Bộ Giao thông vận tải đang lấy ý kiến góp ý vào dự thảo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thiết kế đường bộ cao tốc.
CAO TỐC CÓ 3 CẤP ĐỘ, VỊ TRÍ KHÓ KHĂN KHÔNG THẤP HƠN 60KM/H
Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đặt mục tiêu đến năm 2025 hoàn thành 3.000 km đường cao tốc, đến năm 2030 cơ bản hoàn thành 5.000km. Do đó, thời gian vừa qua, Chính phủ có chủ trương giao UBND các địa phương là cấp quyết định đầu tư, các đơn vị trực thuộc là chủ đầu tư của nhiều dự án đường cao tốc, để nhanh chóng đạt mục tiêu trên.
Dù việc triển khai xây dựng các tuyến cao tốc đạt một số kết quả tích cực nhưng còn nhiều tồn tại liên quan đến đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông như: một số tuyến cao tốc không có làn dừng khẩn cấp liên tục, tốc độ khai thác còn hạn chế, một số tuyến cao tốc chỉ có 2 làn xe, việc thiếu trạm dừng nghỉ cũng gây nhiều bức xúc...
Do đó, ngày 12/9/2023, Thủ tướng Chính phủ có Công điện số 794/CĐ-TTg yêu cầu Bộ Giao thông vận tải khẩn trương xây dựng và ban hành quy chuẩn thiết kế đường bộ cao tốc làm cơ sở để quy hoạch, thiết kế, đầu tư xây dựng và quản lý hệ thống đường bộ cao tốc, các nút giao kết nối; làm căn cứ để xác định suất đầu tư, huy động vốn đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc phù hợp, bảo đảm công khai, minh bạch, hiệu quả.
"Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, đồng thời để quản lý thống nhất về công tác quản lý nhà nước; đảm bảo tính thống nhất một số các yêu cầu kỹ thuật của đường cao tốc để các địa phương, các chủ đầu tư và các tư vấn thiết kế thống nhất trong quá trình triển khai đầu tư xây dựng và quản lý khai thác đường cao tốc, việc xây dựng và ban hành quy chuẩn là cần thiết", Bộ Giao thông vận tải khẳng định.
Theo đó, dự kiến nội dung Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về đường cao tốc sẽ quy định giới hạn một số chỉ tiêu kỹ thuật mang tính chất bắt buộc để tuân thủ áp dụng như: một số quy định tối thiểu về mặt cắt ngang, bình độ, trắc dọc của tuyến đường… tương ứng với cấp đường, vận tốc thiết kế.
Các nội dung khác có thể không quy định hoặc chỉ đưa ra quy định về mặt nguyên tắc, trong quá trình thiết kế sẽ căn cứ, áp dụng các quy định của hệ thống tiêu chuẩn để triển khai thực hiện.
Về tốc độ thiết kế, theo dự thảo, đường cao tốc được phân làm các cấp như sau: cấp 80 có tốc độ thiết kế là 80 km/h; cấp 100 có tốc độ thiết kế là 100 km/h; cấp 120 có tốc độ thiết kế là 120 km/h; cấp thiết kế đặc biệt, tốc độ thiết kế trên 120 km/h, được nghiên cứu, thiết kế riêng.
“Cấp thiết kế tối thiểu (cấp 80) chỉ nên áp dụng đối với các vùng có địa hình khó khăn (như vùng núi, đồi cao) hoặc trường hợp phân kỳ đầu tư. Lựa chọn cấp đường cao tốc phải căn cứ vào điều kiện địa hình, quy hoạch mạng lưới đường bộ đã xác lập, được cấp có thẩm quyền của nhà nước duyệt, trên cơ sở nghiên cứu, phân tích và đánh giá đầy đủ các yếu tố kinh tế - kỹ thuật - xã hội”, Bộ Giao thông vận tải nêu rõ.
Trên một tuyến đường cao tốc có thể có những đoạn áp dụng cấp khác nhau (kể cả trường hợp có đoạn xét đến phân kỳ đầu tư), tuy nhiên, Bộ Giao thông vận tải lưu ý phải đảm bảo tính đồng nhất theo chiều dài từng đoạn.
Đối với các vị trí đặc biệt khó khăn có thể giảm tốc độ thiết kế để giảm kinh phí đầu tư, tuy nhiên, trong mọi trường hợp không nhỏ hơn 60 km/h, đồng thời phải thực hiện chuyển dần tốc độ và bố trí báo hiệu phù hợp.
Các vị trí chuyển tốc độ phải được nghiên cứu đảm bảo phù hợp địa hình, dễ nhận biết và thuận tiện cho người lái xe (nút giao, thay đổi địa hình, cảnh quan…).
TỐI THIỂU 4 LÀN XE, BỎ BARIER ĐẦU VÀO TRẠM THU PHÍ
Đáng chú ý, dự thảo nêu rõ mặt đường (phần xe chạy) mỗi chiều trên đường cao tốc hoàn chỉnh tối thiểu là 02 làn xe/mỗi chiều và phải đảm bảo đủ năng lực thông hành cho lưu lượng xe.
Quy định này thay thế cho tiêu chuẩn hiện hành, không quy định số làn tối thiểu khi thiết kế ban đầu mà chỉ quy định đường cao tốc được thiết kế phù hợp với nhu cầu từng thời kỳ.
Về hệ thống thu phí cao tốc, theo dự thảo của Bộ Giao thông vận tải, bắt buộc phải thu phí tự động không dừng ở tất cả các làn. Trường hợp thu phí kín, tại các điểm vào cao tốc bố trí hệ thống thu phí tự động đa làn tự do không có thanh chắn (barier), đầu ra bố trí hệ thống thu phí đơn làn có barier hoặc đa làn tự do.
Trường hợp thu theo “Hệ thống mở” trạm thu phí được chọn đặt ở một số vị trí ngay trên đường cao tốc. Phải tùy tình hình thực tế quyết định lựa chọn phương thức tổ chức thu phí, sau đó luận chứng lựa chọn vị trí đặt trạm thu phí, cần tránh ảnh hưởng không tốt đến mọi hoạt động xã hội.
Khu vực trạm thu phí phải bố trí đầy đủ các công trình, hạng mục công trình đảm bảo phục vụ hiệu quả công tác thu phí như: có làn riêng phục vụ xe quá khổ, khu nhà làm việc, khu vệ sinh và các hệ thống cơ sở hạ tầng điện, nước, tín hiệu…, có vị trí đỗ xe để cảnh sát giao thông thực hiện công tác kiểm soát xe vi phạm.
YÊU CẦU VỚI PHÂN KỲ ĐẦU TƯ CAO TỐC
Đề xuất về nguyên tắc trong phân kỳ đầu tư đường cao tốc, Bộ Giao thông vận tải nêu rõ trong thời gian phân kỳ, đường cao tốc phải được thiết kế bảo đảm đủ các tính năng đã đề cập, có thể xem xét giảm cấp thiết kế so với cấp thiết kế của đường cao tốc hoàn chỉnh trong tương lai để giảm vốn đầu tư.
"Số làn xe của đường cao tốc giai đoạn phân kỳ được tính toán đảm bảo đáp ứng lưu lượng giao thông dự báo ở cuối thời gian phân kỳ. Trường hợp số làn xe giai đoạn hoàn chỉnh theo quy hoạch là số làn tối thiểu thì không phân kỳ đầu tư", Bộ Giao thông vận tải đề xuất.
Trong trường hợp xét đến phương án phân kỳ đầu tư, phải có thiết kế tổng thể hoàn chỉnh cho tương lai đối với tất cả các bộ phận, các hạng mục công trình của đường cao tốc để đảm bảo xem xét sử dụng được tối đa các phần công trình đã được phân kỳ làm trước, đồng thời đảm bảo thiết kế phân kỳ tạo mọi điều kiện thuận lợi cho việc xây dựng ở giai đoạn sau và việc xây dựng giai đoạn sau hạn chế ảnh hưởng đến giao thông bình thường trên đường cao tốc đã làm trước trong giai đoạn phân kỳ.
Về các yêu cầu kỹ thuật trong giai đoạn phân kỳ đầu tư đường cao tốc, các yếu tố tuyến trong thời gian phân kỳ phải được thiết kế theo đúng tiêu chuẩn cấp đường cao tốc trong tương lai, kể cả tại các chỗ giao nhau và các chỗ ra vào đường cao tốc.
Vị trí tim tuyến trong thời gian phân kỳ cần được phân tích, đánh giá về kinh tế, kỹ thuật giữa đi trùng tim hoặc lệch tim tuyến cao tốc trong tương lai để tránh gây trở ngại cho việc khai thác đường liên tục và di chuyển các hệ thống hạ tầng kỹ thuật khi thi công mở rộng thành đường cao tốc hoàn chỉnh sau này.
Cao độ thiết kế và tĩnh không đường cao tốc trong thời gian phân kỳ cần xét đến dự trữ cao độ cho việc phải tăng cường kết cấu mặt đường phù hợp với quy mô giao thông dự báo cho đường cao tốc hoàn chỉnh trong tương lai.