October 23, 2023 | 07:32 GMT+7

Dọn đường để ngành hàng không phục hồi hoàn toàn

Anh Tú -

Đón đầu sự trở lại của thị trường hàng không quốc tế, chính sách visa thông thoáng cùng hạ tầng hàng không được nâng cấp theo quy hoạch mới được cho là những nhân tố sẽ “chắp cánh” giúp doanh nghiệp ngành hàng không phục hồi hoàn toàn và làm sáng hơn bức tranh lợi nhuận của ngành...

Cùng với sự phục hồi của du lịch, tình trạng quá tải hạ tầng sân bay sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của cả dây chuyền hàng không.
Cùng với sự phục hồi của du lịch, tình trạng quá tải hạ tầng sân bay sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của cả dây chuyền hàng không.

Số liệu từ Cục Hàng không Việt Nam cho thấy thị trường vận chuyển hàng không nội địa 9 tháng năm 2023 phục vụ 32,6 triệu khách, ghi nhận mức giảm 3,6%. Mức sụt giảm này một phần do mức nền cao cùng kỳ và sức tăng trưởng chậm không như kỳ vọng, đặc biệt thị trường du lịch hè không bùng nổ như mọi năm khi trong tháng 6 và tháng 7, thị trường vận tải khách nội địa đều giảm sâu khoảng 20%. Còn thị trường khách quốc tế tăng mạnh mẽ  266,8% so với cùng kỳ năm 2022, đạt 23,7 triệu khách sau 9 tháng và bằng 76,5% cùng kỳ 2019.

Lũy kế 9 tháng, tổng thị trường hành khách ước đạt 56,3 triệu khách, vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng khả quan 39,5%. Như vậy, thị trường hàng không nội địa dù giảm nhiệt so với cùng kỳ năm ngoái nhưng vẫn duy trì đà tăng trưởng khả quan hơn trước dịch, trong khi đó, thị trường quốc tế đang chậm rãi phục hồi.

NỘI ĐỊA HẠ NHIỆT, KHAI PHÁ THÊM THỊ TRƯỜNG QUỐC TẾ

Với thị trường nội địa, Cục Hàng không Việt Nam cho biết 5 hãng hàng không Việt Nam đang khai thác 67 đường bay kết nối Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng với 19 cảng hàng không địa phương khác với trên 650 chuyến bay/ngày. Ngoài việc tăng tần suất khai thác các đường bay hiện hữu, các hãng hàng không Việt Nam cũng khai thác một số đường bay mới.

Thị trường nội địa giảm nhiệt so với năm 2022 nhưng vẫn tốt hơn trước dịch. Trong khi đó, thị trường quốc tế đang tiến về gần mức năm 2019.
Thị trường nội địa giảm nhiệt so với năm 2022 nhưng vẫn tốt hơn trước dịch. Trong khi đó, thị trường quốc tế đang tiến về gần mức năm 2019.

Còn thị trường vận chuyển hàng không quốc tế tiếp đà phục hồi với sự tham gia khai thác trở lại của nhiều hãng hàng không quốc tế. Phần lớn các thị trường truyền thống, ngoại trừ thị trường Trung Quốc và Nga, đang tiếp tục duy trì đà phục hồi. Các hãng hàng không cũng khai phá một số thị trường mới ở khu vực Trung Á như Kazakhstan, Uzbekistan, Turkmenistan; đồng thời, đẩy mạnh hoạt động khai thác các đường bay đến Ấn Độ và Úc.

Hiện có 64 hãng hàng không nước ngoài và 5 hãng hàng không Việt Nam khai thác thị trường quốc tế với trên 169 đường bay quốc tế kết nối 28 quốc gia, vùng lãnh thổ Bắc Mỹ, châu Âu, Trung Đông, châu Á và châu Phi tới các điểm của Việt Nam như: Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM, Cam Ranh, Phú Quốc, Đà Lạt, Huế.

Dù tốc độ tăng trưởng thị trường quốc tế 9 tháng lên tới gần 300% nhưng Cục Hàng không Việt Nam và các hãng hàng không đều chung nhận định, khách quốc tế đi, đến Việt Nam bằng đường hàng không tuy tăng cao nhưng không đạt kỳ vọng đặt ra.

LO ÂU VÌ KHÁCH QUỐC TẾ PHỤC HỒI CHẬM

Lo lắng về sự phục hồi chậm chạp của thị trường vận chuyển khách quốc tế, lãnh đạo một hãng hàng không cho rằng thị trường khách quốc tế đến Việt Nam dù đạt mục tiêu 8 triệu khách nhưng tình hình hiện rất không ổn. Bởi thị trường nguồn các nước và vùng lãnh thổ vùng Đông Bắc Á gồm: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (TQ), Hồng Kông (TQ) chiếm 70% lượng khách đến Việt Nam trước dịch nhưng hiện bị ảnh hưởng nghiêm trọng, khó có dấu hiệu khởi sắc. Dù vắng khách, các hãng vẫn phải bay để giữ slot lịch sử cho các mùa bay tiếp theo.

Tính đến tháng 9/2023, thị trường truyền thống hàng đầu của Việt Nam là Trung Quốc mới đạt 1,1 triệu lượt khách, phục hồi 28% so với năm 2019, chậm so với dự báo. Quỹ đạo phục hồi của du khách Trung Quốc dự kiến sẽ tăng chậm nhưng chắc chắc và ổn định, thay vì “bùng nổ” do chi tiêu của người dân bị ảnh hưởng trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế đang chậm lại và Trung Quốc dành nhiều chính sách hỗ trợ du lịch nội địa.

Nhật Bản cũng không khuyến khích người dân đi du lịch nước ngoài mà chỉ khuyến khích du lịch nội địa. Như vậy, hai thị trường quan trọng ở Đông Bắc Á là Trung Quốc, Nhật Bản đều gặp khó.

Thị trường Đài Loan, Hồng Kông cũng đình trệ. Với 5 quốc gia tại Đông Bắc Á, duy nhất thị trường Hàn Quốc ghi nhận tín hiệu khởi sắc khi 9 tháng có trên 2,5 triệu lượt du khách đến Việt Nam, chiếm gần 30% lượng khách quốc tế.

Con số tưởng đáng mừng nhưng hầu hết doanh nghiệp Hàn Quốc “ăn cả”, tự làm từ đầu đến cuối khiến các doanh nghiệp Việt không thể tham gia vào chuỗi kinh doanh của họ. Hiện tượng này kéo dài hơn 10 năm và đã được doanh nghiệp du lịch, lữ hành phản ánh nhiều lần.

 

Tổng hợp từ báo cáo tài chính nửa đầu năm của các doanh nghiệp niêm yết ngành hàng không cho thấy dù tổng doanh thu tăng 62% cùng kỳ, lên mức 87,8 nghìn tỷ đồng, phục hồi hoàn toàn so với cùng kỳ năm 2019, lợi nhuận trước thuế toàn ngành tăng mạnh lên 5,4 nghìn tỷ đồng, gấp 25 lần cùng kỳ năm 2022 nhưng mới đạt 55% cùng kỳ năm 2019, với mức độ phân hóa mạnh.

Do thị trường khách quốc tế chiếm tỷ trọng lớn trong tổng doanh thu nên các hãng bay vẫn chưa thoát lỗ hoặc vẫn lao đao vì dư âm từ đại dịch.

Theo đó, các hãng hàng không dù giảm lỗ 4.000 tỷ đồng cùng kỳ nhưng vẫn lỗ trước thuế gần 700 tỷ đồng. Thực tế cũng ghi nhận, việc đẩy mạnh khai thác thị trường quốc tế giúp Vietnam Airlines và Vietjet cải thiện đáng kể biên lãi gộp lên khoảng 5-8% nhưng vẫn rất mỏng so với trước dịch.

Hoạt động kinh doanh vận tải cốt lõi chưa cân bằng được thu chi do thị trường quốc tế chưa phục hồi hoàn toàn, đặc biệt là các thị trường trọng điểm. Các yếu tố rủi ro tài chính và chi phí đầu vào như giá nhiên liệu, tỷ giá biến động mạnh, lãi suất cũng ảnh hưởng tiêu cực, đè nặng cánh bay.

Trái ngược với các hãng bay, doanh nghiệp dịch vụ hàng không đóng góp lớn nhất vào lợi nhuận toàn ngành với 5.500 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 25% cùng kỳ và đây là nhóm duy nhất ghi nhận lợi nhuận trước thuế tăng trưởng so với trước dịch 13%.

Bức tranh kinh doanh cũng sáng màu với nhóm doanh nghiệp phi hàng không khi tăng trưởng lợi nhuận trước thuế mạnh mẽ ở mức 245% cùng kỳ, lên 218 tỷ đồng. Một số doanh nghiệp có lãi trở lại trong nửa đầu năm như Công ty cổ phần Dịch vụ hàng không Taseco, Công ty cổ phần Dịch vụ sân bay quốc tế Cam Ranh, Công ty cổ phần Dịch vụ hàng không sân bay Đà Nẵng.

KHÔNG ĐỂ HẠ TẦNG QUÁ TẢI CẢN TIẾN TRÌNH PHỤC HỒI

Giới phân tích kỳ vọng thị trường khách quốc tế phục hồi về mức trước dịch vào năm 2025 và xu hướng này giúp phần lớn các doanh nghiệp trong ngành tăng trưởng tích cực về lợi nhuận trong năm 2024.

Trong bối cảnh hàng không nội địa phục hồi thần tốc và đón đầu sự trở lại của hàng không quốc tế giúp doanh nghiệp ngành hàng không sớm hồi sức, việc đẩy nhanh tốc độ triển khai các dự án hạ tầng hàng không trọng điểm, không để tình trạng chậm tiến độ và hạ tầng quá tải như thời gian qua là điều cần ưu tiên.

Theo ông Trương Phương Thành, Phó Tổng giám đốc Thường trực Bamboo Airways, trong những năm gần đây, các sân bay được đầu tư và nâng cấp về hạ tầng nhà ga, mở rộng nhiều tiện ích cho khách hàng.

Tuy nhiên, đa phần sân bay đều được xây dựng và sử dụng từ lâu, việc nâng cấp chưa đáp ứng được nhu cầu và sự tăng trưởng của quy mô hành khách những năm qua. Giai đoạn cao điểm, hiện tượng ùn tắc vẫn diễn ra, đặc biệt tại sân bay lớn như Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng…

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 43-2023 phát hành ngày 23-10-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Dọn đường để ngành hàng không phục hồi hoàn toàn - Ảnh 1
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate