Tại hội thảo “Tuyên truyền, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm đặc trưng, đặc sản khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo trên sàn thương mại điện tử năm 2023”, ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), cho biết sản phẩm địa phương của Việt Nam rất có tiềm năng.
ĐẦU RA THIẾU ỔN ĐỊNH
Hơn 10 nghìn sản phẩm OCOP được chứng nhận từ 3 sao trở lên hiện nay thì có quá một nửa nằm ở những vùng miền núi, vùng sâu vùng xa. Bởi ở đó, những điều kiện đặc thù về sinh thái, tự nhiên đáp ứng được yêu cầu của sản phẩm đặc sản.
Tuy nhiên, đầu ra cho các sản phẩm này vẫn còn khó khăn. Bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho rằng có rất nhiều mặt hàng nông sản, đặc sản của các địa phương trên cả nước được mùa. Nhiều loại sản phẩm có sản lượng lớn, thời gian thu hoạch ngắn dẫn đến tình trạng cung vượt cầu trong ngắn hạn.
Hơn nữa, ở nhiều địa phương trên cả nước, nhất là các địa bàn vùng sâu, vùng xa, miền núi hải đảo, việc tiêu thụ sản phẩm hàng hóa của bà con nhân dân còn gặp nhiều khó khăn do địa bàn chia cắt, giao thông gặp nhiều khó khăn.
Quy mô sản xuất nhỏ lẻ, không theo quy hoạch, sản lượng hàng hóa thấp, chất lượng mẫu mã không đảm bảo cũng là những yếu tố bất lợi ảnh hưởng đến việc kết nối, tiêu thụ sản phẩm hàng hóa cho bà con nông dân.
Phản ánh của nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã cũng cho thấy, việc tiêu thụ sản phẩm địa phương còn gặp nhiều gian nan. Đầu ra thiếu ổn định, việc tiếp cận với các thị trường còn hạn chế. Giá cả liên tục trồi sụt, phụ thuộc nhiều vào các thương lái. Việc phát triển thương hiệu, tìm kiếm các nhà phân phối để quảng bá sản phẩm cũng không dễ dàng.
Thương mại điện tử là xu thế tất yếu, là kênh quảng bá sản phẩm, kéo các khách hàng về với vùng miền. Thời gian qua, đã có nhiều hoạt động phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương với những nền tảng thương mại điện tử lớn như Sendo, Voso, Tiki… đã hỗ trợ hàng nghìn lượt nông dân, hợp tác xã tiếp cận phương thức phân phối hàng hóa trên thương mại điện tử.
Đã có hàng loạt sản phẩm đặc trưng, đặc sản khu vực miền núi như vải thiều Lục Ngạn, cam Cao Phong, chè Shan Tuyết, mật tam hoa Bắc Hà, mật ong bạc hà Hà Giang… được đẩy mạnh tiêu thụ qua kênh thương mại điện tử.
Dù vậy, không ít các hợp tác xã, hộ kinh doanh gặp không ít trở ngại do hạn chế về công nghệ, khả năng tiếp cận, cách thức quảng cáo, chào hàng, quy trình chụp ảnh, đưa ảnh sản phẩm lên gian hàng trên các sàn thương mại…
Không chỉ vậy, ban đầu số lượng các đơn đặt hàng ít nên gặp khó khăn trong vận chuyển, nhất là những sản phẩm hoa quả tươi.
ĐỊA PHƯƠNG CẦN CÓ LỘ TRÌNH PHÁT TRIỂN THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ
Theo bà Nga, để đẩy mạnh tiêu thụ các sản phẩm địa phương qua các sàn thương mại điện tử, cần có các giải pháp đồng bộ. Trước hết, cần định hướng cho bà con nông dân đưa vào sản xuất các sản phẩm đặc sản, có thế mạnh của địa phương. Tiếp tục ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật mới và kinh nghiệm trong sản xuất nhằm tăng năng suất, chất lượng, mẫu mã sản phẩm. Chủ động, sáng tạo trong chế biến, đóng gói nhằm đa dạng hóa sản phẩm hàng hóa và khắc phục yếu tố mùa vụ.
Đặc biệt, cần có sự vào cuộc của nhiều bên để hỗ trợ hoạt động thương mại điện tử. Như các sàn thương mại điện tử hỗ trợ bà con, huấn luyện cách mở gian hàng, cách livestream sản phẩm, cách viết nội dung về sản phẩm.
Về lâu dài, Sở Công Thương các địa phương cần có lộ trình hoạt động đào tạo, phát triển thương mại điện tử phù hợp nhằm trợ giúp bà con trong một thời gian dài liên tục để nâng cao trình độ thương mại điện tử.
Ở góc độ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ông Thịnh cho rằng nhiều địa phương đã thành công trong ứng dụng thương mại điện tử. Chè Phình Hồ (Hà Giang) là ví dụ thành công điển hình nổi tiếng ở Anh, châu Âu trong khi đây là vùng sâu vùng xa hơn 90% là đồng bào người Dao. Hay vải thiều Bắc Giang xuất khẩu thành công nhờ thương mại điện tử… càng khẳng định thương mại điện tử đóng vai trò quan trọng trong bối cảnh phương tiện đi lại vùng sâu vùng xa còn khó khăn.
EU, Mỹ là những thị trường tiềm năng cho xuất khẩu xuyên biên giới, nhưng cũng đang đặt ra nhiều tiêu chuẩn khắt khe với sản phẩm nhập khẩu. Do đó, ông Thịnh nhấn mạnh, chất lượng là yêu cầu số 1. Ngoài việc công bố tiêu chuẩn sản xuất hiện nay phù hợp với thương mại quốc tế, các sản phẩm vùng miền cần đẩy mạnh quản trị quy trình sản xuất, kết hợp chất lượng sản phẩm truyền thống vừa đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Ngay trong Luật trồng trọt cũng quy định mã vùng trồng, đây là vấn đề quan trọng. Dù muộn nhưng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vẫn đang đề nghị Chính phủ xây dựng Nghị định hướng dẫn. Mã số vùng trồng không chỉ mục tiêu là truy xuất nguồn gốc sản phẩm mà để quản trị, quản lý sản xuất theo hướng bền vững, an toàn. Đồng thời xây dựng các chương trình truy xuất nguồn gốc, trong đó đặc biệt quan tâm tới truy xuất nguồn áp dụng điện tử giúp kiểm soát chất lượng tốt hơn.
Mới đây, Bộ chuẩn bị trình chính phủ đề án trong đó phát triển hệ thống logistics về nông sản, tư vấn cho nông dân sản xuất các sản phẩm tốt hơn, giúp nông dân kết nối được với thị trường bên ngoài.