June 20, 2023 | 16:32 GMT+7

Doanh nghiệp thủy sản kêu khó, kiến nghị được giãn nợ

Vân Nguyễn -

VASEP vừa gửi đề xuất các giải pháp nhằm hỗ trợ, giúp tháo gỡ khó khăn cho ngành thuỷ sản bao gồm giãn nợ, giảm lãi suất vay, xem xét các khoản phí thu từ ngân hàng….

Doanh nghiệp ngành thủy sản đang phải đối mặt với những thách thức lớn trong giai đoạn hiện nay - Ảnh minh họa
Doanh nghiệp ngành thủy sản đang phải đối mặt với những thách thức lớn trong giai đoạn hiện nay - Ảnh minh họa

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) vừa có công văn số 59/CV-VASEP gửi Bộ Kế hoạch Đầu tư tổng hợp báo cáo và đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn có liên quan cho ngành thuỷ sản trong giai đoạn hiện nay.

Trong văn bản, VASEP cho biết, sau giai đoạn dịch Covid-19, nhiều chi phí đầu vào tiếp tục tăng và giữ mức cao khiến chi phí sản xuất, kinh doanh tăng cao trong khi giá bán nhiều sản phẩm thủy sản chủ lực tăng không đáng kể mà còn đang chịu áp lực giảm giá từ khách hàng. Hệ lụy là việc tác động tiêu cực đến người nuôi, ngư dân và nhà máy chế biến xuất khẩu. Theo đó, cần được sự hỗ trợ của Nhà nước thông qua chính sách thuế, phí và mức đóng bảo hiểm xã hội để giảm chi phí hoạt động, chi phí đầu vào của doanh nghiệp.

DOANH NGHIỆP THỦY SẢN GẶP NHIỀU KHÓ KHĂN

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam 5 tháng đầu năm 2023 tiếp tục sụt giảm 2 con số so với cùng kỳ năm 2022, chỉ đạt 3,379 tỷ USD, giảm 27,9%. Các doanh nghiệp trong ngành đều đánh giá sự sụt giảm và đứt gãy hiện nay trầm trọng hơn cả giai đoạn đỉnh của dịch bệnh Covid-19.

Theo đó, đơn hàng xuất khẩu đã giảm từ 20% - 50%, dẫn đến lượng tồn kho tăng cao. Doanh nghiệp thủy sản Việt Nam tiếp tục bị áp lực nặng nề vì thị trường tiêu thụ lao dốc, giá xuất khẩu sụt giảm mạnh trong khi sản xuất, chế biến trong nước bị gánh nặng các loại chi phí và lãi suất ngân hàng tăng cao.

Hiệp hội cho biết, các doanh nghiệp đang phải đối mặt với 2 vấn đề lớn: nguy cơ thiếu nguyên liệu tôm - cá trầm trọng vào đầu năm 2024 khi dự báo thị trường sẽ phục hồi, nhưng người nuôi đã không thể có đủ “sức” để thả nuôi tiếp vào thời điểm hiện nay; không ít các doanh nghiệp sẽ chịu tổn thất, suy thoái nặng nề và thậm chí không thể vượt qua giai đoạn rất khó khăn .

Trong đó, thách thức tăng chi phí của doanh nghiệp đến từ những nguyên nhân như chi phí nguyên vật liệu, lãi vay, logistic, điện, bao bì, nhân công… Những bất cập trong việc cấp phép và hướng dẫn thủ tục doanh nghiệp lắp đặt điện mặt trời áp mái nhà để sử dụng cho sản xuất (chế biến, trang trại nuôi tôm - cá) và không phát lên lưới điện chung.

Bên cạnh đó, theo VASEP, lãi suất ngân hàng và các khoản phí của ngân hàng quá cao, doanh nghiệp thủy sản chủ yếu là sản xuất hàng xuất khẩu thường vay USD. Từ quý 3/2022, nhiều ngân hàng đã thông báo và áp dụng ngay sau đó việc tăng lãi suất vay USD từ 2,1-2,8% lên 3-3,3% và thậm chí đến 4,5%.

“Một vấn đề đáng quan ngại nữa là việc “siết tín dụng”, hạn chế cho vay dưới mức tín dụng được cấp, các khoản vay mới chỉ được giải ngân tương ứng với khoản vay cũ khi phải trả nợ trước đó”, VASEP cho biết.

Nếu tính cả các khoản phí cộng với lãi suất đã cao như phí chuyển tiền từ nước ngoài về (0,05%), phí thanh toán L/C (0,1%), phí ký hậu Bill (10 USD), phí xử lý chứng từ (10 USD), phí chấp nhận L/C trả chậm (50 USD)… tạo nên áp lực lớn đối với doanh nghiệp.

“Việc áp trần chi phí lãi vay để tính thuế thu nhập là không hợp lý, gây ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh, cũng như dòng tiền của doanh nghiệp trong các năm đầu khi mới đầu tư. Trong khi các doanh nghiệp sản xuất là đối tượng cần được hỗ trợ về vốn để đầu tư, phát triển nhưng lại phải chịu áp mức trần này”, văn bản cho biết thêm.

CẦN CÓ GIẢI PHÁP HỖ TRỢ

Những khó khăn nêu trên đã và đang gây nên áp lực, căng thẳng lớn đối với ngành hàng thủy sản. Từ đó, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam cũng đã đưa ra một số kiến nghị nhằm hỗ trợ doanh nghiệp trong giai đoạn hiện nay.

Công văn VASEP gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhằm đề xuất giải pháp, hỗ trợ doanh nghiệp thủy sản
Công văn VASEP gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhằm đề xuất giải pháp, hỗ trợ doanh nghiệp thủy sản

Thứ nhất, liên quan đến vấn đề hạ lãi suất cho vay, VASEP kiến nghị cần điều chỉnh lãi suất vay USD xuống dưới 4% và lãi suất vay VNĐ xuống dưới 7% để hỗ trợ cho doanh nghiệp xuất khẩu.

Bên cạnh đó, cho các doanh nghiệp thủy sản được giãn nợ 4 - 6 tháng cho các khoản vay đến lịch phải trả trong quý 2 - 3/2023 và tiếp tục được vay theo hạn mức trong bối cảnh giảm xuất khẩu của 6 tháng đầu năm để các doanh nghiệp có thể thu gom ổn định nguồn nguyên liệu của nông - ngư dân và chế biến, trữ hàng chuẩn bị cho xuất khẩu ở các quý tiếp theo trong năm 2023.

“Cần thiết sửa đổi lại điểm d khoản 2 Điều 5 Nghị định số 132/2020/NĐ-CP để hủy bỏ quy định coi giao dịch đi vay giữa ngân hàng và doanh nghiệp vay dài hạn để đầu tư là giao dịch liên kết, giúp doanh nghiệp không phải bị áp trần chi phí lãi vay khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp”, VASEP cho biết.

Thứ hai, Hiệp hội kiến nghị Ngân hàng Nhà nước tiếp tục quan tâm và xem xét có gói kích cầu 10.000 tỷ đồng cho thủy sản nuôi ở Đồng Bằng Sông Cửu Long. Gói kích cầu dành cho các doanh nghiệp  xuất khẩu thực sự mua dự trữ nguyên liệu từ nay để xuất khẩu sau 3 - 6 tháng nữa trong năm 2023 và quý 1/2024.

VASEP cho biết, gói kích cầu nhằm ứng phó với tình trạng đơn hàng xuất khẩu không có trong giai đoạn hiện nay. Thực hiện kích cầu sớm sẽ khiến người nuôi thủy sản có tâm lý yên tâm tiếp tục thả nuôi thay vì treo ao trong giai đoạn hiện nay.

Thứ ba, liên quan chính sách thuế, các giải pháp liên quan khác để giảm chi phí, hỗ trợ sản xuất kinh doanh và xuất- nhập khẩu, duy trì chuỗi cung ứng, việc làm.

Trong đó, kiến nghị Bộ Tài chính chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ hoàn thuế giá trị gia tăng đối với hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu; kéo dài các chính sách miễn, giảm, gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất và miễn, giảm các loại phí, lệ phí cho đến hết 2023.

Cần có các giải pháp hỗ trợ liên quan chính sách về các khoản đóng góp bắt buộc của doanh nghiệp đối với người lao động, cụ thể: giảm mức đóng vào quỹ Bảo hiểm thất nghiệp cho doanh nghiệp đến hết 2023; nghiên cứu sửa đổi, đề xuất giảm mức đóng Bảo hiểm thất nghiệp từ 1% xuống còn 0,5%; tạm dừng đóng Bảo hiểm thất nghiệp lao động và bệnh nghề nghiệp đến hết năm 2023; giảm mức đóng kinh phí công đoàn từ 2% xuống tối đa 1% quỹ lương làm căn cứ đóng Bảo hiểm xã hội; cho các doanh nghiệp giãn nộp Bảo hiểm xã hội từ 3 - 6 tháng trong giai đoạn khó khăn hiện nay.

Bên cạnh đó, Chính phủ và Bộ Tài chính xem xét giảm thuế nhập khẩu khô đậu tương từ 2% xuống 0% để hỗ trợ ngành nuôi trồng thủy sản và chăn nuôi Việt Nam.

“Chính sách giảm 2% thuế VAT được cộng đồng doanh nghiệp mong chờ nếu được triển khai với toàn bộ nhóm hàng hóa, dịch vụ sẽ hỗ trợ rất nhiều cho doanh nghiệp khi nền kinh tế vẫn đang đứng trước nhiều thách thức, khó khăn. Kiến nghị mở rộng phạm vi áp dụng giảm 2% với tất cả các hàng hóa, dịch vụ có mức thuế suất VAT 10% và không loại trừ”, Hiệp hội cho biết thêm.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate