Nga vừa đưa thêm 2 quốc gia châu Âu vào danh sách những khách hàng bị cắt cung cấp khí đốt. Tập đoàn khí đốt quốc doanh Nga Gazprom ngày 31/5 tuyên bố sẽ “khoá van” đối với một số quốc gia “không thân thiện” từ chối cơ chế dùng đồng Rúp để trả tiền mua khí đốt mà Moscow đưa ra.
Động thái này của Nga là sự trả đũa mới nhất đối với các biện pháp trừng phạt mà phương Tây đã áp lên Nga liên quan đến chiến tranh Nga-Ukraine, đẩy cao trận chiến kinh tế giữa Moscow và Brussels đồng thời thúc giá khí đốt ở châu Âu lên cao hơn nữa.
Gazprom tuyên bố đã cắt hoàn toàn cung cấp khí đốt đối với công ty giao dịch khí đốt Hà Lan GasTerra. Tiếp đó, Gazprom cho biết sẽ cắt khí đốt từ ngày 1/6 đối với công ty năng lượng Orsted của Đan Mạch và đối với hãng Shell Energy ở hợp đồng mà hãng này cung cấp cho Đức. Lý do cho các động thái này là phía mua khí đốt không chấp nhận dùng đồng Rúp để thanh toán.
Trước đó, vào hôm 30/5, Liên minh châu Âu (EU) đạt nhất trí về việc đến cuối năm nay sẽ cắt giảm 90% nhập khẩu dầu từ Nga - động thái đáp trả cứng rắn nhất từ trước đến nay của khối này với cuộc chiến tranh Nga-Ukraine.
GasTerra – đơn vị mua và giao dịch khí đốt thay mặt cho Chính phủ Hà Lan – tuyên bố đã ký được hợp đồng để mua 2 tỷ mét khối khí đốt mà lẽ ra công ty này sẽ nhận được từ Gazprom trong thời gian từ nay đến hết tháng 10.
“Đây chưa phải là một mối đe doạ đối với nguồn cung khí đốt”, người phát ngôn Bộ Các vấn đề Kinh tế Hà Lan Pieter ten Bruggencate phát biểu.
Orsted cho biết sẽ chuyển sang thị trường khí đốt châu Âu để bù đắp cho nguồn cung khí đốt từ Nga vừa bị cắt. Công ty này trước đó nói rằng không có rủi ro tức thì nào đối với nguồn cung khí đốt của Đan Mạch.
“Đan Mạch sẽ phải mua phần lớn khí đốt từ thị trường châu Âu. Chúng tôi cho rằng việc này là có thể”, CEO Mads Nipper của Orsted phát biểu sau tuyên bố từ Gazprom.
Giá khí đốt giao tháng 6 tại thị trường châu Âu tăng khoảng 5% trong phiên chiều ngày 31/3, đạt 91,05 Euro/MWh, nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với mức đỉnh hơn 300 Euro/MWh thiết lập hồi đầu tháng 3.
“Việc hai nước này bị Nga cắt khí đốt nằm trong dự báo trước đó của thị trường, nhưng diễn biến này vẫn sẽ khiến cho cân bằng cung-cầu khí đốt trở nên thắt chặt hơn”, nhà phân tích Tom Marzec-Manser của ICIS nhận định.
Dòng chảy khí đốt Nga tới Đức qua đường ống Nord Stream đã giảm trong ngày 31/5. Giới phân tích cho rằng nguyên nhân có thể do Hà Lan bị Nga cắt khí đốt.
Trước Hà Lan và Đan Mạch, Nga đã cắt khí đốt đối với Bulgaria, Ba Lan và Phần Lan vì những nước này không chấp nhận trả tiền mua khí đốt Nga bằng Rúp.
Trong khi đó, các công ty năng lượng của Đức, Italy và Pháp cho biết sẽ hợp tác với cơ chế thanh toán mà Nga đưa ra để duy trì dòng chảy khí đốt.
Việc Nga cắt khí đốt đối với một loạt quốc gia châu Âu đang đẩy giá khí đốt vốn dĩ đã cao lên cao hơn nữa. Trong bối cảnh như vậy, áp lực lạm phát đối với khu vực này ngày càng lớn, trong khi các công ty năng lượng châu Âu phải xoay sở tìm kiếm các nguồn cung thay thế và phát triển hạ tầng để đáp ứng nguồn cung mới, bao gồm các cơ sở chứa khí đốt ngoài khơi.
Các nước châu Âu hiện đang chạy đua với thời gian để làm đầy các kho dự trữ khí đốt trước khi bước vào mùa đông nhằm đề phòng nguy cơ Nga bất ngờ cắt khí đốt đối với toàn bộ khu vực. Trước chiến tranh, Nga đáp ứng khoảng 40% nhu cầu khí đốt của châu Âu.
Theo dữ liệu từ Gas Infrastructure Europe, dự trữ khí đốt của Hà Lan hiện đầy khoảng 37%.
Tuần trước, Chính phủ Hà Lan tuyên bố sẽ tăng trợ cấp lên mức 406 triệu Euro để khuyến khích các công ty năng lượng làm đầy Bergermeer, một trong những cơ sở dự trữ khí đốt lớn nhất ở châu Âu.
Dự trữ khí đốt của Đan Mạch hiện đầy 55% và sẽ đủ để cung cấp cho cả Đan Mạch và Thuỵ Điển trong vòng 5 tháng nếu nguồn cung từ Đức bị cắt.