Các công nghệ mới nổi cùng với tình trạng khẩn cấp về khí hậu trên thế giới và căng thẳng thương mại ngày càng gia tăng giữa Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nga và châu Âu, đang làm cho các nền kinh tế phát triển bị kìm hãm và gián đoạn chuỗi cung ứng, tác động đến hoạt động kinh tế toàn cầu giảm mạnh với bối cảnh 2/3 thương mại thế giới hiện đang diễn ra trong các chuỗi giá trị toàn cầu - các hệ thống hoạt động quốc tế để sản xuất và cung cấp hàng hóa và dịch vụ.
Điều gì sẽ xảy ra với các hệ thống này khi các rủi ro trên bắt đầu ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng? Theo Diễn đàn Kinh tế thế giới, nếu không có các giải pháp hữu hiệu khắc phục đối với sự gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu thì có thể dẫn đến tổn thất lên tới khoảng 30% trên toàn bộ chuỗi giá trị.
CƠ HỘI ĐỐI VỚI VIỆT NAM
Việt Nam là một nền kinh tế mở, phát triển nhanh và có quan hệ kinh tế song phương với trên 230 nước và vùng lãnh thổ, quan hệ đa phương bao gồm 16 FTA (hiệp định thương mại tự do) với 60 nền kinh tế. Tính chung năm 2021, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa cả nước đạt gần 670 tỷ USD gấp gần 2 lần tổng sản phẩm quốc nội (GDP).
Theo Báo cáo Dự báo kinh tế toàn cầu mới nhất của Viện Kế toán công chứng Anh và xứ Wales (ICAEW) và Oxford Economics được công bố vào tháng 6/2022, Việt Nam được dự báo là quốc gia có triển vọng tăng trưởng cao trong khu vực, ở mức trên 6,5% trong năm 2022. Việt Nam cũng nằm trong khu vực trọng tâm của ASEAN - một khu vực đã trải qua 55 năm hình thành, phát triển và đang hướng tới cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC).
Đặc biệt khi ASEAN nằm trong vị trí địa chính trị quan trọng trong chuỗi cung ứng của khu vực Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương với sự hình thành của Sáng kiến IPEF cùng ý tưởng xây dựng kênh đào Kra ở Thái Lan.
Kênh đào Kra là một dự án lớn cung cấp tuyến hàng hải mới kết nối Vịnh Thái Lan và Biển Andaman, nối Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương với những ưu điểm như tiết kiệm chi phí lớn, mức độ an toàn và an ninh cao hơn, rút ngắn khoảng cách và thời gian so với hành trình qua eo biển Malacca.
Có thể nói, với sự thay đổi khu vực và thế giới, có hai lĩnh vực trọng tâm lớn nhất được đặt ra trong thương mại toàn cầu: tiêu chuẩn và chuỗi cung ứng sản phẩm. Đặc biệt, đối với Việt Nam, đây là cơ hội lớn để chủ động xây dựng chiến lược phát triển kinh tế đất nước trong sự chuyển dịch chuỗi cung ứng toàn cầu, hay nói cách khác là phải định vị được Việt Nam nằm ở đâu trong liên kết chuỗi cung ứng sản phẩm của các tập đoàn đa quốc gia bắt đầu từ sản xuất nguyên liệu thô và kết thúc khi cung cấp sản phẩm cho người tiêu dùng.
Vị trí của Việt Nam trong chuỗi cung ứng phải đảm bảo được tối ưu hóa chi phí và chu kỳ sản xuất hiệu quả hơn để các tập đoàn, doanh nghiệp đa quốc gia có thể giảm chi phí và duy trì tính cạnh tranh, bởi khi các doanh nghiệp phát triển và mở rộng (trong khu vực, quốc tế hoặc thậm chí trên toàn cầu), họ trở nên phụ thuộc nhiều hơn vào các chuỗi cung ứng được tổ chức hiệu quả, bao gồm hậu cần phức tạp...
Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 45 phát hành ngày 07-11-2022. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam