September 25, 2023 | 16:26 GMT+7

Đồng bào dân tộc miền núi “mỏi mắt “ chờ tiêu thụ sản phẩm

Song Hà -

Phát triển thị trường cho sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi cần có sự vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa từ các cấp, các ngành, các địa phương cũng như doanh nghiệp để hàng hóa có cơ hội tham gia vào chuỗi cung ứng tại thị trường trong và ngoài nước...

Đồng bào dân tộc miền núi có rất nhiều sản phẩm tiềm năng.
Đồng bào dân tộc miền núi có rất nhiều sản phẩm tiềm năng.

Tại tọa đàm “Phát triển thị trường sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi”, bà Lê Việt Nga, Phó vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), cho biết việc thực hiện các chương trình, chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi thời gian qua đã đáp ứng phần lớn nhu cầu cho sản xuất, góp phần quan trọng vào hình thành các vùng sản xuất hàng hoá tập trung. Nhiều mô hình sản xuất hiệu quả cao, nhiều thương hiệu đặc sản của bà con dân tộc thiểu số và miền núi đã được hình thành.

ĐẦU RA CÒN QUÁ NHIỀU VƯỚNG MẮC

Các hoạt động hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã góp phần hình thành chuỗi cung ứng, kích thích sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế vào phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Tuy nhiên, với những tiềm năng rất lớn của sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, việc kết nối, phát triển thị trường thời gian qua mới chỉ đáp ứng được phần nào.

Những khó khăn trong tiêu thụ các sản phẩm địa phương, sản phẩm miền núi được bà Lê Việt Nga chỉ ra vẫn còn những dân tộc chưa thành thạo việc thương mại hóa các đặc sản của mình. Họ gặp khó khăn trong tiếp cận với những kiến thức xây dựng tiêu chuẩn, các mẫu mã bao bì cũng như cách thức để kết nối.

Thậm chí, họ khó khăn về vấn đề ngôn ngữ khi nhiều đồng bào dân tộc thiểu số nói tiếng Kinh chưa thạo. Tuy rằng Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số được ban hành năm 2021 nhưng lại vào đúng thời điểm của dịch Covid-19 nên sức mua của thị trường còn đang yếu.

Bên cạnh đó, hạ tầng thương mại tuy đã có những cơ chế, chính sách mới nhưng vẫn chưa theo kịp, đáp ứng kịp với nhu cầu để thúc đẩy, kết nối vùng đồng bào dân tộc thiểu số hiện đang sinh sống để thông suốt với các thị trường lớn của Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh hay của các tỉnh, thành phố lớn khác.

Trong khi đó, những mô hình tổ chức hỗ trợ cho đồng bào dân tộc thiểu số về bán hàng trong các kênh phân phối hiện đại như Sài Gòn Co.op hay BigC… mới chỉ là chương trình đóng góp cho cộng đồng, chứ chưa trở thành những hoạt động thường xuyên hàng tháng, hàng năm để hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số có không gian, trình diễn văn hóa và giới thiệu tới người tiêu dùng những sản phẩm của bà con dân tộc thiểu số.

Ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Lạng Sơn, chia sẻ quá trình đưa sản phẩm của đồng bào dân tộc thiểu số ra thị trường gặp rất nhiều khó khăn. Do sản phẩm nông nghiệp mang tính chất thời vụ, nên việc cung cấp thường xuyên cũng bị hạn chế.

Hơn nữa, một số loại sản phẩm số lượng chưa lớn, chưa đáp ứng được nhu cầu của các thị trường lớn ở trong nước cũng như thị trường quốc tế. Đặc biệt, các cơ sở sản xuất, chế biến chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Vì thế công nghệ chế biến, sản xuất vẫn còn hạn chế, dẫn tới việc chất lượng sản phẩm làm ra có những lúc chưa được ổn định.

Một khó khăn lớn nữa là nhận thức của người tiêu dùng, đôi khi một bộ phận người tiêu dùng chưa quan tâm đến chất lượng của sản phẩm. Họ mua bán theo tính chất truyền thống, chưa quan tâm đến thương hiệu, nhãn mác cũng như độ ổn định của sản phẩm cũng gây khó khăn cho việc đưa sản phẩm vào thị trường.

Dưới góc độ nhà bán lẻ, ông Trần Hoàng, Giám đốc Siêu thị Co.opmart Victoria Hà Nội, cũng đồng tình cho biết Co.opmart đang gặp phải hai vấn đề khá lớn khi đưa những sản phẩm đặc sản vùng, miền vào hệ thống bán lẻ.

Thứ nhất, vấn đề về nguồn hàng và sản lượng. Nhu cầu của thị trường hiện nay đối với các sản phẩm đặc sản vùng miền và các sản phẩm nông sản an toàn rất cao. Mỗi khi mà có nhu cầu tăng thêm thì lượng hàng cung ứng thường bị đứt gãy hoặc gián đoạn do nhà sản xuất cơ bản là nhỏ lẻ.

Thứ hai, vấn đề vận chuyển. Sản phẩm ở vùng sâu vùng xa, miền núi nên quá trình vận chuyển hàng hóa về những điểm giao hàng, điểm bán hàng của hệ thống khá khó khăn. Cung đường vận chuyển dài, trong khi các sản phẩm nông nghiệp lại đòi hỏi điều kiện bảo quản tốt. Đơn cử như các loại rau, quả… chín rất nhanh, quá trình vận chuyển dài, khi đến điểm bán đã có nhiều sản phẩm bị hỏng, chất lượng không còn tươi ngon.

CẦN HÌNH THÀNH CHUỖI CUNG ỨNG BỀN VỮNG

“Những sản phẩm hàng hóa của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có nhiều lợi thế, tiềm năng, giàu giá trị truyền thống và đậm đà bản sắc dân tộc. Trong xu hướng tiêu dùng xanh, tiêu dùng bền vững đang được cả thế giới hết sức quan tâm, sản phẩm của bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đang rất sẵn có những lợi thế này”, bà Nga chỉ rõ.

Do đó theo bà Nga, phát triển thị trường cho sản phẩm hàng hóa của đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi cần có sự vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa từ các cấp, các ngành, các địa phương cũng như các doanh nghiệp, để các sản phẩm của đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có thêm cơ hội tham gia vào chuỗi cung ứng tại thị trường trong và ngoài nước.

Hiện nay tại Việt Nam, nhất là vùng đồng bào dân thộc thiểu số, vẫn còn rất nhiều sản phẩm xanh và sạch, chứa đựng những bí quyết sản xuất, chế biến có tuổi đời hàng trăm năm chưa được khai thác ở quy mô sản xuất hàng hóa và phát triển thị trường.

Vì vậy, thời gian tới rất cần sự hiệp lực của các cơ quan quản lý Trung ương và địa phương, các hiệp hội, doanh nghiệp cùng các nhà sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, để từ đó hình thành chuỗi cung ứng bền vững cho các sản phẩm hết sức đặc trưng và đặc biệt này.

“Cần nhiều giải pháp tổng lực hơn nữa để cải thiện những hạn chế và có những chính sách đột phá để thu hút được doanh nghiệp tham gia vào hỗ trợ cho các hộ nông dân, hộ sản xuất của các vùng đồng bào dân tộc thiểu số”, bà Nga nhấn mạnh.

Mặt khác, hoạt động truyền thông cũng cần phải đẩy mạnh hơn. Hơn 14 triệu đồng bào dân tộc thiểu số cũng cần được tập huấn nhiều hơn để nắm được cách phân phối hàng hóa trên thị trường, cách tổ chức ra những mạng lưới phân phối hàng hóa và cách chuyển những sản phẩm, hàng hóa của mình trở thành những hàng hóa đặc trưng trên thị trường, hấp dẫn người tiêu dùng.

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 39-2023 phát hành ngày 25-09-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Đồng bào dân tộc miền núi “mỏi mắt “ chờ tiêu thụ sản phẩm  - Ảnh 1
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate