Thời gian gần đây, hãng tin Reuters ghi nhận thực trạng các nhà hàng ở Trung Quốc đang đua nhau hạ giá để thu hút khách hàng khi nền kinh tế đang trên đà giảm phát. Theo báo cáo của Canyin88, khoảng 2 triệu nhà hàng đã đóng cửa trên toàn Trung Quốc trong năm 2024. Tại các thành phố hạng nhất như Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu và Thâm Quyến, đầu năm nay tỷ lệ đóng cửa nhà hàng hàng tháng vượt quá 10%, có khi thậm chí vượt quá 15%.
Sự cạnh tranh khốc liệt về giá cả và sức ép phải thay đổi thực đơn liên tục để thu hút khách hàng đã khiến nhiều cơ sở phải vật lộn để tồn tại. Nhiều nơi buộc phải cắt giảm chi phí xuống còn khoảng 70 đến 80 nhân dân tệ (9 đến 11 USD) một khách hàng.
Theo tờ Nikkei Asia, ngành F&B của Trung Quốc đã phải trả giá sau khoảng thời gian bùng nổ. "Cạnh tranh gay gắt đã thúc đẩy các thương hiệu F&B Trung Quốc phát triển năng lực cạnh tranh trong mọi khía cạnh của hoạt động kinh doanh và tìm kiếm cơ hội tăng trưởng bên ngoài thị trường nội địa", Nikkei Asia nhận định.

Theo thống kê của công ty nghiên cứu Momentum Works có trụ sở tại Singapore, Indonesia và Việt Nam là hai thị trường nước ngoài lớn nhất của Mixue với lần lượt 2.667 và 1.304 cửa hàng. Trên các phương tiện truyền thông của Indonesia, có một câu nói đùa rằng bất kỳ mặt bằng nào còn trống tại hai quốc gia này cũng sẽ sớm trở thành cửa hàng Mixue.
Mixue hiện trở thành chuỗi F&B lớn nhất thế giới tính theo số lượng cửa hàng, vượt qua Starbucks và McDonald's, theo tờ AP của Mỹ. Không chỉ Mixue, nhiều thương hiệu thực phẩm và đồ uống (F&B) Trung Quốc đang chiếm lĩnh thị trường Đông Nam Á. Có thể kể đến các thương hiệu như chuỗi lẩu Haidilao, nhà hàng cá muối chua Fish With You, chuỗi cà phê Luckin Coffee, trà sữa Heytea...
Ông Jianggan Li, CEO của Momentum Works, nhận định thị trường F&B Đông Nam Á, với mức tăng trưởng 4,6% trong năm 2024 và đạt 132,9 tỷ USD, là một "miếng bánh" hấp dẫn. Ông Li cho hay trong khi các thương hiệu phương Tây thường mất nhiều thời gian để tìm đối tác và xây dựng kế hoạch dài hạn, các công ty Trung Quốc lại “tốc chiến” hơn. Họ có lợi thế về tự động hóa, tối ưu hóa vận hành và tiếp thị trực tuyến mạnh mẽ.
Tại thủ đô Kuala Lumpur của Malaysia, ông Liu Liujun, Phó chủ tịch chuỗi cửa hàng Fish With You, nhận thấy cơ hội kinh doanh vô cùng rộng mở, khi quốc gia này có cộng đồng Hoa ngữ đông đảo và nền kinh tế đang phát triển. Ông cho biết khoản đầu tư trị giá 235.000 USD vào một trong những cửa hàng Fish With You tại Malaysia đã thu hồi vốn chỉ sau 9 tháng, bởi gần như ngày nào người tiêu dùng cùng xếp hàng dài.

Tương tự, Việt Nam và Indonesia là hai thị trường chiếm tới 70% doanh thu của Mixue trong năm 2024. "Nhìn chung, nhiều công ty Trung Quốc chọn nhượng quyền khi mở rộng ở Đông Nam Á. Bên cạnh đó, vẫn có các chuỗi điều hành trực tiếp", bà Lin Tan, nhà sáng lập kiêm CEO PayInOne, một công ty cung cấp dịch vụ tuyển dụng cho các công ty Trung Quốc ở nước ngoài, chia sẻ với Nikkei Asia. "Hầu hết sẽ chọn các khu vực Đông Nam Á trước, chủ yếu vì chi phí nhân sự thấp hơn và quản lý dễ dàng hơn, trước khi dần dần mở rộng sang châu Âu, Bắc Mỹ, Australia, Nhật Bản và Hàn Quốc”.
Tờ The Straits Times của Singapore khẳng định sự phổ biến của ẩm thực Trung Quốc tại Đông Nam Á còn có ý nghĩa trong việc củng cố ảnh hưởng văn hóa và cải thiện hình ảnh của nước này với công chung trong khu vực. Theo thống kê, trung tâm thương mại lớn nhất nước này có ít nhất 9 thương hiệu F&B từ Trung Quốc đại lục.
Không chỉ có các món ăn phổ biến như lẩu và súp cay (ma la tang) tăng vọt, các món ăn từ những vùng ít quen thuộc hơn của Trung Quốc, chẳng hạn như các vùng Thiểm Tây, Cam Túc và Tân Cương, cũng đã du nhập vào đây. Một đại diện của Qin Ji Rougamo cho biết họ hy vọng sẽ sử dụng Singapore làm trụ sở chính để phát triển thị trường ở các quốc gia xung quanh và đã thảo luận về việc thâm nhập các thị trường như Malaysia, Indonesia, Thái Lan.
Trong khi đó, tại Mỹ, gã khổng lồ Starbucks đang "ngồi trên đống lửa" khi hai ông lớn đồ uống đến từ Trung Quốc là Chagee và Luckin Coffee đồng loạt đổ bộ vào thị trường. Trong đó, chuỗi trà sữa nổi tiếng Trung Quốc Chagee đã chính thức nộp hồ sơ chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) tại Mỹ, với kế hoạch niêm yết trên sàn Nasdaq dưới mã cổ phiếu "CHA".
Theo CNBC, động thái trên diễn ra trong bối cảnh Chagee đang chuẩn bị khai trương cửa hàng đầu tiên tại thị trường Mỹ, dự kiến đặt tại trung tâm thương mại sầm uất Westfield Century City ở Los Angeles. Hồ sơ công bố, trong năm 2024, Chagee đạt doanh thu 1,7 tỷ USD và lợi nhuận ròng lên đến 344,5 triệu USD - một con số ấn tượng đối với một thương hiệu trà sữa.

Nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Zhang Junjie chia sẻ rằng ý tưởng thành lập Chagee xuất phát từ cảm hứng trước sự thành công của các chuỗi cà phê quốc tế như Starbucks. Nhưng thay vì cà phê, ông muốn hiện đại hóa văn hóa thưởng trà cổ truyền Trung Quốc và đưa nó trở thành phong cách sống toàn cầu.
Tuyên bố trên website của công ty, Chagee đặt ra những tham vọng lớn là phục vụ những người yêu trà tại 100 quốc gia, tạo ra 300.000 việc làm toàn cầu và cung cấp 15 tỷ cốc trà tươi mỗi năm. Nếu thương vụ IPO của Chagee thành công, họ sẽ trở thành một trong số ít công ty Trung Quốc còn duy trì tham vọng niêm yết trên sàn Mỹ trong bối cảnh quan hệ Mỹ - Trung căng thẳng và chính sách siết chặt từ các nhà lập pháp Mỹ.
Trong khi đó, Luckin Coffee cũng đang lên kế hoạch mở cửa hàng đầu tiên tại New York, với mức giá cực kỳ cạnh tranh 2 - 3 USD cho một cốc cà phê. Họ sẽ nhắm đến các thành phố có đông sinh viên và khách du lịch Trung Quốc, vốn là nhóm khách hàng giàu tiềm năng và ưa chuộng xu hướng tiêu dùng tiện lợi, giá rẻ.
Với sự xuất hiện đồng thời của hai "ông lớn" Chagee và Luckin Coffee từ Trung Quốc, thị trường đồ uống tại Mỹ sắp bước vào một giai đoạn cạnh tranh nóng bỏng chưa từng thấy. Cả 2 thương hiệu này đều sở hữu hệ thống vận hành cực kỳ tinh gọn, tốc độ mở rộng nhanh và khả năng thu hút khách hàng rất tốt ở các thị trường đông dân. Các thương hiệu đồ uống phương Tây sẽ buộc phải đổi mới để duy trì vị thế.