Hiện tại, hàng loạt doanh nghiệp tại TP.HCM đang lo lắng, nếu giá xăng dầu tiếp tục tăng trong thời gian tới thì sẽ không tránh khỏi việc các doanh nghiệp vận tải, logistics… phải thực hiện điều chỉnh giá cước phí để duy trì hoạt động kinh doanh, từ đó ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất và giá thành sản phẩm.
ẢNH HƯỞNG KHẢ NĂNG PHỤC HỒI
Vấn đề đầu tiên được nhiều doanh nghiệp đặt ra là giá xăng tăng sẽ kéo theo giá nguyên liệu sản xuất tăng. Ông Nguyễn Văn Bé, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Khu công nghiệp - khu chế xuất TP.HCM, cho biết, chi phí xăng dầu chỉ chiếm khoảng 2 - 3% trong cơ cấu giá thành sản phẩm của doanh nghiệp, nhưng giá nguyên liệu sản xuất chiếm 80% giá thành sản phẩm. Theo hiệu ứng dây chuyền, việc tăng giá xăng có thể đẩy giá nguyên liệu nhập khẩu tăng theo.
Ông Nguyễn Phương Đông, Tổng Giám đốc Tổng Công ty công nghiệp Sài Gòn, nhấn mạnh, hiện tổng công ty và các doanh nghiệp thành viên đã nhận được thông báo tăng giá nguồn nguyên liệu sản xuất từ các nhà cung ứng. Mức đề xuất tăng trong thời gian tới là 5 - 10%. Thực tế này đang đẩy doanh nghiệp vào thế khó do những đơn hàng xuất khẩu và cung ứng thị trường nội địa đã được chốt giá từ trước Tết và không thể tăng giá trong bối cảnh hiện tại.
Ông Trương Tiến Dũng, Tổng Giám đốc Công ty CP kinh doanh thủy hải sản Sài Gòn (APT), nhận định, giá xăng dầu tăng chưa làm giá cả hàng hóa tăng ngay vì còn có độ trễ. Tuy nhiên, xăng dầu là chi phí đầu vào của các ngành sản xuất – kinh doanh nên việc đội chi phí là không tránh khỏi. "Tại APT, giá xăng dầu sẽ làm tăng ngay chi phí vận chuyển nguyên liệu từ miền Tây lên nhà máy ở TP.HCM và chiều ngược lại, vận chuyển thức ăn cho các ao nuôi cá. Giá xăng dầu tăng tạo thêm áp lực tăng chi phí đầu vào, khiến các doanh nghiệp sản xuất càng thêm khó khăn", ông Dũng nói.
Tương tự, bà Nguyễn Trần Ngọc Trinh, Giám đốc Công ty TNHH Vnflour, thừa nhận, hiện giá xăng và nguyên vật liệu tăng mạnh ảnh hưởng lớn đến việc sản xuất, kinh doanh của đơn vị. "Từ năm 2021 đến đầu năm nay, giá lúa mì đã tăng gần 100%, thậm chí có thời điểm hơn, từ hơn 200 USD/tấn tăng lên 300 - 400 USD/tấn. Do đó, giá bột mì cung ứng cho các doanh nghiệp sản xuất cũng buộc phải thay đổi theo tỷ lệ thuận với giá nguyên liệu đầu vào của đơn vị", bà phân tích.
Hiện cả hai nhà cung cấp trứng gia cầm lớn nhất thị trường là Vĩnh Thành Đạt (Vfood) và Ba Huân đều cho biết đang chịu rất nhiều áp lực về giá. Nhưng vì là doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn giá, nên vẫn phải “gồng” mình chịu đựng. Ông Trương Chí Thiện, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần thực phẩm Vĩnh Thành Đạt, thông tin: “Chỉ mấy ngày sau đợt tăng giá xăng lần đầu, các đối tác cung cấp nguyên liệu đầu vào đã thông báo kế hoạch tăng giá của họ, mỗi thứ từ 10 - 20% tùy loại. Với áp lực hiện tại, có thể sau giai đoạn này, chúng tôi sẽ phải điều chỉnh lại giá bán ra”.
Nhiều doanh nghiệp lo ngại, giá nguyên, nhiên liệu đầu vào tăng cao sẽ ảnh hưởng đến khả năng phục hồi của doanh nghiệp. Bởi khi doanh nghiệp buộc phải tăng giá bán sản phẩm thì khả năng cạnh tranh của sản phẩm sẽ khó khăn hơn. Theo đề nghị của lãnh đạo một số doanh nghiệp, để giảm thiểu khó khăn mà doanh nghiệp đang phải "gánh", Chính phủ cần có sự điều tiết giảm thuế, phí trong cơ cấu giá của xăng dầu. Mặt khác, tăng nguồn dự trữ xăng dầu để ổn định giá bán cũng như tránh nguy cơ đứt gãy nguồn cung.
CẦN THÊM NHIỀU LỰC ĐỠ
Giá xăng dầu trong nước hiện nay phụ thuộc rất lớn vào giá xăng dầu thế giới. Việc giá nhiên liệu tăng cao sẽ ảnh hưởng nhất định đến giá cả của một số hàng hóa và mặt bằng giá cả trong nền kinh tế. Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh, Giảng viên cấp cao Học viện Tài chính, cho rằng, trong bối cảnh giá xăng dầu tăng cao, Nhà nước cần có sự điều chỉnh giảm các loại chi phí khác cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp kinh doanh vận tải.
Cùng với đó, các doanh nghiệp sản xuất phải nỗ lực, tái cấu trúc hoạt động để giảm được chi phí thấp nhất. Đối với các hoạt động vận tải, phải có sự tính toán khoa học để sử dụng được cả hai chiều, khi đó sẽ giảm được rất nhiều chi phí cho doanh nghiệp. Thêm vào đó, cần trao đổi, thảo luận lại với các đối tác để ký kết lại các hợp đồng khi giá xăng dầu đang tăng rất cao và đây là vấn đề các doanh nghiệp cần quan tâm. Bên cạnh đó, trong bối cảnh giá cả leo thang, các doanh nghiệp, đối tác cũng cần nêu cao tinh thần giúp đỡ, tương trợ lẫn nhau.
“Nhà nước nên hỗ trợ việc giảm các loại chi phí khác cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp kinh doanh vận tải. Đối với các khoản thuế môi trường và các thuế khác sẽ rất khó giảm được, nhưng có thể xem xét giảm những loại thuế phí khác trong vận tải như các chi phí về kiểm định, các chi phí khi xe lăn bánh trên đường, hoặc có thể hỗ trợ các chi phí về cầu đường đối với hoạt động vận tải,… đây cũng là biện pháp để giảm thấp phí cho các doanh nghiệp,” ông Đinh Trọng Thịnh nêu ý kiến.
Trong khi đó, GS.TS. Phạm Thị Mỹ Dung, Viện trưởng Viện Khoa học phát triển nông thôn, cho rằng, ngoài chịu tác động của giá thế giới, hiện nay xăng dầu trong nước đang phải gánh rất nhiều thuế, phí. “Nên chăng tích hợp vào một loại thuế chứ không nên dàn trải dẫn đến khó kiểm soát,” bà Dung đề xuất.
Các chuyên gia phân tích, trong bối cảnh cộng đồng doanh nghiệp đang nỗ lực hồi phục sản xuất, kinh doanh, thì việc phải tốn chi phí cho các loại thuế, phí trong giá xăng dầu là chưa hợp lý. Khi chưa trả xăng dầu về với thị trường, trong lúc giá xăng thế giới liên tục tăng cao và các công cụ bình ổn giá khác đã hết dư địa, giảm thuế là phương án cần thiết để "hạ nhiệt" giá xăng. Mặt khác, do giá xăng dầu đang chịu gánh nặng rất lớn từ hàng loạt chi phí như thuế, phí, lợi nhuận định mức,... nên việc giảm thuế cũng cần được xem xét ngay cả khi giá xăng dầu thế giới không tăng cao.
Các chuyên gia kinh tế cũng lưu ý, việc giá xăng dầu tăng sẽ có những ảnh hưởng nhất định đến Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ đề ra. Song mức ảnh hưởng này sẽ không lớn, bởi mức tăng năm nay sẽ không quá cao để phải lo ngại. Tuy nhiên, nếu Chính phủ hỗ trợ cho các doanh nghiệp giảm được các chi phí về tiếp cận, quản lý, cũng như các chi phí liên quan ở mức thấp, thì sẽ giúp doanh nghiệp giảm thấp các chi phí trong sản xuất... Từ đó sẽ làm gia tăng hiệu quả của các gói hỗ trợ, giúp các doanh nghiệp có được chi phí hợp lý để đẩy mạnh sản xuất và nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh, góp phần làm cho Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội có thể đạt được hiệu quả cao hơn.