June 22, 2023 | 13:33 GMT+7

Điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn: Quốc hội biểu quyết phân bổ thêm gần 26.000 tỷ đồng cho 17 bộ và 33 địa phương

Trâm Anh -

Ngày 22/6, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về phân bổ vốn chương trình phục hồi; phân bổ, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 và phân bổ kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2023 của các chương trình mục tiêu quốc gia...

Quốc hội cũng điều chỉnh giảm gần 25.000 tỷ vốn đầu tư công trung hạn phân bổ cho Bộ Giao thông vận tải để giao cho các địa phương.
Quốc hội cũng điều chỉnh giảm gần 25.000 tỷ vốn đầu tư công trung hạn phân bổ cho Bộ Giao thông vận tải để giao cho các địa phương.

Sau khi nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về phân bổ vốn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; phân bổ, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 và phân bổ kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2023 của các Chương trình mục tiêu quốc gia, Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua toàn bộ dự thảo Nghị quyết, với tỷ lệ 96,36% số đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành.

ĐỒNG Ý KÉO DÀI THỜI GIAN GIẢI NGÂN VỐN CHƯƠNG TRÌNH PHỤC HỒI

Với đa số đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội chính thức thông qua Nghị quyết về phân bổ vốn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; phân bổ, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 và phân bổ kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2023 của các Chương trình mục tiêu quốc gia.

Quốc hội biểu quyết thông qua toàn bộ dự thảo Nghị quyết. Ảnh: Quochoi.vn.
Quốc hội biểu quyết thông qua toàn bộ dự thảo Nghị quyết. Ảnh: Quochoi.vn.

Nghị quyết nêu rõ nhiều nội dung cụ thể tại Điều 1, 2, 3 liên quan đến: phân bổ vốn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; phân bổ, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025; phân bổ vốn các Chương trình mục tiêu quốc gia năm 2023.

Đồng thời, Nghị quyết cũng giao Chính phủ chỉ đạo: Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận khẩn trương hoàn thiện thủ tục đầu tư dự án đầu tư hạ tầng ổn định đời sống nhân dân của xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam và xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải; Bộ Giao thông vận tải khẩn trương hoàn thiện thủ tục đầu tư dự án đấu nối ray giữa ga Lào Cai với ga Hà Khẩu Bắc; báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến trước khi Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch vốn cho các dự án theo quy định.

Đối với số vốn quy định tại khoản 6 Điều 2 Nghị quyết này, Nghị quyết giao Chính phủ chỉ đạo các bộ, cơ quan trung ương và địa phương: khẩn trương hoàn thiện thủ tục, phê duyệt chủ trương đầu tư các nhiệm vụ, dự án.

Chính phủ báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định chậm nhất tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV; trong thời gian giữa hai kỳ họp Quốc hội, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trước khi giao kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 cho các nhiệm vụ, dự án đã đủ thủ tục đầu tư, báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp gần nhất….

"Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, cơ quan trung ương, địa phương tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính ngân sách; nghiêm túc rút kinh nghiệm trong việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; chỉ đạo kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm các tổ chức, cá nhân liên quan trong việc chậm hoàn thiện thủ tục đầu tư dẫn đến chậm báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo Nghị quyết số 69/2022/QH15 của Quốc hội về phương án phân bổ số vốn còn lại của kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội", Nghị quyết nêu rõ.

 

"Cho phép điều chỉnh vốn giữa các nhiệm vụ, dự án của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội với các nhiệm vụ, dự án thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 đã được bố trí vốn trong dự toán ngân sách nhà nước năm 2023 theo quy định tại Điều 67 Luật Đầu tư công và bố trí nguồn vốn thuộc Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 cho các nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong các năm 2024, 2025 để hoàn thành các dự án theo đúng Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội", Nghị quyết của Quốc hội nêu rõ.

Trước đó, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng, việc bảo đảm thực hiện, giải ngân số vốn chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2023 theo quy định của Nghị quyết 43/2022/QH15 là rất khó khăn.

Do đó, một số ý kiến đề nghị cho phép kéo dài thời gian giải ngân vốn của chương trình phục hồi đến hết năm 2024 hoặc năm 2025, vì thực tế, một số dự án lớn nếu không kéo dài thời gian giải ngân thì không thể thực hiện được.

Trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh, cho biết tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định tại khoản 5 Điều 4 của dự thảo Nghị quyết theo hướng cho phép điều chỉnh vốn giữa các nhiệm vụ, dự án của chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội với các nhiệm vụ, dự án thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 đã được bố trí vốn trong dự toán ngân sách nhà nước năm 2023.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết.

Ngoài ra, Nghị quyết cũng yêu cầu Ủy ban Tài chính, Ngân sách, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban khác của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên, Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và Kiểm toán nhà nước, trong phạm vi nhiệm vụ và quyền hạn của mình, giám sát, kiểm toán việc thực hiện Nghị quyết này.

ĐIỀU CHỈNH TĂNG, GIẢM CHO CÁC CƠ QUAN RA SAO?

Cũng tại Nghị quyết, Quốc hội quyết nghị phân bổ 13.369,468 tỷ đồng số vốn còn lại của chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội cho các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương để thực hiện các dự án đủ thủ tục đầu tư, đã báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV. Đồng thời, giao Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo rà soát, giao kế hoạch vốn cho các dự án theo đúng quy định của Nghị quyết số 43/2022/QH15 và Luật Đầu tư công.

Điều 2 nghị quyết nêu rõ về việc phân bổ, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025.

Theo đó, một là, phân bổ 444,407 tỷ đồng kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 còn lại của chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi cho Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Hai là, phân bổ 25.995,167 tỷ đồng số vốn còn lại của kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương. Đồng thời, giao Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo rà soát, giao kế hoạch vốn cho các nhiệm vụ, dự án đủ thủ tục đầu tư, đã báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.

Phân bổ gần 26.000 tỷ đồng số vốn còn lại của kế hoạch đầu tư công trung hạn cho 17 bộ, cơ quan trung ương và 33 địa phương.
Phân bổ gần 26.000 tỷ đồng số vốn còn lại của kế hoạch đầu tư công trung hạn cho 17 bộ, cơ quan trung ương và 33 địa phương.

Ba là, đối với 364,060 tỷ đồng kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 đã phân bổ cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương theo Nghị quyết số 29/2021/QH15, giao Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo rà soát, giao kế hoạch vốn cho các nhiệm vụ, dự án đủ thủ tục đầu tư đã báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.

Bốn là, điều chỉnh giảm 24.594,3 tỷ đồng kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 đã phân bổ cho Bộ Giao thông vận tải để điều chỉnh tăng tương ứng kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 cho các địa phương.

Theo đó, các địa phương được tăng vốn đầu tư công trung hạn gồm: Khánh Hòa: 1.845 tỷ đồng; Đắk Lắk: 1.641 tỷ đồng; Đồng Nai: 1.436 tỷ đồng; Bà Rịa - Vũng Tàu: 1.976 tỷ đồng; Tiền Giang: 872 tỷ đồng; Cần Thơ: 3.250 tỷ đồng; Hậu Giang: 3.466 tỷ đồng; Sóc Trăng: 3.769,5 tỷ đồng; An Giang: 4.928 tỷ đồng; Đồng Tháp: 1.410,8 tỷ đồng.

Năm là, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 giữa các nhiệm vụ, dự án trong tổng mức vốn của từng bộ, cơ quan trung ương và địa phương theo hướng: giảm 948,863 tỷ đồng của các nhiệm vụ, dự án đã được giao kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025, để tăng tương ứng cho các nhiệm vụ, dự án không thuộc danh mục Chính phủ đã báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khóa XV và các dự án đã được giao Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 nhưng khác ngành, lĩnh vực với dự án điều chỉnh giảm.

Sáu là, đối với 53.049,202 tỷ đồng còn lại của kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 đến nay chưa phân bổ chi tiết cho các nhiệm vụ, dự án, Nghị quyết đề nghị đưa vào dự phòng của kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025...

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate