December 07, 2024 | 07:53 GMT+7

Đề xuất nghiên cứu áp dụng thuế khí thải để giảm thiểu ô nhiễm không khí

Tùng Dương -

Ô nhiễm không khí là vấn đề nghiêm trọng tại nhiều khu vực. Ước tính, số người tử vong mỗi năm vì ô nhiễm không khí cao hơn tổng số người chết vì Covid-19. Để giảm thiểu ô nhiễm không khí các chuyên gia đã khuyến nghị nhiều giải pháp trong đó có việc nghiên cứu áp dụng công cụ thuế khí thải...

Sản xuất công nghiệp và giao thông vận tải là một trong những nguồn chính gây ô nhiễm không khí.
Sản xuất công nghiệp và giao thông vận tải là một trong những nguồn chính gây ô nhiễm không khí.

Theo các chuyên gia, nguồn gây ô nhiễm không khí chủ yếu là từ sản xuất công nghiệp và giao thông vận tải. Các hoạt động giao thông đường bộ sản sinh hơn 13,4 triệu tấn CO2eq/năm, riêng xe máy là phương tiện xả khí thải lớn nhất. Xe máy phát thải chủ yếu các chất ô nhiễm như NO2, CO, SO2, NMVOC, CH4, nhất là bụi mịn PM2.5.

Ô NHIỄM KHÔNG KHÍ TỪ GIAO THÔNG VÀ CÁC “NHÀ MÁY XẢ THẢI 2 BÁNH”

Tại toạ đàm “Ô nhiễm không khí và giao thông: Cơ hội, thách thức cho Việt Nam và thế giới” diễn ra trong khuôn khổ Tuần lễ Khoa học Công nghệ VinFuture 2024 (từ ngày 4- 7/12/2024), PGS. Hồ Quốc Bằng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu ô nhiễm không khí và biến đổi khí hậu (APAC) đã công bố các dữ liệu nghiên cứu và chỉ ra những nguồn gây ô nhiễm không khí tại các đô thị lớn như Hà Nội và Tp.Hồ Chí Minh.

Theo đó, các nguồn gây ô nhiễm không khí của hai thành phố lớn tại Hà Nội và Tp.Hồ Chí Minh chủ yếu là từ giao thông vận tải, sản xuất công nghiệp và nguồn điện.

Điển hình như tại Hà Nội, với khoảng 8,5 triệu dân (thống kê năm 2022), hơn 6 triệu xe máy và 690.000 ô tô, cùng khoảng 2.000 nhà máy. Các hoạt động giao thông đường bộ sản phát thải ra các khí như NOx (87%), CO (92%), SO2 (57%), NMVOC (86%), CH4 (96%) và 74% PM2.5.

PGS. Hồ Quốc Bằng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu ô nhiễm không khí và biến đổi khí hậu.
PGS. Hồ Quốc Bằng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu ô nhiễm không khí và biến đổi khí hậu.

Hoạt động sản xuất công nghiệp phát thải 39% khí S02 tại Hà Nội. Kết quả kiểm kê phát thải dùng mô hình emisen, Hà Nội có tỉ lệ phát thải giao thông lớn nhất.

Còn tại Tp.Hồ Chí Minh có hơn 9 triệu dân, gần 7,4 triệu xe máy và 400.000 ô tô và 2780 cơ sở công nghiệp phát thải.

Trong đó giao thông chủ yếu phát thải các chất ô nhiễm như NO2, CO (97,8%), SO2 (37,7%), NMVOC (42,9%), CH4, nhất là bụi mịn PM2.5 (18%).

Đáng chú ý, nếu tại Hà Nội, nguồn phát thải giao thông tập trung vào nhóm phương tiện xe tải hạng nặng thì tại TP.Hồ Chí Minh, xe máy là “thủ phạm” chính. 

Ngoài ra, vào các thời điểm chuyển mùa, thói quen đốt rơm rạ của người dân ở vùng ngoại thành cũng tạo ra một lượng phát thải lớn có thể lên đến 10% tổng khí thải.

9 TRIỆU NGƯỜI TỬ VONG TRÊN THẾ GIỚI VÌ Ô NHIỄM KHÔNG KHÍ MỖI NĂM

Từ góc độ nghiên cứu phân tích về sự hình thành sương mù tại các đô thị: Vai trò hóa học của nước trong các hạt aerosol và muội than, GS. Yafang Cheng, Viện Nghiên cứu Hóa học Max Planck (Đức) đã đưa cảnh báo về hệ quả, tác động của ô nhiễm không khí.

GS Yafang Cheng, chuyên gia hàng đầu về Aerosol và ô nhiễm không khí đã cung cấp con số đáng báo động khi có tới 9 triệu người tử vong ở độ tuổi trẻ vào năm 2019 vì ô nhiễm không khí, trong khi tổng số người tử vong vì Covid-19 trên toàn cầu chỉ có 7 triệu.

Theo chuyên gia này, Aerosol (sol khí) là những bọt nước li ti trong không khí có kích thước siêu nhỏ. Đây là 1 trong những nguyên nhân hàng đầu gây ô nhiễm không khí, cũng như gây ra cái chết cho hàng triệu người mỗi năm trên thế giới. Do đó, so với Covid-19, sol khí nguy hiểm hơn và việc lý giải được cơ chế tác động của sol khí đến khí hậu và sức khoẻ con người còn cấp bách hơn.

GS. Yafang Cheng, Viện Nghiên cứu Hóa học Max Planck (Đức).
GS. Yafang Cheng, Viện Nghiên cứu Hóa học Max Planck (Đức).

GS Yafang Cheng cảnh báo trong những năm tới, tình trạng khí quyển này có thể trầm trọng hơn gấp 3-4 lần, do ảnh hưởng từ các yếu tố như bức xạ nhiệt theo mùa, biến đổi khí hậu, lượng carbon đen trong không khí...

Theo GS. Cheng, hiện tượng ô nhiễm này có thể dễ dàng quan sát được bằng mắt thường, trông giống như sương mù, và tần suất xuất hiện vào mùa đông nhiều hơn mùa hè. Tại Việt Nam, hiện tượng ô nhiễm sol khí này vẫn được quen gọi là mù quang hoá.

Tuy nhiên, các hợp chất đã tương tác với sol khí để kích hoạt phản ứng quang hoá, tạo ra hiện tượng ô nhiễm vô cùng phức tạp, liên quan với nhiều yếu tố khác nhau cũng như các điều kiện khí hậu, khí tượng tại từng khu vực địa lý khác nhau.

Ví dụ, ô nhiễm sol khí diễn ra nhiều hơn vào mùa đông là do khi không khí lạnh nén xuống mặt đất khiến các chất gây ô nhiễm như sunfat, nitơ và các chất hữu cơ khác bị kẹt lại ở tầng thấp trong tầng đối lưu, không thể phát tán. Chúng tương tác với sol khí và tạo ra phản ứng hoá học làm không khí trở nên mù mịt.

Điều này cũng lý giải vì sao Hà Nội thường xuất hiện mù quang hoá nhiều hơn TP. Hồ Chí Minh. Đặc biệt “điều kiện khí hậu càng bất lợi càng thúc đẩy ô nhiễm không khí”, GS. Cheng nhấn mạnh.

HIẾN KẾ KIỂM SOÁT, GIẢM THIỂU Ô NHIỄM KHÔNG KHÍ

Theo nghiên cứu của nhóm GS. Cheng, một trong những nguồn phát thải các hợp chất ôxit nitơ (NOx) và carbon đen (muội than- NH3) nhiều nhất là ngành giao thông. Vì thế, kiểm soát được nguồn phát thải này sẽ giúp kiểm soát đáng kể tình trạng ô nhiễm sol khí đô thị.

GS Cheng dẫn chứng từ cách Trung Quốc kiểm soát vấn đề ô nhiễm không khí nghiêm trọng tại Bắc Kinh; trong nhiều biện pháp đồng bộ, chính quyền nước này triển khai xây dựng đường sắt đô thị và điện hoá các phương tiện giao thông.

Bàn về giải pháp, cơ chế để thay đổi ô nhiễm không khí ở Việt Nam, GS. Daniel Kammen, Đại học California, Berkeley (Hoa Kỳ), cho rằng ô nhiễm là vấn đề toàn cầu, không có ranh giới, không biên giới. Khi doanh nghiệp muốn chuyển địa bàn sản xuất cần tăng cường nhận thức về ô nhiễm không khí.

Đề xuất nghiên cứu áp dụng thuế khí thải để giảm thiểu ô nhiễm không khí - Ảnh 1

Theo các chuyên gia, để giảm phát thải các nguồn gây ô nhiễm cần nguồn lực đầu tư để cải thiện công nghệ; cởi mở sẵn sàng tiếp cận các công nghệ mới có thể tạo ra các nguồn năng lượng sạch và xanh có giá cả phù hợp để mọi người có thể chấp nhận chi trả.

Để dần đạt được các mục tiêu giảm phát thải, ứng phó với biến đổi khí hậu, các quốc gia đang phát triển sẽ cần thời gian và sự hỗ trợ từ các nền kinh tế phát triển.

“Sẽ không có cây đũa thần nào giúp ta đạt mục tiêu ngay lập tức mà cần chung tay, có các cơ chế hỗ trợ thêm để triển khai thực hiện các cam kết quốc tế như thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu, từ đó cải thiện tình trạng ô nhiễm không khí ở các quốc gia đang phát triển, giảm phát thải khí nhà kính”, GS. Susan Solomon, Viện Công nghệ Massachusetts (Hoa Kỳ) nói.

Các chuyên gia cũng nhấn mạnh con số 1,3 nghìn tỷ USD mà các quốc gia đang phát triển sẽ cần cho đến năm 2035 để ứng phó với cuộc khủng hoảng khí hậu. Điều này đòi hỏi cần sự hỗ trợ tài chính nhiều hơn nữa để các quốc gia đang phát triển có cơ hội cải thiện công nghệ, áp dụng các công nghệ mới, phát thải thấp.

Với 3 nguồn gây ô nhiễm không khí chính trong đó có phương tiện giao thông, GS Hồ Quốc Bằng cho biết một trong những giải pháp đã được nhiều nước thực hiện đó là áp dụng thuế khí thải, thuế ô nhiễm. Hiện nay ở Việt Nam chưa áp dụng các công cụ này.

Tuy nhiên, chuyên gia này nêu quan điểm trong thời gian tới, nếu muốn có cơ chế bảo vệ môi trường và bảo vệ sức khỏe người dân tránh tác động bởi ô nhiễm không khí sẽ cần phải có thêm những biện pháp mạnh hơn, trong đó có việc nghiên cứu đánh thuế ô nhiễm.

Còn GS. Daniel Kammen, Đại học California, Berkeley (Mỹ), đánh giá cao vai trò của xe điện; tích hợp sử dụng xe điện với phương tiện giao thông công cộng.

Theo GS. Kammen, các quốc gia cần đẩy nhanh hơn nữa việc sản xuất xe điện, cũng như tạo các hành lang pháp lý cho xe điện phát triển, đơn cử như chính sách cho việc xây dựng trạm sạc và tăng cơ hội tiếp cận xe điện cho người có thu nhập không cao. Điều này không chỉ bảo vệ cho tương lai của khí hậu mà còn đảm bảo cho bình đẳng xã hội.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate