Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 31/2021/TT-BTC quy định về áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý thuế nhằm áp dụng quản lý rủi ro phù hợp với tình hình thực tế. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 2/7 và thay thế Thông tư số 204/2015/TT-BTC ngày 21/12/2015 của Bộ Tài chính quy định về áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý thuế.
Theo Bộ Tài chính, nội dung Thông tư quy định công khai các tiêu chí đánh giá tuân thủ pháp luật thuế và mức độ rủi ro người nộp thuế, mà không ban hành dưới chế độ mật như đã thực hiện trước đây do bộ tiêu chí đánh giá rủi ro trong quản lý thuế không thuộc danh mục văn bản mật của Bộ Tài chính.
Thông tư đã tiếp cận toàn diện theo mô hình tam giác tuân thủ có 4 tầng tương ứng 4 mức độ tuân thủ của OECD (Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế) thay vì 3 mức quy định tại Thông tư số 204/2015/TT-BTC ngày 21/12/2015 quy định về áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý thuế.
Cụ thể, mức 1, tuân thủ cao; mức 2, tuân thủ trung bình; mức 3, tuân thủ thấp; mức 4, không tuân thủ.
Bên cạnh đó, người nộp thuế được đánh giá rủi ro tổng thể và phân loại theo 5 hạng, hạng 1 rủi ro rất thấp; hạng 2 rủi ro thấp; hạng 3 rủi ro trung bình; hạng 4 rủi ro cao; hạng 5 rủi ro rất cao.
Đáng lưu ý, thông tư lần này đã bỏ hạng 6, người nộp thuế thành lập dưới 12 tháng, sẽ phân loại, giám sát riêng phù hợp với yêu cầu của từng nghiệp vụ khi thực hiện đánh giá rủi ro.
"Việc áp dụng quản lý rủi ro đảm bảo hiệu lực, hiệu quả của quản lý thuế. Đồng thời, khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để người nộp thuế tự nguyện tuân thủ tốt các quy định của pháp luật về thuế và quản lý thuế đồng thời phòng chống, phát hiện, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về thuế và quản lý thuế", Tổng cục Thuế khẳng định.
Theo đó, thông tin quản lý rủi ro được thu thập từ các nguồn thông tin bên trong và bên ngoài cơ quan thuế theo quy định của pháp luật.
Đồng thời, được quản lý tập trung tại Tổng cục Thuế thông qua hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin và được xử lý, chia sẻ, cung cấp cho cơ quan thuế các cấp, các cơ quan quản lý nhà nước khác để phục vụ cho mục đích quản lý thuế theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, việc đánh giá, phân loại mức độ tuân thủ pháp luật thuế và mức độ rủi ro người nộp thuế được thực hiện tự động, định kỳ, trên cơ sở các quy định của pháp luật, các quy trình, biện pháp nghiệp vụ quản lý thuế.
Đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh, tại Điều 15 Thông tư 31/2021/TT-BTC, trường hợp rủi ro cao có thể áp dụng một hoặc kết hợp các biện pháp. Rà soát, kiểm tra, xác minh các thông tin liên quan làm cơ sở xác định lại doanh thu, mức thuế của hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh. Lập danh sách kiểm tra, khảo sát để xác định lại doanh thu, mức thuế của hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh và việc thực hiện nghĩa vụ thuế của các tổ chức có liên quan.
Trường hợp người nộp thuế có thay đổi thông tin đăng ký thuế, làm thay đổi cơ quan thuế quản lý trực tiếp có rủi ro cao, cơ quan thuế nơi chuyển đi và cơ quan thuế nơi chuyển đến sẽ phối hợp thực hiện kiểm tra tại trụ sở của cơ quan thuế, thanh tra hoặc kiểm tra tại trụ sở của người nộp thuế theo quy định pháp luật hiện hành.
Trường hợp người nộp thuế thông báo tạm ngừng hoạt động kinh doanh có rủi ro cao, cơ quan thuế sẽ tăng cường thực hiện các biện pháp quản lý thuế theo quy định, phù hợp với tình hình thực hiện nghĩa vụ thuế của người nộp thuế để xử lý kịp thời nợ thuế, hóa đơn, hành vi vi phạm.
Trường hợp chấm dứt hiệu lực mã số thuế, cơ quan thuế ưu tiên kết quả xếp hạng rủi ro từ cao xuống thấp để thực hiện thanh tra, kiểm tra quyết toán thuế tại trụ sở của người nộp thuế theo quy định.
Cập nhật trạng thái giải thể, phá sản hoặc ngừng hoạt động trên hệ thống ứng dụng đăng ký thuế đối với các trường hợp đã hoàn thành nghĩa vụ về thuế theo quy định. Áp dụng các biện pháp đôn đốc người nộp thuế hoàn thành nghĩa vụ thuế trước khi giải thể, phá sản, ngừng hoạt động theo quy định.