Đầu tháng 4/2022, Sở Công Thương TP.HCM đã tổ chức hội nghị triển khai Chương trình bình ổn thị trường năm 2022 – Tết Quý Mão 2023 trên địa bàn thành phố. Theo đó, các doanh nghiệp tham gia đã cam kết cung ứng đủ số lượng, bảo đảm chất lượng hàng bình ổn thị trường và nỗ lực giữ ổn định giá để chia sẻ khó khăn với người tiêu dùng trong giai đoạn giá cả nhiều mặt hàng tăng cao hiện nay.
KHÔNG THỂ KHÔNG TĂNG GIÁ
Tuy nhiên, tác động của “bão giá” đã bắt đầu xuất hiện nhiều hơn trong báo cáo tài chính quý 1 của phần lớn doanh nghiệp và đang có dấu hiệu “bùng lên” trong quý 2, nếu chi phí đầu vào tiếp tục leo thang. Ở thời điểm đầu tháng 4, nói đến vấn đề tăng giá bán sản phẩm, nhiều doanh nghiệp vẫn còn tỏ ra ngần ngại. Tuy nhiên, sau chuỗi ngày tăng giá nhiên liệu gần đây thì dường như ngưỡng chịu đựng của họ đã đến giới hạn và không ít doanh nghiệp đã thẳng thắn đề cập tới việc tăng giá.
Ghi nhận trên thị trường, giá trứng gà tại nhiều chợ truyền thống ở TP.HCM đã ở mức 35.000 đồng/chục, trứng vịt 38.000 đồng/chục - tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm 2021. Trong khi đó, giá trứng gia cầm thuộc chương trình bình ổn tại các siêu thị thuộc hệ thống Co.opmart hiện ở mức: trứng vịt 35.000 đồng/vỉ 10 trứng, trứng gà: 29.500 đồng/vỉ 10 trứng. Mức giá này đang thấp hơn giá thị trường từ 300 - 600 đồng/quả.
Có thể thấy, chi phí đầu vào tiếp tục tăng cao đang gây áp lực rất lớn tới doanh nghiệp bình ổn giá. Để giữ giá rẻ hơn thị trường từ 3.000 - 5.000 đồng/chục trứng, doanh nghiệp đã phải cắt giảm nhiều chi phí như bao bì, marketing… và tạm hoãn kế hoạch mở rộng sản xuất. Ông Trương Chí Thiện, Tổng giám đốc Công ty Vĩnh Thành Đạt, cho biết dù sức mua đang giảm 20% so với lúc ổn định, nhưng do giá đầu vào tăng nên khả năng đơn vị sẽ kiến nghị tăng giá bán trứng gia cầm trong chương trình bình ổn.
Bà Phạm Thị Huân, Chủ tịch HĐQT Công ty Ba Huân, cho biết do nằm trong diện bình ổn, giá trứng cũng vừa tăng trước đó nên đơn vị chưa dám tăng giá tiếp nhưng đang chịu áp lực lớn do giá thành sản xuất tăng khoảng 10% kể từ khi giá xăng tăng mạnh. Theo bà Huân, so với thời điểm trước dịch, hiện sức mua đối với nhiều sản phẩm thực phẩm tươi sống, chế biến đang giảm 30 - 40%, trứng gia cầm giảm 20%. Do đó, việc tăng giá bán cũng cần cân nhắc.
Không chỉ có trứng gia cầm, sau thời gian dài gồng gánh và chịu lỗ, Công ty Vissan (TP.HCM) cho biết vừa phải tăng 5 - 15% giá bán các mặt hàng chế biến như xúc xích, đồ hộp, thịt nguội... Theo ông Phan Văn Dũng, Phó Tổng giám đốc Vissan, việc tăng giá này là do giá nguyên vật liệu đầu vào, bao bì... hiện đã tăng 20 - 40% so với lúc ổn định. Với mặt hàng tươi sống tham gia chương trình bình ổn, ông Dũng xác nhận sức mua 4 tháng đầu năm 2022 giảm 25% so với cùng kỳ nên đơn vị chưa tăng giá, tuy vậy đơn vị cũng đang gặp áp lực lớn.
Tương tự, Công ty CP Kỹ nghệ Thực phẩm Việt Nam (Vifon) cũng đang phải triển khai nhiều giải pháp để cắt giảm chi phí, tăng năng suất lao động nhằm bù đắp một phần thiệt hại do giá nguyên phụ liệu tăng chóng mặt. Bà Bùi Phương Mai, Chủ tịch HĐQT công ty, cho biết: “Tỷ lệ tăng giá bán chỉ giúp doanh nghiệp không bán dưới giá thành chứ không tương xứng với tỷ lệ tăng giá đầu vào. Hiện công ty đã xác định tinh thần là chấp nhận lời ít hoặc có thể hòa vốn để giữ ổn định hoạt động, tạo công ăn việc làm cho người lao động”.
Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực - thực phẩm TP.HCM, cho biết sức mua nhiều mặt hàng thực phẩm chế biến, khô, gia vị đang thấp hơn 15 - 20% so với thời điểm ổn định. Tuy nhiên, sắp tới nhiều doanh nghiệp có thể phải tiếp tục tăng giá bán do giá đầu vào tăng mạnh, đặc biệt là các nguyên liệu nhập khẩu.
GIẢM BỚT CÁC ÁP LỰC CHI PHÍ
Trong bối cảnh chi phí đầu vào tăng cao, quyết định giữ nguyên mức lãi suất cho vay được coi là giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp giữ ổn định sản xuất. Mới đây, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM đã yêu cầu các tổ chức tín dụng trên địa bàn giữ nguyên mức lãi suất cho vay đối với các doanh nghiệp tham gia Chương trình bình ổn thị trường. Theo đó, các chương trình đồng hành cùng doanh nghiệp sản xuất sẽ tiếp tục được đẩy mạnh trong giai đoạn này, các doanh nghiệp bình ổn thị trường được vay vốn lãi suất thấp hơn so với lãi suất thương mại trên thị trường.
So với thời điểm trước dịch, hiện sức mua đối với nhiều sản phẩm thực phẩm tươi sống, chế biến đang giảm 30 - 40%, trứng gia cầm giảm 20%. Do đó, việc doanh nghiệp tăng giá bán sản phẩm cũng cần cân nhắc.
Đại diện một doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn của TP.HCM cho rằng nếu để hình thành mặt bằng giá mới thì không dễ để giảm lại vì phụ thuộc vào nhiều khâu trung gian. “Sau đại dịch, hầu hết các doanh nghiệp đều gặp khó khăn nên cũng đang trong quá trình tái sản xuất và phục hồi kinh doanh. Với lãi suất không tăng như vậy, chúng tôi có thể có cơ hội mở rộng sản xuất. Nhưng bên cạnh đó, chúng tôi cần Thành phố hỗ trợ để giảm hoặc giãn lãi vay ngân hàng, giúp duy trì giá bán tốt hơn”, vị đại diện này kiến nghị.
Ngoài ra, trước tình trạng giá hàng hóa liên tục tăng như hiện nay, các chuyên gia kinh tế nhận định lạm phát có thể tăng cao trong thời gian tới, đặc biệt là giai đoạn cuối năm. Trao đổi với phóng viên bên hành lang Quốc hội, ông Trần Hoàng Ngân, Đại biểu Quốc hội TP.HCM, cho rằng trước mắt, lạm phát trong 4 tháng đầu năm 2022 được kiểm soát, nhưng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong 4 tháng đầu năm chưa nói lên “sức nóng” của giá cả. “Tình hình sẽ thay đổi nhanh trong những tuần tới khi giá xăng, dầu đã lan vào giỏ thực phẩm, mâm cơm của người dân và chưa dừng ở đó”, ông Trần Hoàng Ngân nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cũng cần có những giải pháp để ổn định giá nhiên liệu, để giảm bớt áp lực về các chi phí. Theo ông Nguyễn Đặng Hiến, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp các khu công nghiệp TP.HCM, với giá xăng dầu và gas ở mức cao kéo dài, khiến nhiều doanh nghiệp đang tính toán hình thành thêm đợt tăng giá bán thực phẩm dù trước đó đã tăng. “Cần phải có giải pháp kìm giá vật tư nguyên liệu, thức ăn chăn nuôi, xăng dầu... Nếu không việc tăng giá là điều tất yếu dù nhu cầu tiêu dùng có ở mức thấp, lạm phát từ đây sẽ tăng cao. Trước mắt, Nhà nước có thể xem xét giảm thuế giá trị gia tăng và thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng dầu để giúp bình ổn thị trường, kìm lạm phát”, ông Hiến đề xuất.
Các chuyên gia cũng cho rằng, việc tăng giá nguyên liệu đầu vào cũng như tăng giá bán chỉ là giải pháp tức thời để duy trì kinh doanh, còn việc cân đối kế hoạch phục hồi hậu Covid-19 là vấn đề rất khó và rất hệ trọng. Nhất là trong bối cảnh những chính sách hỗ trợ của Chính phủ vẫn có độ trễ, trong khi đó sức ép từ các biến động của kinh tế thế giới ngày một lớn hơn. Do đó, để lấy lại đà phục hồi sản xuất thì một trong những biện pháp cần làm ngay đó là phải nhanh chóng giảm độ trễ của chính sách. Đồng thời, cần khẩn trương hiện thực hóa các hỗ trợ đến tay người dân và doanh nghiệp.