Chứng khoán BSC vừa đưa ra dự báo VN-Index hướng về mức 1.350 – 1.380 trong năm 2025 trên cơ sở kỳ vọng lợi nhuận thị trường tăng 16% - 16.5%, P/E mục tiêu 12,5 lần. Đồng thời khuyến nghị danh mục cổ phiếu đầu ngành, có định giá hấp dẫn cũng như chính sách cổ tức ổn định nhằm thích nghi với thương chiến.
Đầu tiên là ngành Dầu khí, đặc biệt nhóm dầu khí thượng nguồn, ít chịu tác động bởi thuế đối ứng khi không xuất khẩu sang Mỹ (Mỹ cũng không áp thuế đối ứng với các mặt hàng năng lượng), khối lượng công việc trong nước ổn định, giá dầu duy trì trên mức hòa vốn.
Với PVD, dù giá thuê giàn giảm nhẹ nhưng ổn định, khối lượng việc đủ đảm bảo lợi nhuận. PVS gần như không bị ảnh hưởng bởi thuế quan Mỹ, dự kiến tăng trưởng lợi nhuận mạnh giai đoạn 2025- 2026 nhờ Lô B - Ô Môn, các dự án trong nước và điện gió ngoài khơi. Rủi ro là xu hướng hạn chế năng lượng tái tạo dưới thời Trump 2.0, nhưng dài hạn vẫn tích cực.
Ngoài ra, các doanh nghiệp vận tải dầu khí cũng có thể giữ vững mức lợi nhuận cao của năm ngoái nhờ tăng sản lượng vận chuyển có thể giảm bớt tác động tiêu cực từ việc nhu cầu vận tải đường dài giảm, trong khi định giá của nhóm này đã về mức rất thấp. Các cổ phiếu tiêu điểm: PVD, PVS, PVT.
Ngành phân bón: Các doanh nghiệp phân bón Việt Nam không chịu ảnh hưởng bởi thuế đối ứng từ Mỹ do tỷ trọng xuất khẩu không lớn, hơn nữa thị trường xuất khẩu chính là Campuchia, Hàn Quốc hoặc Úc, không xuất khẩu sang Mỹ.
Ngoài ra, các doanh nghiệp trong ngành có thể ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng từ nền thấp năm 2024 khi giá dầu giảm về vùng thấp, giá bán ổn định hoặc tăng nhẹ tại thị trường trong nước khi Trung Quốc và Nga tiếp tục hạn chế xuất khẩu. Luật thuế VAT mới sẽ có hiệu lực từ T7/2025, hỗ trợ các doanh nghiệp phân bón được hoàn thuế giá trị gia tăng đầu vào, thay vì phải ghi nhận chi phí như trước. Các cổ phiếu tiêu điểm: DPM, DCM, DDV.
Đối với Vật liệu xây dựng, BSC ưu tiên những doanh nghiệp thép và nhựa có tỷ trọng phục vụ cho nội địa. Đối với ngành thép, ước tính sản lượng tăng khoảng 10% trong năm 2025 nhờ tiêu thụ trong nước. Ưu tiên chọn HPG do xuất khẩu sang thị trường Mỹ chỉ chiếm ~5%, ngoài ra việc mở rộng công suất sẽ nâng cao vị thế của HPG trong giai đoạn 2025-27.
Ngành nhựa xây dựng dự kiến tăng trưởng 8% trong bối cảnh nguồn cung bất động sản phục hồi. Hiện tại, định giá của doanh nghiệp đang ở mức hấp dẫn khi PE ở mức 9.1 (thấp hơn mức trung bình 10.5 trong 2 năm gần nhất), Tỷ suất cổ tức ở mức cao khoảng 5%. Cổ phiếu tiêu điểm: BMP.
Ngành Tiêu dùng thiết yếu là “nơi trú ẩn” an toàn cho danh mục đầu tư. Ngành tiêu dùng thiết yếu ít chịu ảnh hưởng bởi thuế đối ứng Mỹ do phần lớn doanh thu đến từ tiêu thụ nội địa và các doanh nghiệp trong ngành hầu như có tỷ suất cổ tức cao. Giá nguyên vật liệu có thể bị ảnh hưởng bởi bất ổn chính trị toàn cầu, tuy nhiên các công ty trong nước đều nhập trước 5-12 tháng để sản xuất và tiêu thụ, vì thế nhìn chung 6T25 thì nguyên vật liệu đều được kiểm soát và không bị ảnh hưởng.
