Chỉ đạo này được đưa ra sau khi Cục Hàng không Việt Nam nhận được phản ánh về việc phương tiện xe máy bị bỏ quên tại Nhà để xe TCP - Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, gây mất an toàn trong công tác phòng chống cháy nổ và vệ sinh môi trường.
ĐẢM BẢO AN TOÀN, PHÒNG CHỐNG CHÁY NỔ
Trước tình trạng nêu trên, Cục Hàng không Việt Nam yêu cầu Cảng vụ hàng không miền Nam khẩn trương phối hợp với các cơ quan, đơn vị để tiến hành kiểm tra tình trạng xe máy bị bỏ quên tại nhà để xe TCP-Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất theo phản ánh.
"Công ty TCP phối hợp với Phòng cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, Công an TP. Hồ Chí Minh tổ chức kiểm tra công tác phòng chống cháy nổ tại nhà để xe TCP".
Cục Hàng không Việt Nam.
Đồng thời, Cảng vụ hàng không miền Nam cần làm việc với Công ty TCP để làm rõ các giải pháp, hướng xử lý.
Theo đó, Cục Hàng không Việt Nam đề nghị các đơn vị liên hệ với chủ xe, báo cáo xin ý kiến xử lý của cơ quan có thẩm quyền; bố trí khu vực riêng và các giải pháp đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy, vệ sinh môi trường đã, đang và sẽ thực hiện của Công ty TCP đối với các trường hợp xe máy để lại lâu ngày tại nhà để xe TCP.
Cục Hàng không Việt Nam cũng yêu cầu, trong trường hợp cơ quan chuyên môn về phòng cháy chữa cháy có ý kiến kết luận liên quan đến việc lưu giữ các phương tiện để lâu ngày như trên làm ảnh hưởng đến phương án phòng cháy chữa cháy đã được duyệt, không đảm bảo về công tác phòng cháy chữa cháy, Cảng vụ hàng không miền Nam có trách nhiệm đôn đốc Công ty TCP khắc phục kịp thời các ý kiến kết luận của cơ quan phòng cháy chữa cháy và báo cáo kết quả về Cục Hàng không Việt Nam.
NHIỀU XE BỊ LÃNG QUÊN 7 NĂM
Nhà để xe TCP, có tổng diện tích xây dựng gần 67.000 m2, gồm một tầng hầm, một tầng lửng, năm tầng nổi và một tầng mái. Nhà xe có sức chứa gần 6.000 xe máy và khoảng 1.500 ô tô.
Theo ghi nhận, kể từ khi hoạt động vào năm 2016 đến nay có hàng nghìn xe máy "bỏ quên” tại nhà xe TCP ở sân bay Tân Sơn Nhất.
Cá biệt có nhiều chiếc bị lãng quên 7 năm, sau khi kiểm đếm, lọc lại, hiện có khoảng 650 chiếc "lãng quên" trên 30 ngày đến vài năm chưa có ai đến nhận. Sau khi kiểm đếm, để đảm bảo an toàn cháy nổ, vệ sinh môi trường khu vực gửi xe, đơn vị này đã rút xăng, di chuyển về khu vực xe quá hạn từ tầng 3-5 của nhà để bảo quản.
Theo đơn vị quản lý, nhiều chiếc bị bỏ lại do tiền gửi có thể nhiều hơn giá trị xe. Hiện giá giữ xe máy ở bãi đậu TCP là 6.000 đồng cho 4 giờ đầu tiên, sau đó tính theo lũy tiến, thậm chí vượt quá trị giá chiếc xe nên chủ xe bỏ xe không đến lấy.
Nhà xe đã báo cáo hiện trạng cho Cảng vụ Hàng không miền Nam cùng các đơn vị liên quan nhưng đến nay vẫn chưa tìm được hướng xử lý. Tình trạng này khiến nhà xe tăng chi phí quản lý, trong khi diện tích bãi đậu lại bị thu hẹp.
Ngoài sân bay Tân Sơn Nhất, tại các bến xe lớn cũng có hàng nghìn xe máy gửi nhiều năm nhưng không người đến nhận. Việc này khiến các bãi đậu xe quá tải, dễ xảy ra cháy nổ nếu thiếu biện pháp đảm bảo an toàn.
Theo đánh giá, việc gửi, giữ xe ở sân bay hay bến xe là quan hệ dân sự - hợp đồng gửi, giữ tài sản thông qua phiếu giữ xe. Khoản 4 Điều 558 Bộ luật Dân sự 2015 nêu rõ, bên giữ tài sản có quyền bán tài sản gửi, giữ có nguy cơ bị hư hỏng hoặc tiêu hủy nhằm bảo đảm lợi ích cho bên gửi. Tuy nhiên, cần báo việc đó cho bên gửi và trả cho bên gửi khoản tiền thu được do bán tài sản, sau khi trừ chi phí hợp lý để bán tài sản.
Dù vậy, quy định này rất khó để thực hiện do các đơn vị trông giữ xe gặp nhiều khó khăn để liên lạc với chủ xe. Do đó, các bãi giữ xe nên xây dựng nội quy gửi xe rõ ràng về thời gian lấy xe, khi hết thời gian lấy xe thì chủ xe cần chủ động liên lạc để gia hạn. Trường hợp chủ xe không liên lạc để gia hạn việc gửi, giữ trong thời hạn nhất định thì bên giữ xe có quyền bán hoặc tiêu hủy xe.