Sản xuất vàng trang sức mỹ nghệ là ngành nghề thủ công truyền thống, có ý nghĩa đối với phát triển kinh tế xã hội, vừa giải quyết việc làm, tạo thu nhập, vừa duy trì và phát triển ngành nghề truyền thống, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Tuy nhiên, ngoài hiệu quả mang lại thì yêu cầu về tuân thủ quy định pháp luật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh mua bán vàng phải được đảm bảo và chấp hành nghiêm, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế xã hội cũng như ổn định thị trường vàng, ngoại hối và kinh tế vĩ mô.
Trong vai trò là cơ quan quản lý được giao nhiệm vụ cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vàng trang sức mỹ nghệ (Giấy chứng nhận) cho doanh nghiệp, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP. Hồ Chí Minh vừa có văn bản số 2528/HCM-QLNHV ngày 29/07/2024 gửi các doanh doanh nghiệp hoạt động sản xuất vàng trang sức mỹ nghệ trên địa bàn Thành phố để quy định rõ trách nhiệm của doanh nghiệp hoạt động sản xuất vàng trang sức mỹ nghệ.
Nghị định 24/2012/NĐ-CP quy định cụ thể về hoạt động sản xuất gia công và mua bán vàng trang sức mỹ nghệ. Theo đó, các doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ phải thực hiện đóng mã ký hiệu và hàm lượng vàng trên sản phẩm, công bố tiêu chuẩn áp dụng, khối lượng của sản phẩm theo quy định pháp luật và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tiêu chuẩn công bố áp dụng và khối lượng sản phẩm đã công bố do doanh nghiệp sản xuất.
Theo ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP. Hồ Chí Minh, các doanh nghiệp sản xuất vàng trang sức mỹ nghệ cần chấp hành nghiêm những quy định như: Doanh nghiệp chịu trách nhiệm trước pháp luật về nguồn gốc vàng nguyên liệu để sản xuất vàng trang sức mỹ nghệ; Tuân thủ trách nhiệm của doanh nghiệp hoạt động sản xuất vàng trang sức mỹ nghệ và được quy định tại Điều 6 Nghị định số 24/2012/NĐ-CP của Chính phủ.
Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tiêu chuẩn công bố áp dụng và khối lượng sản phẩm do doanh nghiệp thuê gia công; Chấp hành các quy định của pháp luật về chế độ kế toán, lập và sử dụng hóa đơn, chứng từ. Đồng thời, có phương án bảo đảm an toàn trong hoạt động sản xuất kinh doanh và phòng chống cháy nổ.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ phải thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về chế độ tài chính kế toán; quy định về hóa đơn chứng từ của Bộ tài chính. Trong đó, phải đảm giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ vàng nguyên liệu mua vào để sản xuất vàng trang sức mỹ nghệ (hóa đơn; bảng kê, giấy tờ pháp lý khác có liên quan... theo hướng dẫn của cơ quan thuế; cục Quản lý thị trường...).
Doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất vàng trang sức mỹ nghệ còn phải thực hiện công tác báo cáo, chế độ báo cáo theo quy định; kịp thời liên hệ Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP. Hồ Chí Minh để thực hiện thủ tục điều chỉnh Giấy chứng nhận theo quy định khi có phát sinh thay đổi liên quan đến Giấy chứng nhận.
Trước đó, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP. Hồ Chí Minh đã ký văn bản đề nghị các sở, ngành và công an phối hợp trong hoạt động quản lý doanh nghiệp sản xuất vàng trang sức mỹ nghệ. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước đề nghị các Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Khoa học và Công nghệ, Cục Quản lý thị trường, Cục Thuế, Công an TP. Hồ Chí Minh tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, hậu kiểm đối với doanh nghiệp; Phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Thành phố trong công tác quản lý, cung cấp và trao đổi thông tin nhằm nâng cao quản lý hiệu quả trong lĩnh vực này.
"Những yêu cầu và trách nhiệm thực hiện của doanh nghiệp liên quan đến nhiều lĩnh vực quản lý của các sở, ngành. Do đó, việc tăng cường kiểm soát là để phát triển thị trường vàng và hoạt động sản xuất vàng trang sức mỹ nghệ phát huy vai trò của ngành nghề thủ công, tạo công ăn việc làm, đảm bảo kỷ luật kỷ cương thị trường, hạn chế sai phạm phát sinh trong lĩnh vực này", Ông Nguyễn Đức Lệnh nhấn mạnh.
Thủ tục cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vàng trang sức mỹ nghệ cho doanh nghiệp được Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP. Hồ Chí Minh tổ chức thực hiện tại https://www.sbv.gov.vn/ hoặc đường dây nóng 028 3821 0569.
Trường hợp, doanh nghiệp gặp khó khăn vướng mắc, kể cả sự phiền hà nhũng nhiễu (nếu có), cần phản ánh qua đường dây nóng 028 3821 1230 hoặc lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP. Hồ Chí Minh.