May 20, 2025 | 08:30 GMT+7

Đề xuất thí điểm Viện kiểm sát khởi kiện vụ án dân sự tại 6 tỉnh, thành phố

Như Nguyệt -

Dự thảo Nghị quyết quy định về hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2026 và thí điểm trong 03 năm, tại 06 tỉnh, thành phố sau sáp nhập (Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ, Quảng Ninh, Đắk Lắk)...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Chiều ngày 19/5, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Quốc hội đã nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc thí điểm Viện kiểm sát nhân dân khởi kiện vụ án dân sự để bảo vệ quyền dân sự của các chủ thể là nhóm dễ bị tổn thương hoặc bảo vệ lợi ích công.

Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Huy Tiến cho biết bảo vệ nhóm người dễ bị tổn thương (trẻ em, người cao tuổi, khuyết tật, mất năng lực hành vi dân sự, phụ nữ mang thai hoặc nuôi con nhỏ, người dân tộc thiểu số) và bảo vệ lợi ích công là truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta, thể hiện bản chất ưu việt của Nhà nước xã hội chủ nghĩa, luôn được Đảng, Nhà nước rất quan tâm.

Tuy nhiên về trách nhiệm, vai trò khởi kiện của các cơ quan, tổ chức, cá nhân chưa thực sự hiệu quả; còn xảy ra vụ việc dân sự xâm hại các quyền dân sự của chủ thể thuộc nhóm dễ bị tổn thương và lợi ích công nhưng chưa rõ chủ thể được giao thực hiện việc khởi kiện hoặc chưa được các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm thực sự quan tâm, chủ động yêu cầu khởi kiện.

Thực trạng này có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân là pháp luật chưa quy định cụ thể cơ chế bảo đảm cho các cơ quan, tổ chức khởi kiện, Viện kiểm sát nhân dân chưa được thực hiện quyền khởi kiện vụ án dân sự.

Kinh nghiệm ở nhiều quốc gia cho thấy Viện kiểm sát/Viện công tố thông qua cơ chế khởi kiện vụ việc dân sự bảo vệ lợi ích công và nhóm dễ bị tổn thương rất hiệu quả.

Do vậy, cùng với các cơ chế hiện có, Kết luận số 120-KL/TW ngày 22/01/2025 của Bộ Chính trị đã giao cho Viện kiểm sát nhân dân tối cao xây dựng dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc thí điểm Viện kiểm sát nhân dân khởi kiện vụ án dân sự để bảo vệ quyền dân sự của các chủ thể là nhóm dễ bị tổn thương hoặc bảo vệ lợi ích công để trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 9.

Dự thảo Nghị quyết gồm 04 Chương, 19 Điều, trong đó quy định Viện kiểm sát nhân dân khởi kiện vụ án dân sự công ích trong trường hợp không có người khởi kiện để bảo vệ quyền dân sự của các chủ thể là nhóm dễ bị tổn thương hoặc bảo vệ lợi ích công.

Dự thảo Nghị quyết quy định về hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2026 và thí điểm trong 03 năm, tại 06 tỉnh, thành phố sau sáp nhập (Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ, Quảng Ninh, Đắk Lắk). 

Viện kiểm sát nhân dân tối cao sẽ tổ chức, bố trí, sắp xếp sử dụng nguồn lực hiện có, không làm phát sinh thêm biên chế và tổ chức bộ máy mới.

Trình bày Báo cáo tóm tắt Thẩm tra dự án, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết nội dung dự thảo Nghị quyết bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính khả thi; cơ bản thống nhất với các luật có liên quan. 

Ủy ban Pháp luật và Tư pháp đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát, chỉnh lý các nội dung khác trong dự thảo Nghị quyết nhằm bảo đảm tính thống nhất với Bộ luật Tố tụng dân sự và các văn bản pháp luật có liên quan, nhất là các luật cùng được sửa đổi, bổ sung, ban hành mới tại Kỳ họp thứ 9.

Qua thẩm tra, Ủy ban Pháp luật và Tư pháp nhận thấy, còn một số nội dung của dự thảo Nghị quyết chưa rõ, thiếu cụ thể hoặc còn có ý kiến khác nhau cần được cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát, chỉnh lý, bổ sung hoặc làm rõ thêm.

Cụ thể, quy định về phạm vi điều chỉnh đối với nhóm dễ bị tổn thương tại điểm e khoản 2 Điều 3 của dự thảo Nghị quyết là“Người dân tộc thiểu số sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn theo quy định của pháp luật” còn quá rộng, chưa bảo đảm sự thống nhất trong chính sách hỗ trợ pháp lý cho cùng đối tượng được quy định tại Luật Trợ giúp pháp lý.

Quy định về lợi ích công gồm “tài sản công, đầu tư công” tại điểm a và “đất đai”, “tài nguyên khác” tại điểm b khoản 3 Điều 3 của dự thảo Nghị quyết còn chung chung, chưa thật rõ lợi ích công trực tiếp cần được bảo vệ trong vụ án dân sự công ích, dễ dẫn đến cách hiểu và áp dụng không thống nhất.

Quy định tại điểm a và điểm b khoản 2 Điều 1 của dự thảo Nghị quyết về đối tượng áp dụng là cơ quan, người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng thuộc Viện kiểm sát nhân dân và Tòa án nhân dân chưa cụ thể, rõ ràng, dễ dẫn đến những vướng mắc trong thực tiễn áp dụng.

Dự thảo Nghị quyết chưa phân định rõ vai trò của Viện kiểm sát nhân dân với tư cách là “nguyên đơn” với vai trò là cơ quan tiến hành tố tụng trong vụ án dân sự công ích; chưa quy định rõ tư cách pháp lý của Viện kiểm sát nhân dân trong khởi kiện vụ án dân sự công ích nhằm bảo đảm chặt chẽ, thống nhất trong việc áp dụng, giải quyết vụ án.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp nêu rõ: “Để tránh tình trạng “dân sự hóa” quan hệ hình sự, hành chính, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát, phân loại hành vi trước khi khởi kiện; đồng thời bổ sung nguyên tắc nhằm tránh việc dân sự hóa quan hệ hình sự, hành chính; làm rõ thêm căn cứ, điều kiện và phạm vi khởi kiện của Viện kiểm sát nhân dân để tránh lạm quyền hoặc can thiệp quá sâu vào hoạt động của các cơ quan, tổ chức khác...

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate