Theo tính toán, giai đoạn 2021 - 2025, các dự án, công trình giao thông được ưu tiên bố trí khoảng 400.000 tỷ đồng, lớn nhất trong các ngành, lĩnh vực, chiếm đến 50% tổng vốn đầu tư công và gấp gần 3 lần giai đoạn trước đó.
Các dự án, công trình giao thông đang được triển khai đồng loạt tại tất cả các vùng, miền của đất nước theo trục Bắc - Nam, Đông - Tây và kết nối 6 vùng kinh tế - xã hội mà trọng tâm là các dự án hạ tầng giao thông chiến lược kết nối liên vùng, các tuyến vành đai động lực, mang tính lan tỏa.
THẦN TỐC TRIỂN KHAI
Thời gian qua, Bộ Giao thông vận tải và các bộ, ngành, địa phương tích cực chuẩn bị, hoàn thiện thủ tục đầu tư để kịp thời báo cáo Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư các dự án đường bộ cao tốc, trong đó, ưu tiên đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông các vùng: vùng Thủ đô Hà Nội, vùng Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long, duyên hải Nam Trung bộ, Tây Nguyên và các vùng khó khăn.
Đó là cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu dài 53,7km qua hai tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu; cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng dài 188km, đi qua bốn tỉnh, thành là An Giang, Cần Thơ, Hậu Giang và Sóc Trăng; cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột dài 117,5 km qua hai tỉnh Đắk Lắk và Khánh Hòa.
Hai tuyến vành đai cũng dồn lực triển khai giai đoạn này, nhằm gỡ “điểm nghẽn” giao thông kìm hãm tốc độ tăng trưởng kinh tế và phát triển đô thị tại hai trung tâm kinh tế bậc nhất cả nước. Việc thiết lập hai tuyến vành đai còn mở rộng không gian phát triển kinh tế - xã hội, tạo hành lang phát triển kinh tế và vận tải liên vùng.
Cụ thể, vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội dài 112,8km đi qua Hà Nội và hai tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh. Với Hà Nội, đây là con đường kết nối Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài và một cảng hàng không quốc tế thứ hai ở phía Đông Nam Thủ đô; đồng thời giảm tải cho đường Vành đai 3, mở ra điều kiện để kết nối năm đô thị vệ tinh.
Còn Vành đai 3 TP.HCM dài 76km sau nhiều năm nằm trên giấy được gấp rút triển khai, kết nối bốn địa phương vùng kinh tế trọng điểm phía Nam gồm: TP.HCM và các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An.
Cả năm dự án trọng điểm nêu trên, gồm ba cao tốc trục Đông - Tây và hai đường vành đai đang được Bộ Giao thông vận tải và các địa phương khẩn trương thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, bảo đảm bàn giao 70% diện tích và hoàn thiện các thủ tục để khởi công trước ngày 30/6 năm nay theo yêu cầu tại các nghị quyết của Chính phủ.
Trước đó, nhờ việc áp dụng hàng loạt cơ chế đặc thù được Chính phủ cho phép như: đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho các địa phương, cho phép sử dụng phần vốn nhà nước tham gia tối đa là 66% sơ bộ tổng mức đầu tư dự án, chỉ định thầu, gỡ khó khan hiếm vật liệu… cùng nỗ lực của toàn ngành và sự vào cuộc của các địa phương, lần đầu tiên Bộ Giao thông vận tải khởi công đồng loạt 12 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2 và rút ngắn một năm so với thủ tục thông thường.
Song song với quá trình chuẩn bị đầu tư, Bộ Giao thông vận tải rốt ráo chỉ đạo các đơn vị nâng cao chất lượng, bảo đảm tiến độ các công trình và xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm.
Lãnh đạo bộ thường xuyên đôn đốc trực tiếp tại công trường, kiểm điểm trách nhiệm người đứng đầu, nhà thầu thi công và nhắc nhở các đơn vị tuyệt đối không vì tiến độ mà đánh đổi chất lượng. Phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương, Bộ Giao thông vận tải cũng sớm phát hiện và gỡ điểm nghẽn trong giải phóng mặt bằng, thiếu nguồn vật liệu, xử nghiêm hành vi nâng giá, đầu cơ cản tiến độ các dự án.
Những nỗ lực trên nhằm hướng tới mục tiêu đến năm 2025, cả nước sẽ có khoảng 3.000 km đường bộ cao tốc, cơ bản hoàn thành tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông từ Lạng Sơn đến Cà Mau, hoàn thành giai đoạn 1 Cảng hàng không quốc tế Long Thành; chuẩn bị đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam và triển khai một số dự án nâng cấp, đầu tư mới cảng hàng không, cảng biển, luồng hàng hải, đường thủy nội địa quan trọng khác.
KỲ VỌNG "CẤT CÁNH"
Khi các dự án giao thông hoàn thành sẽ rút ngắn thời gian đi lại giữa các tỉnh, thành và giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp. Bên cạnh đó, giao thông còn chuyển hóa lợi thế sẵn có mỗi địa phương trong vùng thành nguồn lực, đưa toàn vùng bứt phá.
Chính vì hạ tầng giao thông thiếu thốn, “trắng” cao tốc nhiều năm khiến vùng Đồng bằng sông Cửu Long vẫn là “vùng trũng” của cả nước và việc thu hút đầu tư, làm kinh tế khó khăn.
Để khắc phục tình trạng “lệch pha” trong đầu tư cao tốc hiện nay, theo quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050, khu vực này được quy hoạch 6 tuyến cao tốc với tổng chiều dài 1.166 km với quy mô từ 4 - 6 làn xe, gồm ba tuyến trục dọc, ba tuyến trục ngang. Trong đó, 3 tuyến cao tốc trục dọc với tổng chiều dài 575 km gồm cao tốc Bắc - Nam phía Đông dài 245 km, cao tốc Bắc - Nam phía Tây dài 180 km, cao tốc TP.HCM - Tiền Giang - Bến Tre - Trà Vinh - Sóc Trăng dài 150 km.
Ba tuyến cao tốc trục ngang với chiều dài khoảng 591 km gồm cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng dài 191 km, cao tốc Hà Tiên (Kiên Giang) - Rạch Giá - Bạc Liêu dài 212 km, cao tốc Hồng Ngự (Đồng Tháp) - Trà Vinh dài 188 km.
Chia sẻ tại hội thảo mới đây, ông Lê Đức Thọ, Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre, khẳng định cơ hội cho Đồng bằng sông Cửu Long đã đến bởi vốn đầu tư công ưu tiên phân bổ cho vùng để phát triển hạ tầng.
Tổng vốn ngân sách nhà nước dự kiến hỗ trợ các dự án trên địa bàn do các địa phương trong vùng quản lý giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 320.000 tỷ đồng, tăng 23,3% giai đoạn trước, đó là chưa kể ngân sách đầu tư qua các bộ.
Trong đó, nguồn vốn cân đối ngân sách địa phương khoảng 178.000 tỷ, nguồn vốn ngân sách trung ương khoảng 82.000 tỷ, tăng 41,2%; nguồn vốn nước ngoài 60.000 tỷ, chiếm 30% tổng ODA cả nước giai đoạn này, trong khi giai đoạn trước chỉ đạt 7,66%...
Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 23-2023 phát hành ngày 05-06-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam