February 13, 2025 | 11:48 GMT+7

Đồng yên Nhật sụt giá vì tín hiệu lãi suất cứng rắn từ Mỹ

Bình Minh -

Đồng yên Nhật Bản vốn có mức độ nhạy cảm cao với khoảng cách lãi suất giữa Fed và Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ)...

Ảnh minh họa - Ảnh: Reuters.
Ảnh minh họa - Ảnh: Reuters.

Tỷ giá đồng USD so với đồng yên Nhật Bản tăng lên mức cao nhất 1 tuần sau khi số liệu thống kê cho thấy lạm phát tháng 1 ở Mỹ cao hơn dự báo - điểm dữ liệu làm gia tăng khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) giữ lãi suất cao hơn lâu hơn để khống chế sự leo thang của giá cả.

Báo cáo từ Bộ Lao động Mỹ cho thấy giá tiêu dùng ở Mỹ trong tháng 1 tăng mạnh nhất trong gần 1 năm rưỡi. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) toàn phần tháng 1 tăng 0,5% so với tháng trước và CPI lõi tăng 0,4%. Cả hai mức tăng này đều cao hơn dự báo mà giới chuyên gia kinh tế đưa ra là tăng 0,3%.

Nếu so với cùng kỳ năm ngoái, CPI tháng 1 của Mỹ tăng 3% và CPI lõi tăng 3,3%, cao hơn so với các mức dự báo tăng tương ứng là 3,3% và 3,1%.

“Điều rút ra ở đây là cho dù CPI tăng tốc vì lý do gì, Fed cũng đã nói rõ là họ sẽ không giảm lãi suất chừng nào lạm phát còn chưa giảm về gần mốc 2%”, trưởng phân tích Adam Button của công ty ForexLive nhận định với hãng tin Reuters. “Khả năng đạt được mục tiêu lạm phát 2% trong năm nay đã giảm nhiều, vì mức tăng CPI ngay trong tháng đầu năm đã là 0,5%”.

Trước khi báo cáo CPI được công bố, các nhà giao dịch trên thị trường lãi suất tương lai kỳ vọng Fed sẽ giảm lãi suất thêm tổng cộng 0,37 điểm phần trăm trong năm nay. Nhưng sau khi số liệu này được công bố, kỳ vọng về mức giảm lãi suất của cả năm giảm còn 0,27 điểm phần trăm. Điều này phản ánh khả năng lớn hơn là Fed chỉ có một lần duy nhất giảm lãi suất trong năm 2025, với mức giảm 0,25 điểm phần trăm.

Khả năng Fed giảm lãi suất 0,25 điểm phần trăm trong cuộc họp tháng 6 hiện chỉ còn hơn 30%, từ mức hơn 50% của ngày hôm trước - theo dữ liệu từ công cụ FedWatch Tool của sàn CME. Về cuộc họp tháng và tháng 5 của Fed, về cơ bản thị trường tin rằng lãi suất sẽ không thay đổi.

Phiên ngày 12/2 tại thị trường New York, đồng USD tăng giá gần 1,3% so với đồng yên, đạt 154,44 yên đổi 1 USD, mức cao nhất trong 1 tuần trở lại đây.

Đồng yên Nhật Bản vốn có mức độ nhạy cảm cao với khoảng cách lãi suất giữa Fed và Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ). Mới đầu tháng này, đồng yên tăng giá mạnh do tín hiệu tiếp tục tăng lãi suất trong cuộc tháng 3. Khi khả năng Fed giữ lãi suất cao hơn lâu hơn tăng lên, đồng USD nhanh chóng lấy lại ưu thế tỷ giá trước đồng yên.

Phiên sáng nay (13/2), đồng yên tiếp tục ở thế phòng thủ trước đồng USD, giao dịch ở mức 154,3 yên đổi 1 USD.

Chỉ số Dollar Index đo sức mạnh của đồng USD so với một rổ gồm 6 đồng tiền chủ chốt khác có lúc đạt đỉnh 1 tuần ở mức 108,52 điểm trong phiên ngày thứ Tư. Tuy nhiên, thành quả tăng này không được duy trì, khiến chỉ số chốt phiên ở mức 107,95 điểm, chỉ tăng nhẹ so với phiên trước.

Sáng nay, Dollar Index quay đầu giảm, có lúc giảm gần 0,2%, giao dịch ở mức hơn 107,7 điểm. Chỉ số này giảm do nhiều nhà giao dịch chốt lời và nghiền ngẫm xem liệu báo cáo CPI tháng 1 chỉ là một hiện tượng nhất thời thay vì một chỉ báo về xu hướng dài hơi hơn của lạm phát.

“Tháng 1 là một tháng rất khó đoán định vì giá cả của nhiều mặt hàng tăng vì đủ lý do, đôi khi với mức tăng lớn. Chúng tôi không cho rằng sự tăng tốc của lạm phát trong tháng 1 sẽ lặp lại vào tháng tới”, nhà kinh tế trưởng Thomas Simons của ngân hàng đầu tư Jefferies phát biểu.

Trong buổi điều trần định kỳ thứ hai, diễn ra tại Ủy ban Tài chính thuộc Hạ viện Mỹ vào ngày thứ Tư, ông Powell nói rằng số liệu CPI mới công bố là một lời nhắc nhở rằng Fed đã đạt được “bước tiến lớn” trong việc đưa lạm phát về gần mục tiêu 2% nhưng “chưa thực sự đạt tới đó”.

“Chúng tôi muốn giữ chính sách thắt chặt ở thời điểm hiện tại”, ông Powell nói. Trước đó, trong buổi điều trần ngày thứ Ba trước Ủy ban Ngân hàng thuộc Thượng viện Mỹ, ông Trump nói Fed không vội cắt giảm lãi suất.

Các nhà giao dịch trên thị trường tiền tệ vẫn đang dành sự quan tâm lớn cho các kế hoạch thuế quan của chính quyền Tổng thống Donald Trump. Sau khi đã áp thuế quan 10% lên hàng hóa Trung Quốc và thuế quan 25% lên thép và nhôm, ông Trump dự định sẽ áp thuế quan có đi có lại lên tất cả các quốc gia.

Nhiều chuyên gia cho rằng việc áp thuế quan mạnh tay lên hàng hóa nhập khẩu sẽ khiến áp lực lạm phát ở Mỹ tăng lên và Fed càng khó giảm lãi suất hơn.

“Thuế quan tiềm năng đang làm gia tăng rủi ro lạm phát trong những quý sắp tới. Tuy nhiên, cũng có một số dấu hiệu tích cực là giá nhà ở có thể giảm đáng kể trong năm nay và để ngỏ cánh cửa cho Fed giảm lãi suất trong nửa sau của năm”, nhà kinh tế trưởng James Knightley của ngân hàng ING nhận định.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate