Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Lao động –Thương binh và Xã hội vừa ký báo cáo của Chính phủ gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).
Theo tinh thần Nghị quyết số 27-NQ/TW của Trung ương, khi thực hiện cải cách chính sách tiền lương sẽ bãi bỏ mức lương cơ sở và hệ số lương hiện nay, xây dựng chế độ tiền lương mới. Theo đó, mức lương cơ bản bằng số tiền cụ thể trong bảng lương mới.
Như vậy, từ ngày 1/7, khi thực hiện cải cách chính sách tiền lương sẽ phát sinh một số vấn đề liên quan đến dự thảo luật.
Cụ thể, do bãi bỏ mức lương cơ sở nên không còn căn cứ thực hiện được việc điều chỉnh tiền lương đã đóng bảo hiểm xã hội để tính lương hưu; không còn căn cứ để tính hưởng một số chế độ bảo hiểm xã hội và một số chế độ quy định ở các luật khác.
Bên cạnh đó, tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội của nhóm đối tượng thực hiện tiền lương do Nhà nước quy định sẽ tăng lên so với hiện hành, dẫn đến tiền đóng bảo hiểm xã hội cũng tăng lên đáng kể. Điều này sẽ làm tăng phần chi ngân sách Nhà nước đóng cho những đối tượng này.
Việc cải cách tiền lương sẽ làm phát sinh chênh lệch khá lớn về lương hưu giữa người nghỉ hưu trước và sau ngày 1/7/2024, nếu không thực hiện điều chỉnh cho đối tượng nghỉ hưu trước thời điểm này khi thực hiện cải cách chính sách tiền lương…
Vì thế, báo cáo của Chính phủ đã đề cập đến nội dung tác động của chính sách tiền lương mới đến việc thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội và đề xuất các nội dung liên quan trong dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).
Theo đó, ngày 12/4/2024, Chính phủ đã có Báo cáo số 06/BC-CP về đánh giá tác động của chính sách tiền lương mới đến việc thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội và đề xuất các quy định có liên quan trong dự thảo Luật gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Tại Báo cáo số 06/BC-CP nêu trên, Chính phủ đã đề xuất phương án cụ thể sửa đổi Điều 62 và Điều 63 của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 được thể hiện tại Điều 76 và Điều 77 của dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) chỉnh lý, và cho phép riêng quy định này được áp dụng từ ngày 1/7/2024.
Việc này nhằm để đồng bộ, thống nhất với thời điểm thực hiện cải cách chính sách tiền lương. Đồng thời, Chính phủ đề xuất tiếp tục thực hiện các chế độ bảo hiểm xã hội hiện đang gắn với mức lương cơ sở cho đến khi Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) có hiệu lực thi hành.
Để cụ thể hóa đề xuất nhằm tiếp tục thực hiện được các chế độ bảo hiểm xã hội hiện đang gắn với mức lương cơ sở, đồng thời tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội về việc không nên quy định thành số tiền tuyệt đối, mà nên sử dụng một căn cứ khác thay thế, Chính phủ đề xuất sử dụng “mức tham chiếu tính bảo hiểm xã hội” để thay thế cho “mức lương cơ sở”.
Việc thay thế này tại các nội dung của các chế độ bảo hiểm xã hội trong Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 đang gắn với mức lương cơ sở, và bổ sung một khoản tại Điều về quy định chuyển tiếp của dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).
Cụ thể, mức tham chiếu tính bảo hiểm xã hội được tính bằng 1,8 triệu đồng từ ngày 1/7/2024 thay thế cho mức lương cơ sở, để thực hiện bảo hiểm xã hội theo quy định tại Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, và để thực hiện Bảo hiểm xã hội theo quy định của Luật này.
Mức tham chiếu tính bảo hiểm xã hội được điều chỉnh theo quy định của Chính phủ trên cơ sở mức tăng của chỉ số giá tiêu đùng, và phù hợp với khả năng của ngân sách nhà nước, cũng như Quỹ Bảo hiểm xã hội.