội. Riêng trong 3 tháng đầu năm 2022, theo thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, có hơn 200.000 người nhận bảo hiểm xã hội một lần.
LỢI TRƯỚC MẮT, HẠI LÂU DÀI
Về cơ bản, số người hưởng bảo hiểm xã hội một lần năm sau cao hơn năm trước (mức tăng bình quân 6,5%/năm). Các trường hợp hưởng bảo hiểm xã hội một lần thường là những người có số năm đóng bảo hiểm xã hội thấp, dưới 15 năm.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nhìn nhận, trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần có thể đáp ứng nhu cầu tài chính trước mắt của những người được bảo hiểm, nhưng lấy đi của họ sự bảo trợ khi về già với các chế độ hưu trí hàng tháng, cùng với bảo hiểm y tế do Quỹ Bảo hiểm xã hội chi trả, và chế độ tử tuất bao gồm cả mai táng phí và trợ cấp tử tuất hàng tháng hoặc một lần.
Mức độ bao phủ của hệ thống bảo hiểm xã hội cũng vì thế sẽ bị thu hẹp ở cả khía cạnh số người tham gia và số người thụ hưởng. Từ đó các nỗ lực mở rộng diện bao phủ và phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội của các bên liên quan sẽ bị hạn chế và gặp rất nhiều khó khăn.
Trao đổi về vấn đề này, ông Bùi Sỹ Lợi, Nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội (nay là Ủy ban Xã hội của Quốc hội) thừa nhận, điều kiện hưởng bảo hiểm xã hội một lần quá dễ dàng là một trong những nguyên nhân khiến tình trạng này gia tăng. Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của dịch bệnh khiến đời sống người lao động khó khăn trong khi nhiều chính sách hỗ trợ an sinh nhưng chưa giải quyết được hết cho người lao động.
Hiện nay, người lao động đóng 8%, còn người sử dụng lao động đóng 14% vào quỹ hưu trí và tử tuất. Theo ông Lợi, sửa Luật Bảo hiểm xã hội tới đây có thể tính toán theo hướng cho phép người lao động có nhu cầu rút bảo hiểm xã hội một lần nhận 8% đóng góp, 14% người sử dụng lao động đóng được giữ lại có thể đem đi đầu tư, coi như khoản tiết kiệm.
Tuy nhiên, 14% này phải được công khai, nếu người lao động quay lại đóng bảo hiểm xã hội thì được cộng tiếp hoặc đến lúc đủ tuổi nghỉ hưu thì được chi trả. “Người lao động có nhu cầu rút bảo hiểm xã hội một lần chúng ta cho nhận 8%, 14% giữ lại sau này là của để dành”, ông Lợi nói. Vị chuyên gia nhìn nhận, tình trạng này gia tăng cũng do phần lớn người lao động không hiểu hết chính sách, “cứ lo không lấy thì mất, không có niềm tin và sợ trượt giá”.
Do đó, vấn đề này cần tuyên truyền thật tốt đến người lao động không vì được lợi trước mắt, chỉ nhận trong trường hợp bất khả kháng. Còn về trượt giá, Nhà nước đều có chính sách bù giá thông qua điều chỉnh lương hưu.
“Đóng 22% trên nền tiền lương tối thiểu để sau này có lương hưu thì chắc chắn mức hưởng phải thấp hơn lương chính khi đang làm việc. Nhưng tôi cho rằng làn sóng này không thể kéo dài mãi được nếu chúng ta tuyên truyền tốt để người lao động nhận thức được cái lợi trước mắt và tác hại lâu dài khi rút bảo hiểm xã hội một lần”, ông Lợi nhấn mạnh.
TIẾN TỚI GIẢM SỐ NĂM ĐÓNG ĐỂ NHẬN LƯƠNG HƯU
Theo ông Lợi, rất nhiều bất cập để ngăn tình trạng trên mà sau này khi thiết kế luật phải thay đổi, như tính toán giảm số năm đóng bảo hiểm xã hội từ 20 năm xuống 15 năm, tiến tới còn 10 năm.
Với quy định hiện hành là nghỉ việc sau 1 năm được nhận bảo hiểm xã hội một lần, ông Lợi cho rằng vẫn phải cho người lao động rút. Nhưng sau này phải tính toán lại, hạn chế người thôi việc hưởng bảo hiểm xã hội một lần. Ông dẫn chứng, nhiều nước cũng chỉ quy định cho 2 – 3 nhóm đối tượng hưởng chính sách này như mắc bệnh nặng, hoặc di cư hay khi đủ tuổi nghỉ hưu thì nhận một lần.
Chuyên gia này cũng khuyến cáo, người lao động cân nhắc khi nhận bảo hiểm xã hội một lần, song Nhà nước cần có thêm các chính sách hỗ trợ an sinh khác; áp dụng cho vay gói tín dụng có lãi suất hoặc lãi suất thấp để giúp người lao động vượt qua giai đoạn khó khăn.
Từng có thời gian phụ trách lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, Nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp đánh giá, chính sách bảo hiểm xã hội bắt buộc hay tự nguyện có hấp dẫn người dân hay không còn tùy thuộc vào lợi ích mang lại. Theo ông, thực tế vấn đề nhận bảo hiểm xã hội một lần không hề mới, bởi cá nhân ông ngay những năm 2014 khi còn công tác đã chứng kiến và phải xứ lý sự việc đình công lớn xảy ra tại các tỉnh phía Nam để phản đối chính sách bảo hiểm xã hội một lần.
“Tôi nhớ vào những năm 2013 - 2014 cá nhân tôi phải xử lý câu chuyện này, hơn 100.000 người đình công. Do đó, việc thiết kế chính sách bảo hiểm xã hội cần cân nhắc hết sức cẩn trọng, tránh đưa vào rồi lại phải sửa đổi liên tục”, ông Diệp lưu ý.
Từ góc độ công đoàn, ông Lê Đình Quảng, Phó Trưởng Ban Chính sách Pháp luật, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thừa nhận, việc triển khai một số chính sách hỗ trợ an sinh chậm cũng làm gia tăng tình trạng rút bảo hiểm xã hội một lần trong bối cảnh người lao động đang khó khăn.
“Tất cả các chính sách hỗ trợ đều có những vướng mắc trong tổ chức thực hiện. Ngay chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà theo ghi nhận của tổ chức công đoàn cũng đang triển khai rất chậm, mặc dù khi tham gia xây dựng chính sách quan điểm là các thủ tục phải nhanh chóng, đơn giản, kịp thời, nhưng thực tế lại khác. Tôi cho rằng, đó cũng là một trong những nguyên nhân tạo nên việc người lao động nhận bảo hiểm xã hội một lần tăng cao như hiện nay”, ông Quảng nhìn nhận.
Vị chuyên gia tổ chức công đoàn cho rằng, ngăn tình trạng này phải có nhiều giải pháp đồng bộ đi liền với nhau, giảm số năm đóng bảo hiểm xã hội để được hưởng lương hưu, nhưng cần sửa đổi cách tính lương hưu để người về hưu đảm bảo đời sống.
Chính sách bảo hiểm xã hội liên quan trực tiếp đến quyền lợi của người lao động, nên việc sửa đổi cần hết sức “cân nhắc, thận trọng, có lộ trình”, tránh tạo ra những cú sốc hoặc bất ổn cho xã hội. Hơn hết, cần bảo đảm việc làm bền vững cho người lao động, bởi khi có môi trường làm việc tốt, thu nhập ổn định thì người lao động sẽ không nhận bảo hiểm xã hội một lần.