Chiều 27/5, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).
Liên quan đến mức hưởng lương hưu, nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị xem xét lại tỷ lệ trừ từ 2% xuống 1% khi người lao động nghỉ hưu trước tuổi.
Đại biểu Đặng Thị Bảo Trinh, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam, nêu quan điểm quy định mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi bị trừ tỷ lệ hưởng lương 2% là quá cao, chưa bảo vệ quyền lợi thiết thực của người lao động. Trong khi đó, chính sách bảo hiểm xã hội đang khuyến khích người lao động ở lại hệ thống.
Do đó, đại biểu đề nghị nên xem xét hạ tỷ lệ bị trừ lương hưu trước tuổi từ 2% theo quy định hiện hành, xuống 1% như Luật Bảo hiểm xã hội năm 2006 để đảm bảo an sinh xã hội.
Đồng quan điểm, Đại biểu Nguyễn Duy Thanh, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau, cho biết về vấn đề này nhiều hiệp hội ngành nghề đã có đề nghị nghiên cứu kế thừa quy định của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2006, để người lao động có thời gian đóng bảo hiểm xã hội trên 20 năm được nghỉ hưu sớm. Mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi chỉ bị trừ 1%.
Bên cạnh đó, đại biểu cho biết ở lần sửa đổi luật này, Ban soạn thảo đề xuất bổ sung quy định cho phép người lao động nghỉ hưởng lương hưu sớm và thời gian nghỉ sớm tối đa là 5 năm, so với tuổi nghỉ hưu theo lộ trình quy định là lao động nam đạt 62 tuổi vào năm 2028 và nữ đạt 60 tuổi vào năm 2035.
Theo đại biểu tỉnh Cà Mau, một yếu tố nữa tác động đến lương hưu là thời gian đóng đủ bảo hiểm xã hội. Do đó, đại biểu đề xuất tối thiểu là 30 năm đóng bảo hiểm xã hội đối với nữ, và 32 năm đối với nam thì được nghỉ hưu và hưởng mức tối đa 75%.
Đồng thời, đề nghị bổ sung quy định hoán đổi thời gian đóng bảo hiểm xã hội để nghỉ hưu sớm, không bị trừ 2% lương hưu mỗi năm do nghỉ hưu sớm.
“Nếu tính từ năm đóng bảo hiểm xã hội thứ 31 trở đi đối với nữ, và năm thứ 33 trở đi đối với nam thì cứ thêm một năm đóng bảo hiểm xã hội được hoán đổi một năm nghỉ trước tuổi", đại biểu đoàn Cà Mau góp ý.
Theo đại biểu Nguyễn Duy Thanh, kiến nghị này xuất phát từ thực tiễn hàng trăm nghìn công nhân trên độ tuổi 50 đến 55 là sức khỏe giảm sút, khó đáp ứng nhu cầu công việc.
Hơn nữa, nhiều doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động trẻ để đáp ứng yêu cầu sản xuất nên cũng cho một bộ phận lao động nghỉ việc ở độ tuổi 40 đến 45.
"Việc điều chỉnh linh hoạt như vậy mới khuyến khích được người lao động tham gia bảo hiểm xã hội, hạn chế rút bảo hiểm xã hội một lần ở những người đã có từ 20 đến 25 năm đóng bảo hiểm xã hội. Do thời gian chờ đợi hưởng lương hưu quá dài, hiện đa số công nhân lao động khó có thể tham gia bảo hiểm xã hội cho đến khi đạt tuổi nghỉ hưu là 62 đối với nam, và 60 đối với nữ”, đại biểu đoàn Cà Mau nêu quan điểm.
Cũng cho rằng quy định tuổi nghỉ hưu khiến nhiều nhóm lao động khó đạt đến đủ tuổi để hưởng lương hưu, Đại biểu Vũ Hồng Luyến, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hưng Yên đề xuất quy định tuổi hưởng lương hưu cho từng nhóm đối tượng.
Đại biểu cho biết Bộ luật Lao động năm 2019 quy định, tuổi nghỉ hưu được tăng dần theo lộ trình đến mức nam 62 tuổi, nữ 60 tuổi đối với mọi đối tượng lao động chịu tác động trong bộ luật này.
Tuy nhiên, trong thực tế, một số ngành nghề đặc thù như công nhân lao động, giáo viên mầm non thì đòi hỏi sức khỏe tốt để đảm bảo thực hiện công việc. Công nhân lao động làm việc nặng nhọc dẫn đến việc giảm sút sức lao động, từ đó năng suất lao động giảm, không đạt hiệu quả cao.
“Thực tế hiện nay cho thấy, ở những ngành nghề lao động nặng hay lao động đòi hỏi sự tỉ mỉ, đa số người lao động không thể làm việc đến tuổi nghỉ hưu mà sẽ phải nghỉ hưu trước tuổi, từ đó không được hưởng lương hưu mức tối đa theo quy định”, đại biểu đoàn Hưng Yên nói.
Từ phân tích trên, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo điều chỉnh Luật theo hướng tách riêng quy định tuổi hưởng lương hưu cho từng nhóm đối tượng.
Trong đó, cần xét tuổi đối tượng công nhân lao động, giáo viên trong các cơ sở giáo dục, đặc biệt là giáo viên mầm non vào trong nhóm đối tượng lao động có công việc nặng nhọc, độc hại để giảm độ tuổi nghỉ hưu.
Cụ thể, đại biểu đề nghị giảm độ tuổi nghỉ hưu với nữ giáo viên mầm non là 55 tuổi, giáo viên tiểu học, trung học phổ thông là 58 tuổi.