Bộ Giao thông vận tải vừa cho biết, dự thảo thông tư thay thế Thông tư số 54/2018/TT-BGTVT về biểu khung giá dịch vụ hoa tiêu, dịch vụ sử dụng cầu, bến, phao neo, dịch vụ bốc dỡ container và dịch vụ tàu lai dắt tại cảng biển Việt Nam, giá dịch vụ sử dụng cầu bến, phao neo có sự thay đổi.
TĂNG GIÁ TỐI ĐA DỊCH VỤ CẦU BẾN ĐỐI VỚI TÀU HOẠT ĐỘNG NỘI ĐỊA
Cục Hàng hải Việt Nam đã đề xuất một số thay đổi trong bản dự thảo thông tư mới theo hướng tăng giá dịch vụ về cầu bến cảng biển, logistics nói chung.
Cụ thể, trong khung giá dịch vụ sử dụng cầu bến, phao neo thuộc khu vực hàng hải đối với tàu thuyền, hàng hóa, hành khách hoạt động vận tải nội địa, giá tối đa cho tàu thuyền neo buộc tại cầu bến và giá khi tàu nhận được lệnh rời cảng mà vẫn chiếm cầu, bến được đề xuất là 19 đồng/GT/giờ (tăng 4 đồng so với quy định hiện hành).
Với tàu thuyền neo buộc tại phao neo và trường hợp tàu nhận được lệnh rời cảng mà vẫn chiếm phao neo, giá tối đa được đề xuất là 10 đồng/GT/giờ.
Theo nhận định của Cục Hàng hải Việt Nam, mức giá dịch vụ cầu bến, phao neo đã được quy định từ năm 2004, theo Quyết định số 88/2004/QĐ-BTC của Bộ Tài chính, đến nay sau 19 năm không điều chỉnh, trong khi chi phí đầu tư cầu bến, chi phí vận hành ngày càng tăng cao.
Vì vậy, dự thảo thông tư mới thay thế Thông tư 54, sẽ từng bước điều chỉnh tăng giá tối đa dịch vụ sử dụng cầu bến, phao neo đối với tàu hoạt động nội địa. Không điều chỉnh tăng giá tối thiểu, chỉ điều chỉnh tăng giá tối đa (nới rộng khoảng cách khung giá) để các doanh nghiệp cảng có thể linh hoạt động việc đàm phán giá với khách hàng.
Theo quy định tại Thông tư số 54/2018/TT-BGTVT, trên thực tế hiện nay có khoảng hơn 200 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ cầu, bến tại các cảng biển; trong đó, hầu hết các doanh nghiệp đều áp dụng thu với mức giá tối đa.
Tuy nhiên, theo Cục Hàng hải Việt Nam, nhiều doanh nghiệp cho biết, giá dịch vụ cầu, bến chiếm tỷ trọng khá nhỏ, chỉ khoảng 6 - 10%, trong cơ cấu doanh thu của các doanh nghiệp cảng biển. Doanh thu từ dịch vụ này được các doanh nghiệp cảng dùng để đầu tư cầu bến, bù đắp chi phí khấu hao.
BỎ GIÁ DỊCH VỤ HÀNG HÓA CONTAINER THÔNG QUA CẦU BẾN
Một thay đổi khác trong dự thảo thông tư mới này, là quy định bỏ giá dịch vụ hàng hoá container thông qua cầu bến.
Theo đó, trong khung giá giá sử dụng cầu, bến, phao neo thuộc khu vực hàng hải đối với tàu thuyền, hàng hóa, hành khách hoạt động vận tải quốc tế, Cục Hàng hải Việt Nam cũng đề xuất bỏ hàng hoá container thông qua cầu bến do các doanh nghiệp đã thu giá bốc dỡ container. “Việc quy định giá dịch vụ thông qua với hàng hoá container dẫn đến trùng lặp, cùng một đối tượng hàng hoá nhưng thu hai loại, xuất hoá đơn hai lần, gây khó khăn trong quá trình thực hiện”, Cục Hàng hải cho biết.
Theo quy định hiện hành, giá dịch vụ làm hàng tại cầu cảng với container 20 feet từ 1,44 - 1,60 USD/container; container 40 feet có mức giá từ 2,88 - 3,20 USD/container và container trên 40 feet có giá từ 3,60 - 4 USD/container.
Để khuyến khích các doanh nghiệp cảng sử dụng nhiên liệu sách theo chủ trương của Chính phủ, Cục Hàng hải Việt Nam đề xuất cho phép các cảng có trang thiết bị bốc, dỡ vận chuyển container sử dụng năng lượng sạch hoặc sử dụng điện, cung cấp điện bờ cho tàu biển, tham gia hành lang vận tải xanh quốc tế được phép áp dụng khung giá dịch vụ sử dụng cầu, bến bằng 110% khung giá quy định.
Riêng đối với cầu, bến cảng được công bố đón tàu container có trọng tải từ 160.000 DWT trở lên, doanh nghiệp được phép áp dụng khung giá dịch vụ sử dụng cầu, bến bằng 110% khung giá quy định.
Trước đó, ngày 20/02/2023, nhằm giải quyết những bất cập và tiếp sức cho doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ cảng biển, lãnh đạo Cục Hàng hải Việt Nam đã có đề xuất Bộ Giao thông vận tải điều chỉnh hàng loạt nội dung quan trọng trong danh sách 4 loại giá dịch vụ tại cảng biển do nhà nước định giá.
Theo đề xuất này, có 4 loại dịch vụ được đề xuất điều chỉnh. Bao gồm: Dịch vụ hoa tiêu hàng hải chỉ quy định giá tối đa, bỏ quy định giá tối thiểu; duy trì mức giá tối đa với dịch vụ phao neo; duy trì giá tối thiểu đối với giá dịch vụ bốc dỡ container xuất nhập khẩu; và bỏ khung giá dịch vụ sử dụng cầu bến.
Theo nhận định của nhiều chuyên gia, tình trạng cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ tại cảng biển vẫn thường xuyên xảy ra. Thậm chí, các doanh nghiệp vẫn cạnh tranh giảm giá để thu hút khách hàng, hoặc tăng giá rất cao ở một số dịch vụ còn mang tính độc quyền.