April 09, 2021 | 13:22 GMT+7

Đón làn sóng chuyển dịch đầu tư, Việt Nam vẫn thiếu lao động trình độ cao

Phúc Minh

Việt Nam còn nhiều lợi thế để thu hút đầu tư nước ngoài trong các lĩnh vực nhờ nguồn nhân lực trẻ, dồi dào, song chất lượng lao động vẫn là vấn đề cần cải thiện hơn nữa

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Nguồn vốn đầu tư từ nước ngoài được dự báo vẫn tiếp tục đổ về Việt Nam, tạo thêm nhiều cơ hội kinh doanh và việc làm trong nước. Tuy nhiên, theo các chuyên gia để tận dụng được tốt các cơ hội thì chất lượng nguồn nhân lực sẽ là vấn đề cần được quan tâm hơn nữa.

LỢI THẾ THU HÚT ĐẦU TƯ VỚI NGUỒN NHÂN LỰC DỒI DÀO

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tính đến ngày 20/3 bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 10,13 tỷ USD, tăng 18,5% so với cùng kỳ năm trước.

Trong số 56 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư được cấp phép mới tại Việt Nam trong quý 1/2021, Singapore là nhà đầu tư lớn nhất với 4.285,5 triệu USD, chiếm 59,3% tổng vốn đăng ký cấp mới; tiếp đến là Nhật Bản, Trung Quốc, Đặc khu hành chính Hồng Kông, Hàn Quốc, Hoa Kỳ...

Theo các chuyên gia, nhà tuyển dụng, làn sóng chuyển dịch đầu tư từ Trung Quốc sang Việt Nam và một số quốc gia Đông Nam Á của các doanh nghiệp FDI được cho là sẽ tiếp diễn trong thời gian tới, điều này sẽ mở ra rất nhiều cơ hội việc làm cho lao động Việt Nam.

Bà Lê Thị Kim, Giám đốc Dịch vụ khoán việc và Cho thuê lại lao động miền Bắc, ManpowerGroup Việt Nam cho rằng, Việt Nam vẫn còn rất nhiều lợi thế để thu hút đầu tư nước ngoài trong nhiều lĩnh vực từ sản xuất, chế biến, lắp ráp cho đến thực phẩm, kho bãi…nhờ nguồn nhân lực trẻ, dồi dào, sẵn sàng thích ứng với nhu cầu đa dạng của nhà tuyển dụng.

Thị trường việc làm đang chứng kiến những nhu cầu gia tăng mạnh ở các vị trí đòi hỏi các kỹ năng phù hợp với bối cảnh hiện tại như chuyên gia phân tích, chuyển đổi số, an ninh mạng…

"Hiện nay, chúng tôi nhận được nhiều yêu cầu cung ứng nhân công với số lượng lớn từ các doanh nghiệp trong và ngoài nước, đặc biệt trong các lĩnh vực sản xuất chế tạo như: lắp ráp linh kiện điện tử, chế tạo và lắp ráp ô tô, xe máy, sản xuất bao bì, kho bãi và vận chuyển….", bà Kim cho biết.

Bà Nguyễn Thu Trang, Giám đốc dịch vụ Tuyển dụng Cấp cao và Tư vấn nhân sự của ManpowerGroup Việt Nam cũng nhận định rằng nguồn vốn đầu tư nước ngoài vẫn tiếp tục đổ về Việt Nam, tạo thêm nhiều cơ hội kinh doanh và việc làm trong nước.

Theo quan sát của ManpowerGroup Việt Nam, thị trường việc làm đang chứng kiến những nhu cầu gia tăng mạnh ở các vị trí đòi hỏi các kỹ năng phù hợp với bối cảnh hiện tại như chuyên gia phân tích, chuyển đổi số, an ninh mạng…

Tương tự, trong dự báo xu hướng tuyển dụng năm 2021, Navigos Group - tập đoàn cung cấp dịch vụ tuyển dụng cũng đưa ra nhận định trong thời gian tới, các doanh nghiệp sản xuất Nhật Bản trong mảng linh kiện điện tử và ô tô đang có kế hoạch mở rộng trong năm 2021.

Bên cạnh đó, đã có nhiều doanh nghiệp sản xuất thuộc châu Âu, Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản đang tìm hiểu thị trường để đầu tư xây nhà máy và phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh tại Việt Nam, đặc biệt là thị trường phía Nam.

Bà Nguyễn Thị Thu Phương, Giám đốc tuyển dụng Adecco Hà Nội - công ty cung cấp giải pháp nhân sự cũng nhận định rằng, trong thời gian tới, sự kết hợp giữa làn sóng chuyển dịch chuỗi cung ứng từ Trung Quốc và tác động tích cực từ những hiệp định thương mại tự do sẽ mang lại nhiều triển vọng cho nền kinh tế Việt Nam, khiến cơ hội việc làm và nhu cầu tuyển dụng tăng lên đáng kể.

CHẤT LƯỢNG NHÂN LỰC VẪN LÀ "NÚT THẮT" CẦN GỠ

Mặc dù được cho là sự dịch chuyển của các dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam sẽ gia tăng thêm cơ hội việc làm, song theo các chuyên gia để tận dụng được tối đa các cơ hội này, chất lượng nguồn nhân lực vẫn là một bài toán cần ưu tiên.

Trao đổi với VnEconomy, chuyên gia Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học – Lao động và Xã hội (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) nói rằng, lao động Việt Nam có ưu điểm là cần cù, chăm chỉ, khả năng thích ứng nhanh nên không có lý do gì không đáp ứng được khi tham gia vào các chuỗi cung ứng.

Mặc dù vậy, theo vị chuyên gia, về lâu dài điều trọng nhất là phải tăng tỷ lệ lao động qua đào tạo lên, vì hiện nay tỷ lệ lao động có bằng cấp chứng chỉ khoảng 25% là vẫn còn quá thấp.

Doanh nghiệp FDI, đặc biệt là các tập đoàn lớn của nước ngoài đang có nhu cầu lớn về nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, song hiện nay về cả số lượng và chất lượng lao động Việt Nam đều chưa đáp ứng được.

"Cần tập trung vào những chương trình đào tạo ngắn hạn trước, đào tạo chuyển đổi phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp. Việc tham gia vào các chuỗi cung ứng cũng là một cơ hội rất tốt cho lao động Việt Nam để nâng cao kỹ năng, trình độ. Tuy nhiên, để thực sự mang lại hiệu quả cần đổi mới phương thức đào tạo có kết hợp với doanh nghiệp bởi vì rõ ràng là không ai hiểu doanh nghiệp cần gì bằng chính họ", bà Hương cho biết.

Cũng cho rằng, các doanh nghiệp FDI, đặc biệt là các tập đoàn lớn của nước ngoài tại Việt Nam đang có nhu cầu lớn về nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, song theo ông Vũ Minh Tiến, Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam), hiện nay về cả số lượng và chất lượng lao động Việt Nam đều chưa đáp ứng được.

"Đúng là nhiều người lao động vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu và còn khoảng cách quá lớn. Tuy nhiên, trên thực tế nhiều doanh nghiệp sản xuất công nghệ cao sẽ cần lao động có trình độ hơn, còn những doanh nghiệp sản xuất gia công mặt hàng đơn giản thì trước mắt lao động của chúng ta vẫn đáp ứng được", ông Tiến cho biết.

Cùng với trình độ tay nghề, theo ông Tiến một vấn đề không kém phần quan trọng khác đó là người lao động Việt Nam cần chú trọng đến thái độ, ý thức lao động hơn nữa nếu muốn tham gia sâu hơn vào các chuỗi cung ứng và tận dụng tốt các cơ hội việc làm từ làn sóng FDI.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate