Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 15/8/2023, được coi là "cú hích" cực mạnh giúp ngành du lịch tăng tốc trong cuộc đua hút khách quốc tế. Theo đó, thời hạn thị thực điện tử (e-visa) sẽ được nâng từ 30 lên 90 ngày. Chính phủ quyết định danh sách nước, vùng lãnh thổ có công dân được cấp; danh sách cửa khẩu quốc tế cho phép người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh bằng e-visa. Sau khi được cấp thị thực điện tử, trong 90 ngày người nước ngoài được nhập, xuất cảnh không giới hạn số lần, không phải làm thủ tục cấp thị thực mới.
Luật cũng cho phép công dân của nước được Việt Nam đơn phương miễn thị thực được cấp tạm trú 45 ngày (quy định trước đó là 15 ngày) và được xem xét cấp thị thực, gia hạn tạm trú theo quy định… Ngay sau khi Quốc hội bấm nút thông qua các đề xuất nới chính sách thị thực, các công ty du lịch đã lập tức gửi thông tin đến các đối tác tại nhiều thị trường trọng điểm như châu Âu, Mỹ, Úc… về chính sách xuất nhập cảnh mới.
Ông Nguyễn Minh Mẫn, Giám đốc truyền thông - marketing Công ty TST Tourist ch biết công ty đã nhanh chóng thông báo cho các khách hàng quy định mới vừa được Quốc hội thông qua. Hiện nay những chương trình tour kết nối Việt Nam với các nước Đông Dương đã có sẵn, chỉ cần bổ sung áp dụng thêm các chính sách mới về xuất nhập cảnh. "Đây là quyết định rất có ý nghĩa đối với hoạt động thu hút khách quốc tế đến Việt Nam giai đoạn này”, ông Mẫn nói. “Với quy định mới, không những lượng khách du lịch sẽ tăng mà đối tượng khách đến Việt Nam xúc tiến đầu tư, làm việc tìm kiếm cơ hội kinh doanh cũng sẽ thuận lợi hơn rất nhiều”.
Bà Phạm Phương Anh, Tổng giám đốc Công ty Du lịch Việt cũng nhận định: "Đây là thông tin tích cực có ý nghĩa quan trọng và sự thay đổi này mang lại nhiều lợi ích đáng kể cho các công ty lữ hành như cũng như ngành du lịch nói chung. Chính sách visa mở rộng điều kiện và thông thoáng hơn sẽ là đòn bẩy giúp ngành du lịch phát triển, tăng số lượng khách quốc tế đến Việt Nam. Chúng tôi kỳ vọng chính sách thị thực nhập cảnh mới có thể tác động làm tăng thêm lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam của công ty từ 5 - 25% mỗi năm".
Theo đại diện các công ty lữ hành, việc chính sách sẽ có hiệu lực từ tháng 8/2023, là cơ hội để các doanh nghiệp quảng bá tới các thị trường mục tiêu ngay trong mùa cao điểm Thu - Đông năm nay. Việc cải thiện chính sách thị thực không chỉ cho thấy Việt Nam thích ứng, linh hoạt trong cuộc đua phục hồi ngành du lịch sau đại dịch Covid-19, mà còn là nền tảng để các doanh nghiệp du lịch phát triển bền vững, bình đẳng với các nước trong khu vực.
Ông Trần Thế Dũng, CEO Vietluxtour, cho biết đây là điều các doanh nghiệp lữ hành chuyên mảng inbound (đón khách quốc tế) đã chờ đợi suốt nhiều năm qua. Khách châu Âu, dòng khách nhiều chuyên gia Việt Nam tin là thị trường mục tiêu cần hướng tới, thường có xu hướng du lịch cả ba nước Đông Dương trong một chuyến. Tuy nhiên, họ không đi theo lộ trình cố định mà có thể từ Việt Nam sang Lào, Campuchia chơi rồi quay lại Việt Nam. "Các công ty lữ hành làm tour liên tuyến ba nước trước giờ hơi khổ vì phải xin đi, xin lại visa cho khách. Với chính sách mới, mọi thứ sẽ dễ dàng hơn", ông Dũng nói.
Ông Phạm Hà, CEO Lux Group, đơn vị chuyên dịch vụ nghỉ dưỡng du thuyền 5 sao qua đêm, hồ hởi cho biết công ty đã thông báo ngay lập tức đến các đối tác nước ngoài để chuẩn bị xây dựng các sản phẩm "nhiều nước một hành trình". Đa số khách hàng của công ty thuộc nhóm trung hoặc cao cấp, người nghỉ hưu nên có xu hướng lưu trú lâu dài. Do đó, ông Hà đánh giá đây là một "cú hích" thực sự và sẽ giúp công ty cải thiện 30% khi cao điểm du lịch của khách quốc tế bắt đầu vào tháng 9.
Khách quốc tế đến Việt Nam vào quý 1 năm nay, giai đoạn cao điểm, đạt 2,7 triệu lượt, bằng 60% trước dịch, trong khi mục tiêu cả năm là 8 triệu. Năm 2022 khách quốc tế đến Việt Nam chỉ đạt 3,5 triệu lượt, khoảng 70% so với kế hoạch và bằng 19% so với kết quả năm 2019.
Trong khi đó, Thái Lan vượt mục tiêu về lượng khách du lịch trong quý 1/2023, với gần 6,2 triệu lượt khách quốc tế. Nước này kỳ vọng ít nhất 30 triệu khách quốc tế sẽ đến trong năm nay, với tổng chi tiêu lên đến 1,5 nghìn tỷ baht (gần 44 tỷ USD). Năm 2022 Thái Lan cũng vượt qua mục tiêu 10 triệu, khi đón hơn 11 triệu lượt khách quốc tế.
Sau Covid-19, Việt Nam là một trong nước mở cửa biên giới trở lại sớm nhất khu vực nhưng lượng du khách quốc tế đến Việt Nam lại chưa như kỳ vọng. Nhìn sang các nước trong khu vực, sẽ thấy Thái Lan, Singapore, Malaysia… đều đạt hoặc vượt mục tiêu khách quốc tế trong năm 2022. Đặc điểm chung của các quốc gia này là chính sách thị thực, nhập cảnh dễ dàng.
Ông Hoàng Nhân Chính, Trưởng ban Thư ký Hội đồng Tư vấn Du lịch (TAB) đánh giá chính sách mới với tthủ tục đơn giản, thuận tiện, giúp người nước ngoài không phải đến cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, không phải làm thủ tục đề nghị cấp thị thực qua khâu trung gian. Bên cạnh đó, việc cấp thị thực điện tử được thực hiện qua xét duyệt trước nên so với đơn phương miễn thị thực, việc cấp thị thực điện tử sẽ giúp cơ quan quản lý xuất nhập cảnh sàng lọc nhóm người chưa đủ điều kiện nhập cảnh, đáp ứng yêu cầu công tác quản lý.
Ngoài ra, việc nâng thời hạn đơn phương miễn thị thực lên 45 ngày làm nâng cao tính cạnh tranh của điểm đến Việt Nam trong thu hút du khách, giúp họ chủ động thời gian, lịch trình tham quan, nghỉ dưỡng. Việc nâng thời hạn thị thực được kỳ vọng sẽ tạo điều kiện và cơ hội tốt mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp lữ hành, góp phần quan trọng tăng tốc phát triển ngành du lịch, kinh tế du lịch và thúc đẩy mục tiêu đưa du lịch Việt Nam sớm trở thành trung tâm du lịch khu vực và quốc tế.