Cho cả năm 2025, VNM, SAB được kỳ vọng tăng trưởng nhẹ, định giá hấp dẫn và cổ tức cao. Với MSN, Winmart và mảng thịt bắt đầu đóng góp lợi nhuận; MCH niêm yết giúp cải thiện định giá. Ngành chăn nuôi DBC, BAF sẽ Hưởng lợi từ giá thịt lợn tăng ~30%, nhu cầu tiêu thụ ổn định và quá trình chuyển đổi chăn nuôi theo Luật mới, tuy nhiên giá thức ăn chăn nuôi có thể có thể có biến động nhẹ theo tình hình thương mại toàn cầu. Các cổ phiếu tiêu điểm: MSN, SAB, VNM, DBC, BAF.
Ngành Chứng khoán, định giá hấp dẫn, tiềm năng dẫn dắt khi thị trường hồi phục. Thị trường chứng khoán điều chỉnh mạnh đầu T4/2025 do lo ngại từ thuế nhập khẩu 46% của Mỹ, song thanh khoản trung bình phiên tăng mạnh lên trên 30 nghìn tỷ đồng. Môi trường lãi suất thấp, kỳ hạn nâng hạng trong tương lai vẫn hỗ trợ cho ngành chứng khoán. Hiện định giá của các cổ phiếu chứng khoán đã về vùng hấp dẫn: P/B của 4 CTCK (SSI, HCM, VCI, MBS) hiện chỉ 1.5x–1.8x, thấp hơn trung bình 5 năm là 2.3x. Cổ phiếu tiêu điểm: SSI, HCM, VCI, MBS.
Ngành Hàng không, nhu cầu phục hồi, mở rộng hạ tầng hàng không sẽ giải quyết nhiều bài toán về nút thắt công suất. Nhu cầu bay quốc tế đã tăng mạnh 30% trong Q1/2025, dự báo sẽ tăng 20% cho cả năm. Cổ phiếu tiêu điểm ACV, lợi nhuận của ACV chịu tác động bởi chí phí khấu hao & lãi vay tăng khi vận hành sân bay mới, rủi ro lỗ tỷ giá nếu JPY tăng giá. Tuy nhiên điểm sáng là nhiều khả năng doanh nghiệp sẽ chuyển sàn giúp hỗ trợ giá cổ phiếu.
Ngành Bảo hiểm ít chịu ảnh hưởng trực tiếp từ chiến tranh thương mại (trừ
bảo hiểm hàng hoá), song lại có mức giảm giá 18,3%, cao hơn cả VN-Index 17% trong 5 phiên vừa qua, đưa định giá của ngành này xuống vùng hấp dẫn. BVH và PVI đều là những doanh nghiệp đầu ngành, tăng trưởng lợi nhuận ổn định, tỷ suất cổ tức hấp dẫn. Ngoài ra, khả năng PVN thoái toàn bộ 35% vốn tại PVI và kế hoạch chuyển sàn sang HOSE sẽ được thực hiện trong năm nay.
Ngành Công nghệ - viễn thông: Nền kinh tế số là động lực tăng trưởng, định giá hấp dẫn để tích lũy. Lĩnh vực phát mềm phần mềm không bị ảnh hưởng bởi thuế đối ứng của Mỹ, hưởng lợi từ nhu cầu chuyển đổi số toàn cầu, đặc biệt tại Nhật Bản, APAC và Châu Âu. Các AI mới như Deepseek mang tính hỗ trợ hơn là thay thế việc phát triển phần mềm, ngoài ra cũng giúp phổ biến AI trong dài hạn. Đối với FPT, dù nhà máy AI chậm tiến độ, tác động ngắn hạn đã phản ánh vào giá. Lợi nhuận ròng FPT 2025 dự báo +21%, P/E forward ~15.9 lần – mức định giá hấp dẫn để đầu tư. CTR cũng đã giảm mạnh từ đỉnh (40%) và giá cũng về vùng hấp dẫn với P/E 2025 ở mức 14,7.
Ngành Dược phẩm, tăng trưởng ổn định, cổ tức hấp dẫn. IQVIA dự báo ngành dược Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng với tốc độ CAGR 6%-8% đến năm 2028. Các doanh nghiệp trong ngành cũng duy trì chính sách cổ tức đều đặn và hấp dẫn. Với DHG, tỷ lệ cổ tức tiền mặt 2025 dự kiến 100% (~11% tỷ suất cổ tức), là mức hấp dẫn so với mặt bằng chung. Cổ phiếu tiêu điểm: DHG và DBD.