Hiện tại, Rúp vẫn đang nhận được sự hỗ trợ từ các biện pháp kiểm soát vốn và thặng dư tài khoản thương mại lớn của Nga.
Theo tin từ Reuters, tỷ giá đồng Rúp sụt giảm trong tuần trước sau khi CBR hạ lãi suất 3 điểm phần trăm về mức 11% và phát tín hiệu sẽ tiếp tục giảm lãi suất trong thời gian tới. Khả năng Nga nới thêm các biện pháp kiểm soát vốn, cộng với việc Chính phủ Nga đối mặt nguy cơ vỡ nợ, cũng gia tăng sức ép mất giá lên đồng nội tệ của nước này trong tuần trước.
Tuy nhiên, Rúp đã nhanh chóng quay trở lại với xu hướng tăng giá trong phiên giao dịch ngày 30/5, tăng 7% so với USD, đạt chưa đầy 62 Rúp đổi 1 USD.
Hôm thứ Tư tuần trước, tỷ giá Rúp vọt lên mức 55,8 Rúp tương đương 1 USD, mức cao nhất của Rúp kể từ tháng 2/2018, trước khi tụt về 66,7 Rúp đổi 1 USD vào cuối tuần do CBR giảm lãi suất.
Tỷ giá Rúp so với đồng Euro tăng gần 9% trong phiên ngày 30/5, đạt 63,46 Rúp đổi 1 Euro.
Cũng vào hôm thứ Tư tuần trước, tỷ giá Rúp so với Euro đạt đỉnh 7 năm ở mức 57,1 Rúp đổi 1 Euro. Một lý do quan trọng dẫn tới việc thiết lập đỉnh giá này là thời hạn đóng thuế cuối tháng buộc các công ty xuất khẩu của Nga phải đổi ngoại tệ sang Rúp để thực hiện nghĩa vụ thuế. Sau đó, tỷ giá Rúp so với Euro cũng giảm vào cuối tuần khi CBR hạ lãi suất.
“Bức tranh nền nói chung của tỷ giá đồng Rúp vẫn chưa có sự thay đổi đáng kể. Chúng tôi không loại trừ khả năng tỷ giá Rúp hồi về vùng 60-63 Rúp đổi 1 USD”, ông Dmitry Polevoy, Giám đốc công ty đầu tư LockoInvest, nhận định.
Nhờ các biện pháp kiểm soát vốn mà Nga theo đuổi, tỷ giá Rúp đã tăng mạnh sau đợt giảm sâu sau khi chiến tranh Nga-Ukraine bùng nổ. Cho tới trước đợt giảm vào tuần trước, Rúp là đồng tiền tăng giá mạnh nhất thế giới từ đầu năm. Ngoài ra, tỷ giá Rúp còn được nâng đỡ bởi yêu cầu của Nga rằng các nước “không thân thiện” phải thanh toán bằng Rúp khi mua khí đốt Nga.
Thị trường trái phiếu chính phủ Nga cũng đang diễn biến theo chiều hướng có lợi cho nước này. Lợi suất trái phiếu chính phủ Nga kỳ hạn 10 năm có lúc giảm về 9,23% trong phiên ngày 30/5, mức thấp nhất kể từ hôm 19/1, trước khi chốt phiên ở mức 9,48%. Lợi suất giảm do thị trường kỳ vọng CBR sẽ hạ thêm lãi suất và nới lỏng thêm chính sách tiền tệ trong thời gian tới để hỗ trợ nền kinh tế đang đương đầu nguy cơ suy thoái vì các biện pháp trừng phạt của phương Tây.
Thị trường đang chờ xem liệu Nga có thực hiện được các nghĩa vụ nợ quốc tế sau khi Chính phủ Mỹ vào tuần trước có một động thái đẩy Chính phủ Nga tới bờ vực của một vụ vỡ nợ lịch sử. Washington đã không gia hạn một giấy phép tạm thời vốn được cấp để cho phép Nga tiếp tục trả nợ cho các trái chủ ở Mỹ.
Đối với trái phiếu phát hành tại thị trường châu Âu (Eurobond), Nga sẽ thanh toán theo cơ chế tương tự như cơ chế mà Nga đưa ra để các khách hàng châu Âu trả tiền mua khí đốt Nga bằng Rúp - Bộ trưởng Bộ Tài chính Nga Anton Siluanov nói với tờ báo Vedomosti.
Theo đó, để nhận được các khoản thanh toán trái phiếu Nga bằng ngoại tệ, trái chủ ở châu Âu sẽ phải mở một tài khoản Rúp và một tài khoản ngoại tệ tại một ngân hàng Nga. Tiếp đó, phía Nga sẽ chuyển tiền Rúp vào tài khoản đầu tiên, rồi số tiền Rúp này sẽ được chuyển đổi sang ngoại tệ và đổ vào tài khoản thứ hai.
“Cơ chế thanh toán trái phiếu Eurobond sẽ tương tự như cơ chế thanh toán tiền mua khí đốt Nga, chỉ là theo chiều ngược lại”, ông Siluanov nói.
Theo vị Bộ trưởng, cách làm này sẽ giúp Nga dùng đồng Rúp trả nợ và không phải nhờ đến các định chế tài chính phương Tây đứng ra làm trung gian. Ông cũng một lần nữa khẳng định Nga có tiền và sẵn sàng trả nợ, bác bỏ bất kỳ ý kiến nào cho rằng Nga sắp vỡ nợ.
Trong cơ chế thanh toán tiền mua khí đốt bằng Rúp mà Nga đưa ra, khách hàng phải mở 2 tài khoản gồm 1 tài khoản ngoại tệ và 1 tài khoản Rúp tại ngân hàng Nga Gazprombank. Tiền thanh toán khí đốt bằng ngoại tệ sẽ được khách hàng chuyển tới tài khoản đầu tiên, sau đó được chuyển đổi sang Rúp và đổ vào tài khoản thứ hai.