Theo ông Lê Hoàng Phúc, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu, đào tạo thiết kế vi mạch và trí tuệ nhân tạo Đà Nẵng (DSAC), để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, Đà Nẵng đang tập trung vào ba giải pháp đột phá chiến lược: cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực và chính sách.
CẠNH TRANH VỚI DOANH NGHIỆP FDI, THU HÚT GIẢNG VIÊN BÁN DẪN
Hệ sinh thái doanh nghiệp công nghệ thông tin và trí tuệ nhân tạo của Đà Nẵng rất đa dạng và phát triển mạnh mẽ. Hiện nay, Đà Nẵng có khoảng 2.400 doanh nghiệp CNTT, với tỷ lệ 2,3 doanh nghiệp trên 1.000 dân, cao hơn gấp 3 lần so với mức trung bình quốc gia. Điều này chứng tỏ Đà Nẵng đang là một trung tâm công nghệ quan trọng của Việt Nam.
Trao đổi bên lề sự kiện Tọa đàm “Tiềm năng và thách thức thu hút đầu tư nước ngoài công nghiệp bán dẫn tại Hà Nội” mới đây, ông Lê Hoàng Phúc cho biết các doanh nghiệp FDI và các công ty toàn cầu thường có cơ chế trả lương và giữ chân nhân sự rất cạnh tranh. Chất lượng của kỹ sư Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực vi mạch, cũng được đánh giá cao.
Theo các khảo sát từ cộng đồng bán dẫn và Bộ Thông tin và Truyền thông, mức lương cho kỹ sư vi mạch tại Việt Nam hiện khá hấp dẫn, tiệm cận với mức lương toàn cầu và cao hơn so với ngành công nghệ thông tin. Mức lương cho kỹ sư vi mạch mới ra trường dao động từ 1.500 USD đến 2.000 USD mỗi tháng, và có xu hướng tăng trưởng cao hàng năm tùy thuộc vào sản phẩm và nghiên cứu.
Lực lượng nhân sự bán dẫn chất lượng cao thường “bị” các doanh nghiệp nước ngoài thu hút. Nhân sự đóng vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn và để đào tạo ra những nhân sự giỏi sẽ cần đến đội ngũ giảng viên giỏi. Vì vậy, vấn đề quan trọng là làm thế nào để giữ chân các giảng viên tài năng trong các trường đại học và cơ sở đào tạo công lập, để từ đó đào tạo ra nhiều nhân sự giỏi.
Theo ông Lê Hoàng Phúc, chính quyền cần lưu tâm đến việc này và có giải pháp phù hợp để động viên và giữ chân các giảng viên giỏi. “Dù không thể cạnh tranh hoàn toàn về lương với các doanh nghiệp, thành phố và chính quyền vẫn nên tìm cách cải thiện mức thu nhập và điều kiện làm việc cho các giảng viên, đồng thời khơi dậy khát vọng cống hiến và tạo môi trường làm việc hấp dẫn để giữ chân họ”, ông Lê Hoàng Phúc nói.
Ông Lê Hoàng Phúc cho biết Đà Nẵng tập trung vào việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đảm bảo khả năng ngoại ngữ và khả năng tiếp cận quốc tế khi ra trường, gắn liền với đào tạo doanh nghiệp.
Được biết, Đà Nẵng đặt mục tiêu phát triển 5.000 kỹ sư bán dẫn vào năm 2030. Trong số này, có 2.000 kỹ sư sẽ chuyên về thiết kế IC và 3.000 kỹ sư tập trung vào kiểm thử và đóng gói.
Hiện tại, Việt Nam có khoảng hơn 5.000 kỹ sư bán dẫn, trong khi thành phố Đà Nẵng đang có khoảng 600 kỹ sư. Việt Nam đang đặt mục tiêu có 50.000 kỹ sư bán dẫn vào năm 2030, mục tiêu của Đà Nẵng là đạt được 10% mục tiêu quốc gia.
VIỆT NAM CHƯA CÓ CHUYÊN NGÀNH ĐÀO TẠO BÁN DẪN CỤ THỂ
Chia sẻ về chiến lược phát triển nguồn nhân lực, ông Lê Hoàng Phúc cho biết trong đề án phát triển nguồn nhân lực và ngành công nghiệp bán dẫn, Đà Nẵng đã phân tích tình hình hiện tại cũng như dự báo nhu cầu xúc tiến đầu tư của thành phố.
“Sau khi Việt Nam và Hoa Kỳ nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược toàn diện từ tháng 9/2023, Đà Nẵng đã nhận được sự quan tâm và đầu tư đáng kể từ các tập đoàn lớn của Hoa Kỳ cũng như sự hỗ trợ từ Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ. Đà Nẵng đã thực hiện các bước kịp thời như tổ chức hội thảo về phát triển nguồn nhân lực, tập hợp các chuyên gia và doanh nghiệp lớn để thảo luận cách thức phát triển nguồn nhân lực”, ông Lê Hoàng Phúc nói.
Theo đó, Đà Nẵng đã tổ chức nhiều cuộc tiếp xúc với các tập đoàn lớn để hiểu rõ nhu cầu của họ. “Điều này giúp chúng tôi xác định cách thức đào tạo phù hợp, gắn liền với nhu cầu và tiêu chuẩn tuyển dụng. Đây là một nguyên tắc sống còn trong công tác đào tạo nguồn nhân lực tại thành phố Đà Nẵng mà chúng tôi hướng tới”.
Theo ông Phúc, về đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực bán dẫn, hiện tại theo thông tin từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng như Bộ Giáo dục và Đào tạo, Việt Nam chưa có chuyên ngành đào tạo bán dẫn cụ thể. Tuy nhiên, từ năm 2024, nhiều cơ sở đào tạo đã bắt đầu mở các chuyên ngành liên quan đến bán dẫn.
Các chuyên ngành gần gũi như điện tử, viễn thông, khoa học máy tính, kỹ thuật máy tính, chế tạo cơ khí chính xác, và tự động hóa hệ thống nhúng đã được các trường đại học như Đại học Bách khoa, các trường khối sư phạm kỹ thuật, và Học viện Kỹ thuật đào tạo từ trước. Những cơ sở này đã tích lũy nhiều kinh nghiệm và đã có những thành công nhất định qua các cuộc thi như Roboco và các cuộc thi kỹ thuật khác.
Mặc dù thiết kế chip và công nghệ thông tin có sự khác biệt rõ rệt, chúng vẫn có những điểm tương đồng trong chiến lược tiếp cận và đào tạo. Để phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực bán dẫn, cần phải có một cách tiếp cận đồng bộ từ nhiều cấp độ khác nhau.
Tại Đà Nẵng, từ năm 2024, các trường đại học như Đại học Bách khoa, Đại học Sư phạm Kỹ thuật và Đại học Việt-Hàn đã bắt đầu tuyển sinh và triển khai các chương trình đào tạo chuyên ngành liên quan đến bán dẫn. Những dấu hiệu ban đầu cho thấy họ đang có sự hợp tác tích cực với các đối tác quốc tế và doanh nghiệp để phát triển chương trình đào tạo này, hứa hẹn sẽ đáp ứng tốt hơn nhu cầu của ngành bán dẫn trong tương lai.
Đặc biệt, Đà Nẵng cũng hợp tác với các trường đại học, đặc biệt là các trường đại học quốc tế có trọng điểm. “Chúng tôi chọn lọc hợp tác với những doanh nghiệp lớn mà chúng tôi thu hút. Sau đó, dựa trên nghiên cứu về việc nguồn nhân lực của các doanh nghiệp này đến từ các trường đại học nào, chúng tôi sẽ kết nối các trường đại học ở Đà Nẵng với các trường đó".
"Cách làm này nhằm cung cấp nguồn nhân lực đúng nhu cầu như các doanh nghiệp mong muốn. Đây là một hoạt động rất chất lượng, với các chương trình đào tạo được thiết kế để đáp ứng nhu cầu cụ thể của các doanh nghiệp”, ông Lê Hoàng Phúc tiết lộ.