November 20, 2024 | 08:13 GMT+7

Động lực cho sản xuất xanh

Lưu Hà -

Đổi mới sáng tạo là yêu cầu khách quan, lựa chọn chiến lược và ưu tiên hàng đầu của Việt Nam để phát triển nhanh, bền vững, chuyển đổi nền kinh tế từ “nâu” sang “xanh” để đạt mục tiêu Net Zero vào năm 2050...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Theo báo cáo của McKinsey, doanh thu tạo ra từ các sản phẩm phát thải ròng bằng 0 có thể đạt đến 12.000 tỷ USD mỗi năm từ năm 2030. Trong xu hướng chung, nhiều quốc gia đưa ra cam kết phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, trong đó có Việt Nam. Cũng theo McKinsey, để theo đuổi mục tiêu này, doanh nghiệp và các quốc gia cần khoản đầu tư đến 9.200 tỷ USD mỗi năm cho đến năm 2050. Trong đó, 6.500 tỷ USD hàng năm là đầu tư cho các tài sản phát thải thấp và cơ sở hạ tầng hỗ trợ.

TẠO RA LỢI THẾ CẠNH TRANH

Theo công bố mới nhất của Yahoo Finance, Apple là doanh nghiệp dẫn đầu trong bảng xếp hạng thân thiện môi trường 2024 với 274,9 tỷ USD doanh thu tạo ra dựa trên phát triển bền vững, chiếm gần 70% tổng doanh thu. Tính bền vững đang dần trở thành yếu tố bắt buộc trong các chuỗi cung ứng quốc tế, thay vì chỉ là một giá trị gia tăng cho thương hiệu. Ikea đã cam kết chỉ sử dụng gỗ từ các khu rừng được quản lý bền vững. Tương tự, Lego đã cam kết sử dụng 100% năng lượng tái tạo trong các hoạt động, điều này không chỉ giúp thương hiệu tránh được những quy định khắt khe mà còn tạo ra lợi thế cạnh tranh.

Đây là bài học quan trọng cho các doanh nghiệp Việt Nam để vừa đáp ứng yêu cầu quốc tế, vừa tăng cường vị thế trên thị trường toàn cầu. Tại hội nghị “Hà Nội và các tỉnh khu vực phía Bắc - Xúc tiến đầu tư chuyển đổi sản xuất xanh, phát triển bền vững trong nền kinh tế số” vừa qua, ông Trương Văn Cẩm, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), cho biết nhiều doanh nghiệp hiện đã chuyển đổi từ việc sử dụng than, dầu sang các nguồn năng lượng thân thiện hơn như điện và biomas... cũng như sử dụng các nguyên liệu thân thiện môi trường như tơ tằm, đay, gai, chuối, dứa, tre. Xu hướng này vừa đáp ứng yêu cầu thị trường vừa giúp phát huy giá trị bản địa của ngành dệt may.

Bà Nguyễn Thị Minh Hải, Trưởng ban Phát triển bền vững Công ty Cổ phần - Tổng công ty may Bắc Giang (LGG), cho biết xu hướng “xanh hóa” đang trở nên tất yếu đối với tất cả các khâu cũng như các doanh nghiệp khi tham gia vào chuỗi cung ứng dệt may. Chính vì vậy, ngay từ khi xây dựng nhà máy cũng như dự án mới, LGG đã tập trung xây dựng hệ thống năng lượng mặt trời, sử dụng nguồn năng lượng tái tạo. Bên cạnh đó, LGG cũng chuyển từ sử dụng lò hơi đốt than sang sử dụng lò hơi đốt nhiên liệu sạch biomass..., đồng thời đầu tư cho hệ thống xử lý nước thải của nhà máy để có thể tái sử dụng cho việc trồng cây hoặc nuôi cá.

Trong xu hướng chung, nhiều quốc gia đưa ra cam kết phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, trong đó có Việt Nam.
Trong xu hướng chung, nhiều quốc gia đưa ra cam kết phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, trong đó có Việt Nam.

Công ty TNHH Dệt may Trung Quy cho biết hiện nguyên liệu thân thiện tại doanh nghiệp này chiếm 50% sản xuất, với mục tiêu đạt 70% vào cuối năm 2025. Số liệu nội bộ của công ty cho thấy 9 tháng đầu năm 2024, doanh thu từ sản phẩm xanh tăng 30%, giúp tránh tăng trưởng âm khi mặt hàng truyền thống giảm 20%.

Công ty Canifa cũng cho biết sản phẩm có nguồn gốc tự nhiên của nhãn hàng chiếm đến gần 70% và doanh số bán hàng 9 tháng đầu năm 2024 của nhóm này tăng 30% so với cùng kỳ năm 2023. Với bông Mỹ, len Australia, sợi tre và cà phê, họ nhắm đến khách hàng yêu cầu bền vững và đầu tư vào sản xuất xanh để nâng giá trị thương hiệu.

Tương tự, Acecook Việt Nam đã lắp đặt hệ thống pin năng lượng mặt trời áp mái trên tòa nhà văn phòng công ty và nhà máy tại TP.HCM. Mới đây, để thực hiện trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR), doanh nghiệp đã ký kết hợp tác với một đơn vị thứ ba có uy tín để thực hiện thu gom, tái chế bao bì giấy. Tân Hiệp Phát hay Trung Nguyên áp dụng blockchain theo dõi quá trình sản xuất, truy xuất nguồn gốc sản phẩm góp phần đưa thương hiệu Việt vươn ra thế giới, còn VISSAN đã đặt ra một mục tiêu đầy tham vọng là hướng tới Net Zero, tức phát thải ròng bằng 0...

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 47-2024 phát hành ngày 18/11/2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam 

Động lực cho sản xuất xanh - Ảnh 1
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate