February 19, 2022 | 11:48 GMT+7

Doanh nghiệp công nghệ Trung Quốc hứng “đòn giáng” mới, Meituan mất gần 30 tỷ USD vốn hóa

Đức Anh -

Nếu như nhiều nhà đầu tư tin rằng Trung Quốc có thể sẽ giảm bớt các biện pháp siết quản lý với lĩnh vực tư nhân để tập trung vào tăng trưởng kinh tế, thì họ phải nghĩ lại sau ngày 18/2...

Cổ phiếu Meituan lao dốc sau khi Bắc Kinh ban hành quy định mới với các công ty giao hàng - Ảnh: Getty Images
Cổ phiếu Meituan lao dốc sau khi Bắc Kinh ban hành quy định mới với các công ty giao hàng - Ảnh: Getty Images

Theo Bloomberg, chỉ trong vòng vài giờ trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu (18/2), giá cổ phiếu của hãng giao đồ ăn khổng lồ Trung Quốc Muituan lao dốc tới 18% - mức giảm mạnh nhất trong gần 7 tháng qua và "thổi bay" gần 30 tỷ USD vốn hóa – sau khi Bắc Kinh ban hành quy định mới, trong đó yêu cầu các nền tảng giao đồ ăn phải giảm phí hoa hồng thu từ các nhà hàng. Cổ phiếu Meituan đã mất gần 60% giá trị trong 12 tháng qua. 

Chỉ số Công nghệ Hang Seng của Hồng Kông – theo dõi cổ phiếu của các công ty công nghệ lớn nhất Trung Quốc đại lục, cũng sụt mạnh nhất trong 3 tuần. So với mức đỉnh hồi tháng 2/2021, chỉ số này đã sụt gần 50%. Trong khi đó, Chỉ số Rồng vàng Nasdaq – theo dõi các cổ phiếu Trung Quốc niêm yết tại Mỹ - đã sụt khoảng 60%.

Doanh nghiệp công nghệ Trung Quốc hứng “đòn giáng” mới, Meituan mất gần 30 tỷ USD vốn hóa - Ảnh 1

Theo giới quan sát thị trường, cú sụt giá bất ngờ nói trên cho thấy “mua đáy” vẫn là hành động rủi ro kể cả khi trước đó giá cổ phiếu của nhiều hãng công nghệ Trung Quốc đã giảm xuống mức thấp nhất lịch sử. Làn sóng bán tháo trên diện rộng trước đó đã “thổi bay” hơn 1.500 tỷ USD vốn hóa của lĩnh vực này nhưng được cho là vẫn chưa chạm đáy.

“Quy định mới được đưa ra bất ngờ và trong ngắn hạn, nỗi sợ hãi có thể còn lớn hơn nguyên nhân”, Hao Hong, chiến lược gia trưởng tại Bocom International, Hồng Kông, nói khi đề cập đến chính sách phí đối với các công ty giao hàng. "Vì vậy, ở thời điểm hiện tại, chúng tôi sẽ không cố gắng đứng trước một đoàn tàu đang chạy”.

Theo Bloomberg, vài năm trước, sự phát triển bùng nổ của các hãng công nghệ lớn của Trung Quốc tưởng chừng không gì có thể cản được. Thế nhưng, khi Bắc Kinh bắt đầu siết chặt quản lý với lĩnh vực này để theo đuổi chiến lược “thịnh vượng chung”, vận mệnh của những “đại gia” công nghệ như Alibaba, Didi bắt đầu trở nên mờ mịt hơn. 

Giới đầu tư tỏ ra do dự trước sự khó đoán của các chính sách ở Trung Quốc. Vài tuần gần đây, các cổ phiếu doanh nghiệp giáo dục tại nước này trải qua một đợt giảm giá mạnh nữa, tiếp nối cú lao dốc vào năm ngoái, do xuất hiện nhiều đồn đoán rằng Bắc Kinh sẽ tiếp tục siết quản lý với lĩnh vực này.

Dù từ tháng 4/2021, nhiều nhà chiến lược của nhiều hãng tài chính lớn như Goldman Sachs, Jefferies Financial Group đều dự báo về một sự phục hồi, tuy nhiên đến nay cổ phiếu công nghệ Trung Quốc vẫn chưa có bước chuyển mình đáng kể nào. Hiện tại, giá cổ phiếu của gã khổng lồ thương mại điện tử Alibaba và nhà sản xuất điện thoại thông minh Xiaomi Corp. đang rẻ hơn so với các cổ phiếu ngành tiện ích như CLP Holdings Ltd. ở Hồng Kông – mã thường có tiềm năng tăng trưởng thấp hơn.

Theo một số nhà phân tích, giá cổ phiếu các hãng công nghệ Trung Quốc có thể còn giảm nữa khi họ triển khai thực hiện theo các quy định mới và đối mặt chi phí kinh doanh cao hơn.

“Rủi ro vẫn rất lớn khi những công ty lớn như Tencent tuân thủ các quy định mới trong hoạt động kinh doanh của họ”, nhà phân tích Matthew Kanterman của Bloomberg Intelligence nhận định.

Mức độ tác động của các biện siết kiểm soát của Bắc Kinh tới lợi nhuận của các hãng công nghệ lớn nhất Trung Quốc sẽ được thấy rõ ràng hơn khi những công ty này công bố kết quả kinh doanh trong vài tuần tới. Alibaba dự kiến công bố vào thứ Năm tới.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate