Tại Hội thảo Tương lai nào cho người lao động – nhìn từ góc độ an toàn tài chính và an sinh xã hội? tổ chức ngày 10/6, PGS.TS Giang Thanh Long, Viện trưởng Viện Chính sách công và Quản lý, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, dịch bệnh Covid-19 hai năm qua đã gây rất nhiều khó khăn cho người lao động, trong đó, nhiều người mất việc và sau khi dịch bệnh kết thúc vẫn chưa kiếm được việc làm gây khó khăn về kinh tế. Đó là một trong những nguyên nhân dẫn đến người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần.
Dẫn kết quả từ một khảo sát, ông Long thông tin, độ tuổi rút bảo hiểm xã hội một lần ở Việt Nam ngày càng trẻ hoá, trung bình dưới 40 tuổi và hầu hết ở các doanh nghiệp ngoài nhà nước. Năm 2021, qua khảo sát nhóm người 30 đến 40 tuổi thì chỉ 15% số người được khảo sát có tiết kiệm, sau dịch Covid-19 tại TP. HCM, hầu như đã tiêu hết phần tiền tiết kiệm; có 22% đang có một khoản đầu tư và thu nhập chủ yếu dựa vào tiền công, tiền lương. Bên cạnh đó, sau cú sốc Covid-19, có 80% người lao động bị giảm thu nhập, trong đó có 60% giảm 20 - 30% so với trước dịch.
Đối với việc người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần, ông Long cho rằng, đây chỉ là một hiện tượng sau khi trải qua cú sốc dịch bệnh và mất việc. Nhưng người lao động tham gia bảo hiểm xã hội còn hạn chế là do bất cập giữa cung và cầu, bởi hiện nay ở nước ta đa số là doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp chưa quan tâm nhiều đến tương lai người lao động.
Ngoài ra, vấn đề mức lương đóng bảo hiểm xã hội cần quan tâm và thanh tra, giám sát chặt chẽ, bởi hiện mức đóng bảo hiểm xã hội đang do thỏa thuận giữa doanh nghiệp và người lao động. Đa số doanh nghiệp đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động không đúng với mức lương mà thấp hơn rất nhiều. Do đó, cần tuyên truyền, phân tích để người lao động hiểu rõ về mức đóng và thụ hưởng bảo hiểm sau này, không nên vì lợi ích trước mắt mà đánh mất lợi ích trong tương lai.
Để thu hút người lao động tham gia bảo hiểm xã hội và hạn chế rút bảo hiểm xã hội một lần, ông Long cho rằng, cần phải có chính sách hỗ trợ trẻ em, con em của người lao động. “Việc rút bảo hiểm xã hội một lần là quyền của người lao động, nhưng tuyên truyền để người lao động hiểu là khi rút một lần thì gây ra bất lợi kép về hiện tại và tương lai, bởi khi nhận một lần thì không còn được hưởng các chế độ ngắn hạn và tương lai không còn được đảm bảo”, PGS.TS Thanh Long nói.
TS Vũ Minh Tiến, Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng cho biết, người lao động dù biết là thiệt thòi về sau nhưng phải rút bảo hiểm xã hội một lần vì cuộc sống trước mắt quá khó khăn. Đồng thời họ cũng lo sợ chính sách bảo hiểm xã hội thay đổi và thiệt thòi hơn về sau.
Do đó, ông Tiến đề nghị cần tuyên truyền đúng đắn cho người dân để hiểu rõ vấn đề này. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cũng cần thay đổi chính sách để đảm bảo an sinh, việc làm cho người lao động trong thời gian tới.
Theo ông Nguyễn Duy Cường, Phó vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, để giải quyết câu chuyện rút bảo hiểm một lần thì cần phải phối hợp, giải quyết được nhiều góc độ và phải xử lý nhiều chính sách, cốt lõi vấn đề là phải giải quyết tạo việc làm ổn định cho người lao động.
“Tại sao khu vực các doanh nghiệp nhà nước thì số người hưởng bảo hiểm xã hội một lần lại ít như vậy, trong khi đó doanh nghiệp khu vực ngoài thì có nhiều người hưởng bảo hiểm xã hội một lần và tập trung ở nhóm người sau một năm nghỉ dịch, đó là cốt lõi của vấn đề”, ông Cường nhìn nhận.
Phó vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội cũng nhấn mạnh, khi dịch bệnh Covid-19 xảy ra đã tác động trực tiếp, khó khăn trước mắt liên quan đến thu nhập chung của người lao động. Vì vậy, mấu chốt rất lớn và quan trọng để người lao động yên tâm làm việc là tiền lương, làm sao để công nhân nâng cao được chất lượng cuộc sống của mình và gia đình.
Theo báo cáo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, trong 4 tháng đầu năm 2022 đã giải quyết hưởng bảo hiểm xã hội một lần cho 308.100 người, tăng 1,1% so với cùng kỳ năm 2021. Ước tính đến hết tháng 5/2022, cả nước có hơn 390.000 người giải quyết hưởng bảo hiểm xã hội một lần, giảm hơn 40.000 người so với cùng kỳ năm 2021.