Ngày 25/1/2024, tại Hà Nội, Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai (Văn phòng Đối tác giảm nhẹ rủi ro thiên tai) tổ chức hội thảo quốc tế về vai trò của các tổ chức phi chính phủ quốc tế và khối tư nhân trong tăng cường hành động sớm.
VIỆT NAM ĐI ĐẦU VIẾT LÊN CÂU CHUYỆN KIÊN CƯỜNG ỨNG PHÓ VỚI THIÊN TAI
Phát biểu tại hội thảo, bà Pauline Tamesis, Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam, Đồng Chủ tịch Đối tác giảm nhẹ rủi ro thiên tai nhận định: “Trong bối cảnh thiên tai ngày một tăng về cường độ và tần suất, Việt Nam là một trong những quốc gia đi đầu, đã viết lên câu chuyện kiên cường ứng phó với thiên tai. Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu cũng đang đòi hỏi sự quan tâm thích đáng cũng như hợp tác và đối với chúng ta, điều quan trọng là các hành động và chiến lược chúng ta theo đuổi cần phù hợp với bối cảnh trong tương lai”.
Ông Phạm Đức Luận, Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai, cho biết tại Việt Nam, tình hình thời tiết, khí hậu xảy ra cực đoan trên các vùng miền với 21/22 loại hình thiên tai, đặc biệt là mưa lớn gây sạt lở đất, lũ quét, lũ, ngập lụt trên diện rộng, gây thiệt hại lớn về người, tài sản, cơ sở hạ tầng, ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất của nhân dân.
Năm 2023, sự cố, thiên tai cũng đã làm hư hỏng 15.977 nhà; 115,56 km đê, kè, kênh mương, 711 công trình thủy lợi, cuốn trôi 179 cầu tạm; hư hại 151.279 ha lúa, hoa màu, 3.547 ha nuôi trồng thủy sản, 104 lồng bè; chết 75.357 con gia súc, gia cầm. Tổng thiệt hại về kinh tế do sự cố, thiên tai ước tính khoảng 8.236 tỷ đồng.
"Thống kê từ đầu năm 2023 đến ngày 10/1/2024, trên cả nước xảy ra 5.331 sự cố, thiên tai, làm chết 924 người, mất tích 205 người, bị thương 977 người; chìm, cháy, hỏng 555 phương tiện; cháy 1.740 nhà, xưởng, ki-ốt chợ, 1.346 ha rừng và thảm thực vật".
Ông Phạm Đức Luận, Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai.
"Năm 2023, Việt Nam thực hiện nhiệm vụ Chủ tịch Ủy ban ASEAN về Quản lý thiên tai với chủ đề “Từ ứng phó đến hành động sớm và tăng cường khả năng chống chịu - ASEAN tiến tới mục tiêu lãnh đạo toàn cầu trong quản lý thiên tai”. Chủ đề này nhằm nhấn mạnh định hướng mới trong quản lý thiên tai: chuyển từ ứng phó bị động sang chủ động phòng ngừa, chủ động chuẩn bị để giảm thiểu thiệt hại do thiên tai”, ông Phạm Đức Luận chia sẻ.
Tại Hội thảo, lãnh đạo Cục Quản lý Đê điều và Phòng, chống thiên tai đã giới thiệu về Tuyên bố Hạ Long về tăng cường hành động sớm trong quản lý thiên tai, các nội dung và phương hướng triển khai trong thời gian tới. Đại diện các tổ chức tham dự đã chia sẻ các bài học kinh nghiệm tốt, các khó khăn, thách thức khi triển khai các hoạt động hành động sớm tại Việt Nam.
Tuyên bố Hạ Long về tăng cường hành động sớm trong quản lý thiên tai trong khu vực ASEAN là sáng kiến của Việt Nam và đã được các nước thành viên ASEAN cùng đồng thuận thông qua tại Hội nghị Bộ trưởng ASEAN về quản lý thiên tai lần thứ 11 diễn ra tại thành phố Hạ Long, Quảng Ninh. Tuyên bố Hạ Long nhằm nhấn mạnh định hướng mới trong quản lý thiên tai, chuyển từ ứng phó bị động sang chủ động phòng ngừa, chủ động chuẩn bị để giảm thiểu thiệt hại do thiên tai thông qua "hành động sớm".
BA TRỤ CỘT TRONG PHÒNG CHỐNG THIÊN TAI
Đồng chủ trì hội thảo, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp tiếp tục nhấn mạnh lại 3 "trụ cột" đối với việc hành động sớm trong phòng, chống thiên tai.
Trụ cột thứ nhất: Thông tin, công tác dự báo, cảnh báo càng chính xác thì hành động càng sớm. Bên cạnh đó, cũng cần lan tỏa được thông tin dự báo, cảnh báo đến đúng các đối tượng cần lắng nghe.
“Làm thế nào để những thông tin cảnh báo đến được đối tượng tác động, thậm chí còn quan trọng hơn cả cảnh báo đúng, vì nếu chỉ cảnh báo đúng mà không truyền tải đến đối tượng dễ bị tổn thương thì cũng không thể giảm nhẹ thiệt hại của thiên tai”, ông Hiệp nêu vấn đề.
Trụ cột thứ hai: Công tác kế hoạch. Theo đó, kế hoạch cần được chuyên môn hóa, quy trình hóa với những thiên tai mang tính thường kỳ.
“Vừa qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành quy trình ứng phó hạn mặn. Các quy trình này cần được phổ biến với nhiều cấp độ, đến các đối tượng phù hợp”, Thứ trưởng lấy ví dụ và cho rằng cần xây dựng những kịch bản với các điểm kích hoạt phù hợp để người dân có thể chủ động ứng phó.
"Cần phải tăng cường ứng dụng khoa học-công nghệ, trong đó có công nghệ viễn thám, trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn… vào công tác phòng, chống sự cố, thiên tai, tìm kiếm cứu nạn".
Ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Trụ cột thứ ba: Kinh phí, cần có nguồn kinh phí chủ động, mặc dù hiện nay đã nằm trong phần dự trù ngân sách nhưng thường chỉ sử dụng cho khắc phục hậu quả. Do đó, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp đề xuất cần dịch chuyển nguồn ngân sách này sang hành động sớm.
Qua hội thảo này, lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng kêu gọi sự tham gia, hỗ trợ từ các quỹ, các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ để có thể hành động sớm, hành động nhanh hơn nữa trong phòng, chống thiên tai.
Ông Cao Đức Phát, Chủ tịch Hội đồng Quản lý Quỹ Cộng đồng phòng tránh thiên tai cho biết: Trong 15 năm qua được sự ủng hộ, đồng hành nhiệt tình của các nhà hảo tâm, các doanh nghiệp trong và ngoài nước, sự giúp đỡ phối hợp của chính quyền và đoàn thể xã hội các cấp,…
Đến nay, Quỹ Cộng đồng phòng tránh thiên tai đã huy động được hơn 610 tỷ đồng (khoảng gần 30 triệu USD) để tài trợ xây dựng hơn 2000 công trình và nhiều hoạt động từ thiện hỗ trợ các cộng đồng và người dân phòng chống thiên tai.
"Quỹ chúng tôi đã kết nối sức mạnh của cộng đồng, thực hiện nhiều dự án giúp người dân nâng cao năng lực chủ động phòng tránh thiên tai, giảm nhẹ và khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra, phục vụ an sinh xã hội và tiến hành một số hoạt động nhân đạo từ thiện khác", ông Cao Đức Phát khẳng định.
Trước đó, ngày 24/1/2024, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã chủ trì Hội nghị tổng kết công tác phòng, chống sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2023, triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2024.
Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, đơn vị tập trung rà soát những vướng mắc về thể chế liên quan đến chức năng, nhiệm vụ được giao trong công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, tìm kiếm cứu nạn để kịp thời sửa đổi cho phù hợp yêu cầu thực tiễn. Các bộ, ngành, địa phương phải giữ nguyên tắc phòng hơn chống, muốn vậy phải cung cấp thông tin, hướng dẫn kịp thời cho người dân, kể cả bằng tin nhắn điện thoại, để người dân tự bảo vệ được chính mình và từng bước xây dựng ý thức cùng tham gia công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.
Đồng thời, phải thường xuyên tiến hành kiểm tra, giám sát ở cơ sở; quan tâm đào tạo kỹ năng cơ bản cho các lực lượng chức năng ở cấp cơ sở; phối hợp tốt cả trong diễn tập, trong phòng, chống thiên tai và cứu nạn. Công tác diễn tập phải bảo đảm sát với thực tiễn, tiết kiệm, tránh phô trương, hình thức.
Các bộ, ngành cần tăng cường hợp tác quốc tế để học hỏi kinh nghiệm, huy động nguồn lực bên ngoài; tăng cường áp dụng khoa học, công nghệ để nâng cao hiệu quả công tác phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai, tìm kiếm cứu nạn. Các cơ quan, đơn vị phải quản lý, phân bổ, sử dụng trang thiết bị một cách hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả, đồng thời chủ động đề xuất việc mua sắm những trang thiết bị cần thiết.