January 15, 2021 | 14:22 GMT+7

Đón làn sóng FDI, thị trường lao động sẽ thay đổi theo hướng nào?

Hà Lê

Việt Nam đã chứng tỏ là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài và có tác động mạnh mẽ vào thị trường lao động Việt Nam

Cơ cấu việc làm chuyển từ thâm dụng lao động sang ứng dụng công nghệ
Cơ cấu việc làm chuyển từ thâm dụng lao động sang ứng dụng công nghệ

Thời gian tới, với làn sóng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam chắc chắn cơ cấu ngành lao động sẽ có sự thay đổi. Thị trường lao động lúc đó sẽ đòi hỏi nhân lực có trình độ trung bình trở lên thay vì các ngành thâm dụng lao động như hiện nay.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, triển vọng thu hút vốn FDI ở Việt Nam năm 2021 là rất sáng sủa trong bối cảnh nhiều nhà đầu tư lớn, vừa và nhỏ từ các quốc gia phát triển dần chuyển hướng đầu tư vào Việt Nam. Những dự án FDI, tận dụng các hiệp định thương mại mà Việt Nam đã ký kết cũng sẽ tiếp tục vào Việt Nam trong thời gian tới.

NĂNG SUẤT, THU NHẬP CỦA NGƯỜI LAO ĐỘNG TĂNG ĐÁNG KỂ 

Có thể nói, sau hơn 30 năm mở cửa, hội nhập và cải cách thể chế, môi trường kinh doanh, Việt Nam đã chứng tỏ là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài và có tác động mạnh mẽ vào thị trường lao động Việt Nam. Theo Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh & Xã hội Đào Ngọc Dung, dòng vốn FDI trong thời gian qua đã có tác động không nhỏ tới sự phát triển của thị trường và năng suất cũng như thu nhập của người lao động.

Cụ thể, số lượng công ăn việc làm trực tiếp và gián tiếp đã được gia tăng đáng kể. Số lượng lao động làm việc trong doanh nghiệp có vốn FDI đã tăng từ 330.000 năm 1995 lên khoảng 6,1 triệu lao động vào năm 2019. Tốc độ tăng lao động của khu vực này, bình quân 7,72%/năm giai đoạn 2005-2017, cao hơn nhiều tăng trưởng lao động toàn nền kinh tế và các thành phần kinh tế khác. Sự chuyển dịch cơ cấu lao động từ các ngành thâm dụng lao động tay nghề thấp sang các ngành sử dụng nhiều lao động chất lượng cao hơn được đẩy mạnh. 

Trong thời kỳ đầu thu hút vốn FDI, lao động thường tập trung vào một số ngành sản xuất thâm dụng lao động như dệt may, da giày. Song hiện nay, tỷ trọng lao động trong một số ngành sản xuất áp dụng công nghệ cao đang gia tăng nhanh chóng. Tỷ trọng lao động trong ngành điện tử và sản phẩm điện tử đã tăng từ 8,03% năm 2012 lên 15,7% năm 2017. Năng suất lao động cũng có sự chuyển biến tích cực nhờ nguồn vốn của khu vực có vốn FDI. Theo giá hiện hành, năng suất lao động của doanh nghiệp có vốn FDI năm 2017 đạt 330,8 triệu đồng/lao động, cao gấp 3,5 lần năng suất lao động chung của cả nước, cao hơn của toàn bộ khu vực doanh nghiệp nói chung và của doanh nghiệp ngoài nhà nước nói riêng.

Các doanh nghiệp có vốn FDI đánh giá lao động Việt Nam có ưu điểm như: chất lượng và hiệu quả của giáo dục nghề nghiệp có bước chuyển biến tích cực. Kỹ năng nghề nghiệp của người tốt nghiệp các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã được nâng lên, ở nhiều nghề, kỹ năng nghề của lao động Việt Nam đã đạt chuẩn quốc tế; lao động qua đào tạo nghề nghiệp tham gia vào hầu hết các lĩnh vực của nền kinh tế quốc dân và đã đảm nhận được các vị trí, công việc phức tạp mà trước đây phải do chuyên gia nước ngoài thực hiện; trên 80% người học tìm được việc làm hoặc tự tạo việc làm ngay sau khi tốt nghiệp.

Tuy nhiên, theo ông Đỗ Văn Sử, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư Nước ngoài (Bộ Kế hoạch & Đầu tư), nhân lực của nước ta cũng có những hạn chế là chất lượng, hiệu quả đào tạo của nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp chưa đáp ứng được yêu cầu. Chưa gắn bó hữu cơ với nhu cầu nhân lực của từng ngành, lĩnh vực cụ thể và yêu cầu của đổi mới cơ cấu kinh tế- xã hội. Bên cạnh đó, việc chuẩn bị đào tạo nhân lực đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0) còn có những khó khăn và chưa triển khai được nhiều; mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp còn bất cập về phân bố giữa các vùng miền, ngành nghề, trình độ đào tạo; quy mô nhỏ.

NHỮNG CHUYỂN BIẾN CĂN BẢN THỊ TRƯỜNG LAO ĐỘNG  

Thực tế cho thấy, để đón đầu làn sóng FDI vào Việt Nam, thời gian qua Chính phủ Việt Nam có nhiều ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đặc biệt, nhằm khuyến khích thực hiện một số dự án đầu tư có tác động lớn đến kinh tế - xã hội. Tính đến ngày 20/12/2020, tổng vốn FDI vào Việt Nam, bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 28,5 tỷ USD, giảm 25% so với năm 2019. Đây là thực trạng chung trong bối cảnh đại dịch Covid-19 gây những tác động tiêu cực đối với nền kinh tế toàn cầu. Mặc dù vậy, thông tin các nhà FDI đầu tư mới hay tăng nguồn vốn đầu tư vào Việt Nam vẫn liên tục được cập nhật.

Theo đánh giá của Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung hiện đang đứng trước ba xu thế vĩ mô hứa hẹn sẽ mang đến những chuyển biến khó lường trong dòng vốn FDI, cơ cấu kinh tế - xã hội và thị trường lao động trong nước. Thứ nhất là sự chuyển dịch sâu rộng cơ cấu kinh tế do tác động của CMCN 4.0. Thứ hai là việc tái định vị dòng chảy hàng hoá, dịch vụ quốc tế do tác động của cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Thứ ba là sự tăng tốc trong chiến lược đa phương hoá đối tác và tái cấu trúc chuỗi cung ứng của các tập đoàn doanh nghiệp đa quốc gia dưới ảnh hưởng trực tiếp của đại dịch Covid.

"Những xu thế vĩ mô này đã và đang làm nổi bật một số xu hướng rõ rệt đối với dòng chảy và chính sách thu hút vốn FDI trên toàn thế giới và thay đổi căn bản thị trường lao động thế giới, trong đó có Việt Nam", ông Dung nhận định và nhấn mạnh, trong tương lai gần, cấu trúc lao động đã, đang và sẽ tiếp tục dịch chuyển từ khu vực nông nghiệp sang các ngành công nghiệp và dịch vụ. Cơ cấu việc làm sẽ có xu hướng dịch chuyển từ các lĩnh vực thâm dụng lao động sang các ngành ứng dụng công nghệ. Việc làm sử dụng lao động phổ thông, ít kỹ năng sẽ giảm dần, thay vào đó là việc làm yêu cầu lao động có trình độ cao hơn và nhiều kỹ năng hơn. 

Theo đó, người lao động, nhất là những lao động đã có tuổi, chưa qua đào tạo, ít kỹ năng, tay nghề yếu, chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc đào tạo và đào tạo lại để thích ứng với các ngành nghề mới. Nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, một phần lớn người lao động ở Việt Nam có thể đứng trước nguy cơ mất việc, thất nghiệp và bị bỏ rơi trong xu thế dịch chuyển hiện nay.

Để đón đầu các xu hướng đầu tư nước ngoài mới và để người lao động Việt Nam được thụ hưởng lợi ích trong một nền kinh tế bền vững, ông Dung cho rằng, cần chủ động xây dựng các chiến lược hành động toàn diện, cùng nhau kiến tạo một thị trường liên thông, hoàn chỉnh, với hệ sinh thái đa dạng, có tính lan tỏa cao và có sự liên kết chặt chẽ với thị trường quốc tế. Ông Dung cho biết: "Chúng tôi đề xuất Chính phủ cần chỉ đạo sát sao các bộ, ban ngành tiếp tục các nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh, trao đổi với các tập đoàn lớn quốc tế, chủ động đàm phán các FTA song phương và đa phương, hoàn thiện các cơ chế song phương và đa phương về thu hút đầu tư, sở hữu trí tuệ, ngân hàng, tài chính để các nước tạo điều kiện cho doanh nghiệp vào Việt Nam qua các cơ chế chính sách, cơ chế hỗ trợ tài chính của họ". 

Bộ Lao động Thương binh & Xã hội cho biết, sẽ chủ động phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động, phân tích, dự báo xu hướng chuyển dịch trong lao động – việc làm, nhu cầu lao động trong nước và quốc tế để thường xuyên báo cáo, tham mưu cho Chính phủ. Đồng thời, sẽ khảo sát, đánh giá sát sao hơn nữa thị trường lao động ở các địa phương trọng điểm, có các phương án chuẩn bị sẵn nguồn cung ứng lao động để đón nhận các dự án mới.

Bên cạnh đó, Bộ cũng sẽ chủ động phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo và các bộ, ban ngành liên quan đánh giá, xác định được nhu cầu kỹ năng cần thiết cho nền kinh tế mới để có những điều chỉnh phù hợp cho hệ thống giáo dục và đào tạo trong nước, đặc biệt là công tác xây dựng kế hoạch tuyển sinh, đào tạo đáp ứng đúng và đủ nhu cầu các ngành nghề mới.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate