Tính chung 6 tháng đầu năm, 10,7 triệu lượt khách quốc tế đã đến Việt Nam, tăng gần 21% so với cùng kỳ 2024 và tăng gần 26% so với năm 2019 - năm hoàng kim của du lịch Việt. So sánh xa hơn, lượng khách trong 6 tháng đầu năm 2025 còn cao hơn tổng lượng khách của cả năm 2016 (10 triệu lượt).
So với mục tiêu đón 22 - 23 triệu lượt khách trong năm nay của Cục Du lịch, 6 tháng đầu năm lượng khách đón thực tế tại Việt Nam mới đạt gần 49%. Tuy nhiên, theo các CEO công ty lữ hành, Việt Nam vẫn có thể đạt được con số 22 triệu lượt vì mùa cao điểm du lịch cuối năm (tháng 10 đến 12) mới là thời điểm bứt phá.
Trong đó, lượng khách đến bằng đường hàng không vẫn chiếm tỷ lệ chủ yếu, với gần 9,1 triệu lượt nhập cảnh. Khách đến bằng đường bộ chiếm gần 1,4 triệu lượt. Số còn lại là khách đường biển.

Về quy mô thị trường, Trung Quốc tiếp tục là thị trường gửi khách lớn nhất của Việt Nam trong nửa đầu năm 2025 với 2,7 triệu lượt (chiếm 25,6%). Hàn Quốc xếp ở vị trí thứ 2, đạt 2,2 triệu lượt (chiếm 20,7%). Riêng hai thị trường này đóng góp 46,3% tổng số khách quốc tế đến trong 6 tháng qua.
Tiếp theo là Đài Loan (630 nghìn lượt), Mỹ (449 nghìn lượt), Nhật Bản (393 nghìn lượt), Campuchia (360 nghìn lượt). Trong tốp 10 thị trường lớn nhất của du lịch Việt Nam còn có Ấn Độ, Úc, Malaysiavà Nga.
Về động lực tăng trưởng, trong 6 tháng đầu năm, các thị trường lớn ở khu vực châu Á là động lực chính cho sự tăng trưởng lượng khách quốc tế, trong đó có Trung Quốc tăng 44,2% so với cùng kỳ năm 2024, Nhật Bản (+17,2%), Ấn Độ (+41,0%). Các thị trường gần ở khu vực Đông Nam Á tăng trưởng tốt, trong đó có Indonesia (+11,2%), Philippines (+105,1%), Lào (+35,8%), Campuchia (+55,6%)...
Đặc biệt, hàng loạt thị trường ở châu Âu chứng kiến kết quả tăng trưởng, trong đó Nga là thị trường lớn nhất với 260 nghìn lượt và cũng có mức tăng mạnh nhất (+139,3%). Các thị trường chính đều tăng: Anh (+19,2%), Pháp (+19,1%), Đức (+15,3%), Italy (+24,0%), Tây Ban Nha (+11,5%), Đan Mạch (+10,1%), Na Uy (+24,1%), Thụy Điển (+18,2%).

Bên cạnh đó, thị trường Ba Lan và Thụy Sỹ cũng ghi nhận gia tăng lượng khách, tăng lần lượt 44,3% và 10,2% so với cùng kỳ năm 2024. Đây là hiệu quả đến từ việc Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 11/NQ-CP về việc miễn visa ngắn hạn cho công dân Ba Lan, Séc và Thụy Sỹ theo chương trình kích cầu phát triển du lịch năm 2025.
Phó Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam Phạm Văn Thủy đánh giá, hiện nay e-visa của Việt Nam được đánh giá tích cực nhờ mở rộng diện áp dụng lên cho tất cả các quốc gia và vùng lãnh thổ, kéo dài thời hạn lưu trú đến 90 ngày và thủ tục đăng ký thuận tiện, hoàn toàn trực tuyến, đã góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh điểm đến, cải thiện trải nghiệm nhập cảnh cho du khách quốc tế.
Từ góc độ doanh nghiệp, bà Nguyễn Vũ Quỳnh Anh, Tổng Giám đốc Khối Nghỉ dưỡng và Vui chơi giải trí của Tập đoàn Sun Group, đánh giá, chính sách thị thực của Việt Nam thực sự đã có bước tiến lớn nhưng vẫn cần cải thiện để cạnh tranh với các nước trong khu vực. Thực tế các nước bạn đã có chính sách visa ưu việt và linh hoạt hơn Việt Nam gấp nhiều lần: Malaysia miễn thị thực cho 156 quốc gia, Singapore là 162 quốc gia và Philippines là 157 quốc gia…
“Chúng tôi đề xuất Chính phủ và các bộ, ban ngành liên quan tiếp tục tháo gỡ, mở rộng danh sách các quốc gia miễn thị thực, đặc biệt ưu tiên những thị trường khách mục tiêu, giàu tiềm năng như New Zealand, Australia, Trung Quốc, Ấn Độ; nhóm khách từ các thị trường mới nổi và tiềm năng cao như: UAE, Saudi Arabia, Qatar, Kuwait cùng các nước Trung Á, khách châu Âu và Bắc Mỹ… nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cho du lịch Việt Nam”, bà Quỳnh Anh nói.

Tương tự, ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hà Nội, khẳng định Việt Nam đã có bước tiến lớn với việc nới lỏng chính sách thị thực như kéo dài thời gian lưu trú, mở rộng hình thức nhập cảnh nhiều lần, áp dụng visa điện tử. Nhờ vậy, những thị trường được miễn visa đã tăng trưởng tối thiểu hơn 30%, đóng góp mạnh mẽ cho đà phục hồi của ngành du lịch.
Tuy nhiên, ông Đạt cho rằng, cần tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa chính sách visa theo hướng linh hoạt, thuận tiện hơn nhờ ứng dụng công nghệ 4.0, AI và big data. "Những công cụ này hoàn toàn có thể giúp sàng lọc, không để các đối tượng xấu nhập cảnh, vừa đảm bảo an ninh quốc gia, vừa mở cửa tối đa cho khách du lịch quốc tế. Tôi rất mong Chính phủ nghiên cứu, sớm áp dụng những cải cách này để giúp du lịch Việt Nam bứt phá, đạt và vượt mục tiêu tăng trưởng", ông nói.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về phát triển du lịch, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã cụ thể hóa thành hàng loạt chiến lược xúc tiến, quảng bá, tái định vị thương hiệu quốc gia. Theo đó, Bộ đang đề xuất thí điểm thành lập văn phòng xúc tiến du lịch Việt Nam tại một số thị trường trọng điểm, nhằm tăng hiệu quả quảng bá và kết nối trực tiếp. Những phân khúc du lịch đặc thù cũng được chú trọng khai thác như du lịch golf, chăm sóc sức khỏe, MICE, du lịch đường sông…

Trong bối cảnh chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ, ngành du lịch cũng chủ động ứng dụng công nghệ số trong xúc tiến, quảng bá như triển khai hệ sinh thái số quốc gia về xúc tiến du lịch, ứng dụng AI và dữ liệu lớn để phân tích thị trường, quảng bá trên các nền tảng toàn cầu như Google, Facebook, TikTok, kết hợp với các KOLs quốc tế để lan tỏa hình ảnh Việt Nam.
Ông Phạm Văn Thủy nhấn mạnh thời gian tới ngành sẽ đẩy mạnh các chiến dịch xúc tiến tại những thị trường có chính sách visa thuận lợi, phối hợp với hàng không và lữ hành lớn triển khai các gói combo ưu đãi bay, nghỉ, trải nghiệm. Các chương trình quảng bá quốc tế trọng điểm cũng sẽ được tăng cường như ITB Berlin, WTM London, cùng chuỗi sự kiện roadshow tại Đông Bắc Á, châu Âu, Australia, Ấn Độ, Bắc Mỹ…
Theo Hàn thử biểu (World Tourism Barometer) số ra tháng 5 của Tổ chức du lịch Liên hợp quốc (UN Tourism), quý 1/2025, Việt Nam dẫn đầu khu vực châu Á Thái Bình Dương về tăng trưởng lượng khách quốc tế đến (tăng 30% so với quý 1/2024) và đứng thứ 2 về phục hồi lượng
khách quốc tế đến (tăng 34% so với quý 1/2019).
Trên toàn cầu, 3 tháng đầu năm 2025, Việt Nam đứng thứ 6 về mức tăng trưởng khách du lịch quốc tế đến (+30% so với quý 1/2024) và xếp thứ 4 về mức tăng tổng thu từ du lịch (tăng 29% so với cùng kỳ năm 2024).