Trong Báo cáo "Mức độ sẵn sàng và khó khăn của doanh nghiệp trong chuyển đổi xanh" do Ban phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) thực hiện và trình Chính phủ cuối tháng 7 vừa qua đã chỉ ra những thách thức mà doanh nghiệp Việt Nam đang phải đối mặt trong thực tiễn thực thi chuyển đổi xanh.
THIẾU VỐN LỚN TRONG CẢ 3 KHU VỰC
Theo ước tính của World Bank năm 2022, nhu cầu tài chính tăng thêm để Việt Nam xây dựng khả năng chống chịu và giảm phát thải khí nhà kính giai đoạn 2022-2040 lên đến 368 tỷ USD, trong đó thích ứng chiếm 4,7% GDP mỗi năm và khử Carbon chiếm 2.1%. Trong tổng số 368 tỷ này, nguồn tài chính đến từ khu vực tư nhân chiếm gần 50% với 184 tỷ USD, các nguồn từ khu vực công là 130 tỷ USD, 54 tỷ USD còn lại là nguồn hỗ trợ từ bên ngoài.
Kết quả khảo sát cho thấy, trong 3 thách thức kể trên thì thiếu vốn là khó khăn đầu tiên và lớn nhất mà các doanh nghiệp gặp phải trong quá trình giảm phát thải, chuyển đổi xanh.
Báo cáo cho biết, trong số doanh nghiệp tham gia khảo sát chỉ có 5,9% thông tin rằng họ không gặp khó khăn gì về vốn, trong khi đó 50% doanh nghiệp còn lại đang phải loay hoay với bài toán huy động tài chính để chuyển đổi xanh. Các doanh nghiệp ngành Công nghiệp; Nông, lâm và thủy sản gặp khó khăn nhiều hơn nhóm còn lại với tỷ lệ lần lượt là 53,7% và 52,9%. Doanh nghiệp trong nước gặp khó khăn về nguồn vốn nhiều hơn so với FDI (50,3% so với 46,6%).
Doanh nghiệp quy mô vừa khó xoay sở nguồn tiền hơn so với các doanh nghiệp quy mô nhỏ và lớn, cụ thể là 62,7% doanh nghiệp có doanh thu từ 1.000-1.500 tỷ cho hay mình chưa thu xếp được nguồn tiền để chuyển đổi.
Báo cáo nhận định, đây là một vấn đề cần sự quan tâm đặc biệt bởi lẽ trong khi nhu cầu vốn cho giảm phát thải, chuyển đổi xanh để đón đầu các cơ hội rất cấp bách thì thị trường tài chính xanh trong nước chưa phát triển tương ứng.
Sau hơn 10 năm triển khai tài chính xanh ở Việt Nam nhưng đến nay quy mô vẫn nhỏ, tín dụng xanh chỉ chiếm 4,5% tổng dư nợ (số liệu từ Ngân hàng Nhà nước tính tới hết năm 2023), trong khi trái phiếu xanh còn rất ít.
Tính đến 31/12/2023, mới có 47 tổ chức tín dụng phát sinh dư nợ tín dụng xanh với gần 621 ngàn tỷ đồng, tăng 24% so với cùng thời điểm năm 2022, chiếm khoảng 4,5% tổng dư nợ toàn nền kinh tế. Tín dụng xanh hiện nay chủ yếu tập trung chủ yếu vào các ngành năng lượng tái tạo, năng lượng sạch (gần 45%) và nông nghiệp xanh (gần 30%).
Báo cáo cũng chỉ ra việc triển khai tín dụng xanh còn nhiều vướng mắc như chưa có khung pháp lý, chính sách tổng thể trong khi các nguồn vốn cho vay của các tổ chức tín dụng thường là vốn huy động ngắn, trung hạn và bên vay đòi hỏi lãi suất ưu đãi. Với trái phiếu xanh, còn thiếu các hướng dẫn chi tiết của các cơ quan chức năng (thông tin, tiêu chí về dự án xanh); cơ chế quản lý, giám sát việc sử dụng nguồn vốn; khung pháp lý…).
Bên cạnh đó, nguồn tài chính quốc tế để hỗ trợ cho cam kết của Việt Nam vẫn còn nhiều rào cản để có thể tiếp cận.
Thỏa thuận Quan hệ đối tác Chuyển đổi năng lượng công bằng JETP dự kiến giai đoạn 2024 - 2028, các đối tác quốc tế sẽ hỗ trợ Việt Nam 15,5 tỷ USD để triển khai các dự án cụ thể, cụ thể là sẽ được phân bổ cho các dự án chưa huy động được vốn, chưa được phê duyệt hoặc đang trong giai đoạn đề xuất ý tưởng. Tuy nhiên, nhiều tổ chức quốc tế qua khảo sát cũng phản ánh, còn nhiều chậm trễ và nhiều rào cản để tuân thủ các thủ tục hành chính liên quan đến các dự án nhóm này.
THÔNG TIN VỪA THIẾU VỪA NHIỄU LOẠN
Khó khăn thứ 2 mà Báo cáo thu nhận được từ doanh nghiệp đó là có tới 46,8% thiếu nhân sự có chuyên môn về giảm phát thải, chuyển đổi xanh. Và họ không biết tìm nguồn nhân lực ở đâu do giảm phát thải là lĩnh vực mới, đặc thù.
Nhiều doanh nghiệp phải tiến hành kiểm kê khí nhà kính bằng sự trợ giúp của các đơn vị tư vấn chủ yếu gồm các chuyên gia từ lĩnh vực kiểm toán năng lượng, tuy nhiên lực lượng này chưa đáp ứng đủ các yêu cầu của kiểm kê khí nhà kính.
Chẳng hạn, một số công ty thép, kết cấu thép được khảo sát cho biết không dễ tìm được chuyên gia tư vấn về giảm phát thải ngành thép để chuẩn bị trước cho việc tuân thủ CBAM. Đây hiện đang là thách thức với doanh nghiệp tất cả các ngành bao gồm cả doanh nghiệp FDI và trong nước.
Khó khăn thứ 3 của doanh nghiệp mà Báo cáo nêu ra là tìm kiếm các giải pháp kỹ thuật cụ thể để chuyển đổi xanh. Có tới 44,2% chưa tìm được giải pháp công nghệ phù hợp, chỉ có 6,3% được khảo sát cho biết là không gặp khó khăn gì.
Kết quả điều tra thực địa cũng cho thấy, dù có nhiều tổ chức, công ty tư vấn tiếp cận nhưng doanh nghiệp vẫn khó đưa ra các lựa chọn cụ thể do các tổ chức, công ty tư vấn hoạt động không đồng nhất, giá tư vấn và hình thức tư vấn cũng có sự khác biệt và chênh lệch.
Bên cạnh đó, theo phản ánh của các doanh nghiệp việc “nhiễu loạn” thông tin về kiểm kê khí nhà kính, khó tìm kiếm các đơn vị tư vấn/thẩm định đủ năng lực, được công nhận và có mức giá hợp lý cũng là một rào cản lớn trong quá trình giảm phát thải.
Báo cáo đánh giá, mức độ tiếp cận thông tin chính sách cũng gây ảnh hưởng/tác động đến hoạt động giảm phát thải, chuyển đổi xanh của doanh nghiệp. Cụ thể là kết quả khảo sát cho thấy 34,7% doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tiếp cận thông tin, chính sách. Trong đó doanh nghiệp có phạm vi hoạt động quốc tế gặp nhiều rào cản về thông tin so với các doanh nghiệp chỉ hoạt động nội địa (37,8% và 33,1%), do diễn biến chính sách quốc tế trong thời gian qua rất phức tạp và nhanh chóng.
Thông tin và sức ép phải chuyển đổi đến từ nhiều bên. Ở khía cạnh sức ép/động lực của doanh nghiệp có 51,9% chuyển đổi liên quan đến động lực tối ưu hiệu quả hoạt động. Các yêu cầu từ đối tác, khách hàng trong chuỗi sản xuất quốc tế hoặc trong nước là nguyên nhân thứ hai với 36,7%. Tạo ra giá trị tăng thêm từ tín chỉ Carbon là động lực có tỷ lệ lựa chọn thấp nhất với 22,7%
Song có tới 50% doanh nghiệp không tiếp cận được với thông tin về yêu cầu chuyển đổi. Chỉ có trên 33% doanh nghiệp biết tới việc phải đối mặt với sức ép chuyển đổi xanh từ các quy định quốc tế hay trong nước. Chính vì thế nhiều doanh nghiệp coi lợi ích từ tín chỉ carbon là động lực trong khi không hiểu rõ cơ chế hoạt động của thị trường này.
Qua khảo sát cũng cho thấy, do truyền thông sai lệch, không ít doanh nghiệp đã dự kiến mua rừng trồng để bù đắp tín chỉ carbon trong khi thực tế là chưa cần thiết hoặc đây không phải biện pháp được một số thị trường thừa nhận.
Các giải pháp liên quan đến Khu công nghiệp xanh, Khu sinh thái xanh, nhà máy xanh cũng chưa được phổ biến và doanh nghiệp còn thiếu kênh thông tin để tiếp cận.
Theo Báo cáo, một số doanh nghiệp chia sẻ rằng việc đi tiên phong trong xây dựng các nhà máy và chuẩn hóa quy trình theo các tiêu chuẩn quốc tế đem lại lợi thế cho doanh nghiệp trong xuất khẩu nhưng số này chưa nhiều vì thiếu thông tin và chi phí cao trong quá trình chuẩn hóa.
Một khó khăn nữa được nhắc tới đó là xây dựng và xác định chiến lược giảm phát thải, chuyển đổi xanh. Nhiều doanh nghiệp đã nắm bắt được yêu cầu phải giảm phát thải và đã bắt đầu tiến hành chuyển đổi nhưng không biết phải “bắt đầu từ đâu”. Hậu quả là nhiều doanh nghiệp bắt đầu từ kiểm kê năng lượng trong khi đây chỉ là một phần trong yêu cầu kiểm kê khí nhà kính.
Có tới 36,4% doanh nghiệp phải đối diện với khó khăn “không biết phải bắt đầu từ đâu” này, trong đó doanh nghiệp khu vực công nghiệp có tỷ lệ khó khăn cao nhất (39,2%), khu vực Xây dựng, Dịch vụ có tỷ lệ khó khăn thấp hơn, khoảng 34%. Từ đó, Báo cáo đưa ra khuyến nghị đây là chủ đề cần quan tâm để hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng năng lực thích nghi và chuyển đổi.