Cục Đường bộ Việt Nam vừa có báo cáo Bộ Giao thông Vận tải về cung cấp dịch vụ thu phí điện tử không dừng cho các cảng hàng không và một số nội dung liên quan đến mở rộng cung cấp dịch vụ thu phí điện tử không dừng.
Trước đó, vào tháng 1/2023, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) cũng đã đề xuất Bộ Giao thông vận tải cho phép triển khai ETC với xe vào sân bay sau khi các nhà cung cấp dịch vụ ETC hoàn thiện hệ thống thu phí không dừng tại sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất.
Đến nay đề xuất trên chưa thực hiện được do gặp vướng mắc về cơ sở pháp lý, các trạm thu phí xe vào sân bay vẫn thu tiền thủ công.
Hiện nay, nhiều kênh nạp tiền thuận tiện, đa dạng, thu phí không dừng đã quen thuộc, đến nay đã có gần 5 triệu xe dán thẻ, mở tài khoản thu phí (tài khoản giao thông), đạt trên 90% tổng số lượng phương tiện trên cả nước.
Do đó, việc mở rộng các dịch vụ thanh toán trên nền tảng hệ thống thu phí điện tử không dừng như: thu phí tại cảng hàng không, thu phí bãi đỗ xe, thu phí điểm đỗ xe lòng đường… là cần thiết, phù hợp với xu thế phát triển của giao thông thông minh, thuận tiện cho người sử dụng dịch vụ và tăng tối đa hiệu quả đầu tư của các dự án.
“Hiện nay, các trạm thu phí sân bay trong cả nước, đặc biệt là ở sân bay Nội Bài và sân bay Tân Sơn Nhất vẫn thu phí theo hình thức thủ công, tài xế phải dừng xe trước trạm thu phí để trả tiền mặt khiến cho khu vực trạm thường xuyên bị ùn tắc, gây bức xúc cho tài xế và hành khách”, Cục Đường bộ Việt Nam cho biết thêm.
Theo Cục Đường bộ Việt Nam, hệ thống thu phí điện tử không dừng tại cảng hàng không Tân Sơn Nhất đã được thử nghiệm thành công, sẵn sàng đưa vào hoạt động.
Về cơ sở pháp lý để mở rộng dịch vụ, việc các nhà cung cấp dịch vụ đề xuất mở rộng thêm dịch vụ mới trên nền tảng của hệ thống thu phí điện tử không dừng phù hợp với tinh thần tại Quyết định số 19/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng.
Đồng thời, góp phần gia tăng tiện ích, tạo thuận lợi cho người sử dụng dịch vụ, phát huy hiệu quả đầu tư hệ thống thu phí điện tử không dừng, cũng như có cơ sở đánh giá, hoàn thiện hành lang pháp lý bảo đảm phù hợp, chặt chẽ, hiệu quả, đúng quy định pháp luật.
Tuy nhiên, theo Luật PPP, các nhà cung cấp dịch vụ thu phí được thành lập với mục đích chỉ để thực hiện nhiệm vụ thu phí đường bộ. Trường hợp muốn mở rộng dịch vụ phải điều chỉnh dự án thu phí điện tử không dừng để bổ sung các dịch vụ tăng thêm vào phạm vi dự án.
Bên cạnh đó, Quyết định số 19/2020/QĐ-TTg cũng có quy định tài khoản thu phí của chủ xe hiện tại chỉ được sử dụng để trả phí dịch vụ sử dụng đường bộ. Hệ thống ETC cũng như nhà cung cấp dịch vụ này không phải là tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán.
Đại diện Cục Đường bộ Việt Nam cho biết tại Dự thảo Luật Đường bộ, cơ quan này đã đề xuất bổ sung quy định hệ thống giao thông thông minh, cơ sở dữ liệu đường bộ và thanh toán điện tử giao thông.
Để có cơ sở đánh giá, hoàn thiện hành lang pháp lý bảo đảm phù hợp, hiệu quả, Cục Đường bộ đề xuất Bộ Giao thông vận tải báo cáo Thủ tướng cho phép các nhà cung cấp dịch vụ ETC triển khai thí điểm mở rộng thêm dịch vụ thu phí không dừng tại sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất trong thời gian là 6 tháng.
Trên cơ sở quá trình triển khai và kết quả thí điểm ETC tại các sân bay, Bộ Giao thông vận tải tổ chức đánh giá tác động và rà soát, nghiên cứu đề xuất phương án xử lý phù hợp, đúng quy định pháp luật; thực hiện điều chỉnh, bổ sung quyết định số 19/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng đồng thời với quá trình triển khai thí điểm ETC tại các sân bay.