November 21, 2023 | 11:16 GMT+7

Đóng cửa rừng tự nhiên đến năm 2030, kinh tế lâm nghiệp trông hoàn toàn vào rừng trồng

Chu Khôi -

Trong những năm qua, nguồn lực huy động xã hội hóa đóng vai trò quan trọng cho các hoạt động trồng và bảo vệ rừng. Từ năm 2021 đến nay, nguồn vốn từ ngân sách nhà nước hỗ trợ trồng rừng chiếm khoảng 17,4%; còn lại 82,6% là nguồn vốn xã hội hóa, huy động đầu tư, đóng góp, hỗ trợ từ các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân…

Người dân, doanh nghiệp phát triển trồng rừng.
Người dân, doanh nghiệp phát triển trồng rừng.

Chủ trì tọa đàm "Xã hội hóa trồng rừng và Phát triển giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng" vào chiều tối 20/11/2023, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan nhấn mạnh: "Để bảo vệ, phát triển rừng cần có một tư duy mới về rừng, quan trọng là phải tạo được việc làm, sinh kế cho người dân dưới tán rừng".

82,6% VỐN TRỒNG RỪNG TỪ NGUỒN XÃ HỘI HÓA

Ông Trần Quang Bảo - Cục trưởng Cục Lâm nghiệp cho biết Nhà nước đóng cửa rừng tự nhiên ít nhất đến năm 2030, nên rừng đặc dụng, phòng hộ (hơn 10 triệu ha) phải giữ nguyên. Do đó, chỉ còn gần 4,6 triệu ha rừng trồng có thể khai thác, sản xuất phục vụ kinh tế lâm nghiệp.

Phát triển rừng trồng, chủ trương xã hội hóa của nhà nước đã khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia phát triển rừng như: vốn vay hỗ trợ lãi suất, phát triển hợp tác, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; đa dạng hoá nguồn lực đến từ nguồn quỹ quốc tế và trong nước. Xã hội hoá trồng rừng ngày càng được người dân và các doanh nghiệp, tổ chức quan tâm, hưởng ứng, góp phần thực hiện các chỉ tiêu trồng rừng và phát triển kinh tế lâm nghiệp.

Giai đoạn 2021 đến nay, nguồn vốn từ ngân sách nhà nước hỗ trợ trồng rừng chiếm khoảng 17,4%, tương ứng với 121.000 ha; còn lại 82,6% là nguồn vốn xã hội hóa, huy động đầu tư, đóng góp, hỗ trợ từ các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân, tương ứng với 575.000 ha.

Các đại biểu tham gia buổi tọa đàm.
Các đại biểu tham gia buổi tọa đàm.

"Những nỗ lực của cả xã hội đã góp phần nâng tỷ lệ che phủ rừng từ 40,84% năm 2015 lên 42,02% vào năm 2022; duy trì, phát triển hơn 14,7 triệu ha rừng; trong đó có 4,6 triệu ha rừng trồng. Nhờ đó đã tạo ra nguồn nguyên liệu ổn định cho ngành công nghiệp chế biến, xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao thu nhập, cải thiện sinh kế cho những người làm nghề rừng, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu", ông Trần Quang Bảo thông tin.

 

"Từ 2021 đến nay, cả nước trồng khoảng 696.000 ha rừng trồng tập trung, khoảng 277 triệu cây phân tán. Riêng 10 tháng năm 2023 trồng 198.000 ha rừng trồng tập trung  và 71 triệu cây phân tán. Bên cạnh đó, diện tích rừng trồng sản xuất kinh doanh gỗ lớn là 445.480 ha; chuyển hóa rừng trồng sản xuất kinh doanh gỗ lớn là 63.341 ha; diện tích rừng đã được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững là 449.240 ha".

Ông Trần Quang Bảo - Cục trưởng Cục Lâm nghiệp.

Ông Trần Nho Đạt, Phó trưởng phòng Phòng Quản lý rừng Đặc dụng, phòng hộ (Cục Lâm nghiệp) cho biết nhờ quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, đặc biệt là trồng rừng, đến nay Việt Nam đã tự chủ được trên 70% nguồn nguyên liệu gỗ phục vụ sản xuất chế biến. Hàng năm, rừng Việt Nam cung cấp khoảng 31 triệu m3 gỗ, góp phần vào gần 17 tỷ USD xuất khẩu gỗ và lâm sản năm 2022.

Đáng chú ý, hiện nay tổng diện tích rừng đã được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững là 449.240 ha (rừng tự nhiên 38.565 ha; rừng trồng 410.675 ha tại 32 tỉnh, thành phố. Đến nay, có 20 công ty, doanh nghiệp, 2 hợp tác xã, 8 nhóm hộ theo hình thức hợp tác với doanh nghiệp được cấp chứng chỉ rừng theo Hệ thống chứng chỉ rừng quốc gia (VFCS/PEFC); 43 công ty, doanh nghiệp, 31 nhóm hộ, 2 hợp tác xã được cấp chứng chỉ rừng FSC 295.659 ha, chiếm 65,8% tổng diện tích rừng được cấp chứng chỉ.

Trong giai đoạn 2012-2022, trung bình mỗi năm thu tiền dịch vụ môi trường rừng được 1.300 tỷ đồng. Đặc biệt, rừng Việt Nam có nhiều tiềm năng về giảm phát thải khí nhà kính, riêng tín chỉ carbon rừng ở khu vực Bắc Trung Bộ hiện đã thu được 51,5 triệu USD, Tây Nguyên đang đàm phán về tín chỉ carbon.

“Tuy nhiên, thách thức trong xã hội hóa trồng rừng là: hạn chế về đất đai và cơ sở hạ tầng; cơ chế và chính sách chưa đủ mạnh bởi khó tiếp cận được nguồn vốn vay, chưa có bảo hiểm rừng trồng, mức hỗ trợ bảo vệ và phát triển rừng thấp; rủi ro với chu kỳ kinh doanh dài, thiên tai… hay việc đáp ứng các yêu cầu của tiêu chuẩn quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng còn hạn chế…”, ông Đạt nêu rõ.

Hiện Cục Lâm nghiệp, được giao xây dựng Đề án Phát triển giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Dự kiến trong tháng 11/2023, Bộ sẽ hoàn thiện và trình Chính phủ.

"Chúng tôi ưu tiên các hoạt động bảo tồn đa dạng sinh học các hệ sinh thái rừng, phục hồi, nâng cao chất lượng rừng. Song song với đó, là phát triển bền vững lâm sản ngoài gỗ, dược liệu gắn với văn hóa truyền thống của cộng đồng, người dân địa phương", ông Đạt nói.

TƯ DUY MỚI VỀ RỪNG

Chia sẻ tại tọa đàm, bà Phạm Thu Thủy, đại diện Trung tâm Nghiên cứu Lâm nghiệp quốc tế (CIFOR) cho biết qua khảo sát từ gần 100 quốc gia trên thế giới, trong đó có các quốc gia phát triển mạnh về lâm nghiệp như Phần Lan, xã hội hóa trồng rừng đang là lựa chọn được nhiều nước ưu tiên.

“Kinh nghiệm của các quốc gia phát triển mạnh về trồng rừng là tài chính hóa các cơ chế chính sách liên quan về rừng. Chẳng hạn, họ xây dựng thị trường tín chỉ đa dạng sinh học, hoặc coi các khu rừng như cổ phiếu và mua bán trên sàn chứng khoán. Để tạo dựng được thị trường này, các nước xây dựng một loạt quỹ đầu tư, quỹ bảo tồn, đồng thời đánh thuế hệ sinh thái rừng, bảo hiểm và thị trường tín chỉ cảnh quan. Bất cứ chủ thể nào muốn khai thác các giá trị từ rừng đều phải thông qua hệ thống này”, bà Thủy nói.

Tuy vậy, ông Hà Đăng Chỉnh, Trưởng phòng nguyên liệu gỗ Công ty CP Woodsland thừa nhận, bản thân doanh nghiệp rất khó thuyết phục người dân giữ rừng gỗ lớn. Bởi thông thường, người dân chọn thời điểm khai thác dựa trên giá thị trường. Việc người trồng rừng chủ yếu là nhỏ lẻ, manh mún khiến tâm lý khai thác tự phát còn là vấn đề nan giải.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, cho rằng rừng là một hệ sinh thái thống nhất. Để bảo vệ, phát triển rừng cần có một tư duy mới về rừng, quan trọng là phải tạo được việc làm, sinh kế cho người dân dưới tán rừng. Rừng không chỉ là giá trị kinh tế, mà còn là ý nghĩa đa giá trị: bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, hệ sinh thái, tín ngưỡng của đồng bào dân tộc.

 
 
Đóng cửa rừng tự nhiên đến năm 2030, kinh tế lâm nghiệp trông hoàn toàn vào rừng trồng - Ảnh 1
Ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

"Cần có một tư duy mới về rừng trong bối cảnh phải cân đối giữa sứ mệnh giữ rừng và tạo ra giá trị từ rừng. Quan điểm thuê người dân giữ rừng cần chuyển đổi sang làm thế nào để tạo ra được nhiều việc làm, nhiều sinh kế dưới tán rừng thì mới bền vững, hiệu quả và đó là lý do vì sao định nghĩa rừng đa dụng ra đời. 

Mở cửa rừng là mở một tư duy mới về rừng và tạo ra không gian giá trị nhiều hơn cho rừng. Rừng không chỉ là kinh tế, giá trị môi trường mà còn giá trị về cộng đồng, giá trị về văn hóa, tín ngưỡng ngàn đời của bà con. Khi bà con hiểu được rằng, tán rừng mất đi là giá trị dưới tán rừng cũng mất đi thì ai cũng tự giác giữ rừng".

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng các doanh nghiệp cần có thêm sự thay đổi, thay vì quan hệ mua - bán với người trồng rừng, có lẽ cần ngồi lại với nhau để xem đó là sự đầu tư, hợp tác với người dân. Cụ thể, các doanh nghiệp có thể phối hợp với người dân, tạo nên một chuỗi liên kết, hình thành các hợp tác xã, tạo ra sự ưu tiên cho những cộng đồng, tạo ra không gian để bà con có thể giữ rừng một cách tự nguyện và hiệu quả.

"Đối với doanh nghiệp sản xuất, chế biến đồ gỗ và lâm sản cần chuyển từ tư duy mua bán sang tư duy hợp tác với bà con, những người trồng rừng, bảo vệ rừng, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số. Đây là cơ sở để phát huy giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng, bảo vệ và phát triển rừng bền vững", Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate