Cụ thể, Cục Thuế TP. Hà Nội cho biết, 6 người nộp thuế nợ nghĩa vụ tài chính liên quan đến đất kỳ khóa sổ 30/9/2021 với số nợ còn lại đến 01/11/2021 là 264,5 tỷ đồng.
Theo danh sách chi tiết đi kèm, 6 doanh nghiệp nợ nghĩa vụ tài chính liên quan đến đất được Cục thuế TP. Hà Nội “bêu tên” gồm Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư Thương mại Công nghiệp Việt Á; Công ty TNHH Tân Hoàng Phi; Công ty Cổ phần Tập đoàn Sao Sáng; Công ty Cổ phần Haprosimex Thăng Long; Công ty Cổ phần Hải Bình và Công ty Cổ phần Viptour - Togi.
Đứng đầu danh sách là Công ty cổ phần Viptour - Togi với số nợ tiền nợ thuế liên quan đến nghĩa vụ tài chính về đất là hơn 187 tỷ đồng. Tiếp đến, Công ty Cổ phần Hải Bình nợ gần 50 tỷ đồng; Công ty Cổ phần Tập đoàn Sao Sáng nợ trên 18 tỷ đồng…
Đứng đầu danh sách những đơn vị nộp thuế nợ nghĩa vụ tài chính liên quan đến đất là Công ty cổ phần Viptour - Togi với số nợ tiền nợ thuế liên quan đến nghĩa vụ tài chính về đất là hơn 187 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, Cục Thuế TP. Hà Nội cho biết thêm, có 306 người nộp thuế nợ thuế, phí khả năng thu kỳ khóa sổ 30/9/2021 với số nợ còn lại đến 13/11/2021 với số nợ gần 116 tỷ đồng.
Đáng lưu ý, 57 người nộp thuế nợ thuế, phí khó thu kỳ khóa sổ 30/9/2021 với số nợ 29 tỷ đồng. Trong đó, Công ty TNHH Công nghiệp thực phẩm Ngọc Lâm nợ đến gần 22 tỷ, chiếm đến trên 75% số nợ khó thu.
Bên cạnh việc phối hợp với chính quyền địa phương, với các sở ban ngành áp dụng biện pháp đôn đốc, cưỡng chế theo quy định đối với các đơn vị nợ nghĩa vụ ngân sách nhà nước, Cục Thuế Hà Nội thường xuyên đăng công khai thông tin nợ thuế theo quy định đối với các đơn vị nợ đọng lớn, chây ỳ trên địa bàn.
Đánh giá về công tác quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế trong bối cảnh hiện nay, Cục Thuế TP. Hà Nội cho hay, cần đòi hỏi sự mềm dẻo, thuyết phục và sáng tạo trong giai đoạn người nộp thuế còn phải chống đỡ rất nhiều thiệt hại do dịch bệnh gây ra. Nhưng vẫn cần sự quyết tâm, quyết đoán để đảm bảo thực hiện các nhiệm vụ, chỉ tiêu do Bộ Tài chính, Tổng cục thuế và Thành phố giao.
Theo đó, Cục Thuế TP. Hà Nội bám sát tình hình hoạt động sản suất kinh doanh, chủ động nắm bắt những khó khăn vướng mắc của đơn vị nợ thuế, phối hợp với các sở, ngành liên quan để nghiên cứu, đề xuất, kiến nghị kịp thời, có hiệu quả lên Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế, UBND Thành phố.
Từ đó, có những chính sách phù hợp nhằm kịp thời tháo gỡ, tạo điều kiện để doanh nghiệp khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh, nộp dần nợ thuế.
Đồng thời, "đôn đốc kịp thời các khoản nợ đến hạn của những doanh nghiệp chây ỳ nợ thuế vào ngân sách nhà nước và kiên quyết áp dụng các biện pháp cưỡng chế thuế theo quy định với mục tiêu đồng hành, hỗ trợ tốt doanh nghiệp, người nộp thuế nhưng cũng đảm bảo sự công bằng trong việc thụ hưởng các chính sách ưu đãi theo quy định", Cục Thuế TP. Hà Nội nhấn mạnh.