July 16, 2024 | 14:39 GMT+7

Động lực nào cho cổ phiếu ngành dược?

Thu Minh -

Cổ phiếu ngành dược bất ngờ bật tăng mạnh trong phiên giao dịch hôm nay với hàng loạt mã nảy hết biên độ như DBT, DP1, VMD, DHG, IMP, DHT, DBD trong khi các mã khác như CDP cũng tăng mạnh 8,8%; TRA tăng 5%; DMC tăng 4,6%...

Hầu hết cổ phiếu nhóm dược đều nằm trong nhóm vốn hóa vừa và nhỏ, nên sự luân chuyển liên tục của dòng tiền là được giải thích là lý do chính khiến nhóm này trỗi dậy trong phiên giao dịch hôm nay. 

Tuy nhiên, theo đánh giá của Công ty chứng khoán Rồng Việt, trong trung và dài hạn, nhóm dược tiềm năng tăng trưởng khá nhờ triển vọng tiêu thụ thuốc ở Việt Nam. 

Cụ thể, theo IQVIA, tổng chi tiêu dành cho dược phẩm toàn cầu được dự báo tăng trưởng kép từ 3 – 6% trong giai đoạn từ 2023 – 2027, ước tính sẽ đạt 1,9 nghìn tỷ USD vào năm 2027. Sau giai đoạn biến động mạnh do đại dịch gây ra từ năm 2020 – 2022, tốc độ tăng trưởng nhìn chung sẽ chững lại và quay trở lại quỹ đạo ổn định kể từ năm 2024. Tuy nhiên, các khu vực trên thế giới đang phát triển theo các xu hướng khác nhau.

Tại quốc gia đã phát triển như Mỹ, quy mô thị trường tại đây gần như đi ngang với dự báo tăng trưởng kép chỉ từ -1% - 2%, do tác động của việc hết hạn bằng sáng chế dẫn đến sự cạnh tranh giữa thuốc biệt dược gốc và thuốc tương đương sinh học.

Trong khi đó, các quốc gia tại khu vực đang phát triển như Nam Mỹ, Châu Á – Thái Bình Dương không bao gồm Trung Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ, Trung Đông được kỳ vọng tăng trưởng nhanh, bởi xu hướng già hóa dân số và sự chuyển đổi sang các sản phẩm thuốc đắt tiền khi thu nhập tăng lên.

Trong bối cảnh chung của khu vực, hai yếu tố chính giúp ngành dược Việt Nam duy trì tăng trưởng kép 8% trong dài hạn gồm: Thứ nhất, xu hướng nhân khẩu học tạo điều kiện thuận lợi cho ngành dược phẩm trong dài hạn.

Đối với người cao tuổi, các vấn đề về sức khỏe sẽ xuất hiện nhiều và nhu cầu sử dụng các sản phẩm thuốc sẽ cao hơn đối với người ở độ tuổi lao động. Đối với các quốc gia đã phát triển, chi tiêu dành cho dược phẩm ở Mỹ chiếm tỷ trọng 18% GDP và khoảng 10% GDP ở khu vực Châu Âu.

Theo Tổng cục thống kê, số người trên 60 tuổi khoảng 13 triệu người tương đương với 13,17% tổng dân số Việt Nam vào năm 2022. Con số này được dự báo sẽ tăng lên 29,22 triệu người, chiếm 25,35% tổng dân số Việt Nam vào năm 2050.

Thứ hai, người dân đang chi tiêu nhiều hơn dành cho dược phẩm nhờ thu nhập bình quân tăng lên. Fitch Solutions dự báo chi tiêu bình quân đầu người dành cho dược phẩm có xu hướng tăng lên từ mức 1,46 triệu đồng của năm 2021 lên 2,12 triệu đồng vào năm 2026F, tương đương với mức tăng trưởng kép +7,8% trong vòng 5 năm tới, chiếm tỷ trọng trung bình 5% thu nhập bình quân đầu người mỗi năm.

Động lực nào cho cổ phiếu ngành dược? - Ảnh 1

Trong môi trường chính sách thuận lợi, VDSC cho rằng kênh ETC sẽ tiếp tục là động lực tăng trưởng chính của ngành dược trong năm 2024.

Mặc dù giá trị trúng thầu trong hai tháng đầu năm chỉ đạt 17 nghìn tỷ đồng giảm 14% so với cùng kỳ do mức nền cao của cùng kỳ, tuy nhiên sự sụt giảm chủ yếu đến từ thuốc biệt dược gốc với giá trị là 1.540 tỷ đồng giảm 83%, vốn là nhóm thuốc được nhập khẩu từ nước ngoài.

Dựa vào chính sách ưu tiên sử dụng thuốc generic thay vì biệt dược gốc nhằm giảm giá thành, giảm gánh nặng kinh tế cho quỹ Bảo hiểm y tế, giá trị trúng thầu tại các nhóm từ 2 – 4 đạt 8 nghìn tỷ đồng tăng 50% với tỷ trọng thuốc nội địa lên tới 87% tăng 5pps. Đây được xem như chỉ báo sớm về xu hướng tăng trưởng của các công ty dược nội địa.

Mặt khác, kênh OTC dự kiến sẽ tăng trưởng ổn định tương đương với mức tăng trưởng chung của ngành khoảng 7-8% nhờ hệ thống phân phối rộng lớn của các chuỗi cửa hàng thuốc bán lẻ và hơn 62.000 nhà thuốc truyền thống thói quen mua thuốc tại các cửa hàng bán lẻ thay vì đến bệnh viện của phần đông người dân.

Các cổ phiếu được VDSC đánh giá tốt trong trung và dài hạn như IMP, DBD.

Trong diễn biến liên quan, ngày 15/7, Bidiphar (DBD) thông báo về việc ký kết biên bản ghi nhớ (MOU) với Crearene AG, công ty có trụ sở tại Frauenfeld, Thụy Sĩ, để phát triển các giải pháp điều trị bằng creatine cho bệnh nhân chạy thận. Mục tiêu của hợp tác này là tiến tới ký hợp đồng chuyển giao bản quyền, mang lại những bước tiến mới trong việc chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân chạy thận.

Theo bà Phạm Thị Thanh Hương, Tổng Giám đốc của Bidiphar, việc nâng cao chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân chạy thận luôn là mục tiêu hàng đầu của Bidiphar. Thông qua sự hợp tác với Crearene AG, Bidiphar mong muốn mang lại những cải tiến đột phá trong điều trị chạy thận. Nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng bệnh nhân chạy thận thường thiếu hụt creatine, dẫn đến mệt mỏi và yếu cơ. Bằng cách bổ sung creatine vào quá trình điều trị, Bidiphar hy vọng sẽ cải thiện đáng kể chất lượng cuộc sống của bệnh nhân.

Trên thị trường, cổ phiếu DBD dư mua hơn 200 nghìn đơn vị trong khi thanh khoản bình quân mỗi ngày trước đó chỉ chưa đến 100.000 cổ phiếu được sang tay. 

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate