Báo cáo tại Hội nghị trực tuyến ngành kế hoạch đầu tư, ông Bùi Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, Luật Doanh nghiệp năm 2020 đã được Quốc hội khóa 14 thông qua tại kỳ họp thứ 9, và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2021.
Ngày 4/1/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị định số 01/2021/NĐ-CP, và Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký. Nghị định này đã cụ thể hoá những cải cách, đổi mới của Luật Doanh nghiệp, đồng thời khắc phục những bất cập, xử lý những vướng mắc trong thời gian qua.
Cụ thể, Nghị định quy định rõ ràng, cụ thể hồ sơ, trình tự, thủ tục đăng ký doanh nghiệp, đơn giản hoá, cắt giảm thành phần hồ sơ, giảm tải các thông tin phải kê khai nhờ tận dụng tối đa các thông tin sẵn có trong Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp và các hệ thống thông tin đã kết nối. Bãi bỏ một số thủ tục hành chính không cần thiết như: công bố con dấu, Thông báo thay đổi thông tin người quản lý doanh nghiệp, chào bán cổ phần riêng lẻ,…
Tiếp tục hiện đại hóa, chuyển đổi số mạnh mẽ trong công tác đăng ký doanh nghiệp thông qua việc nâng cấp, hoàn thiện các quy định về đăng ký doanh nghiệp qua mạng điện tử, thực hiện cung cấp hầu hết dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 giúp giảm thời gian, chi phí thành lập doanh nghiệp.
Bổ sung thêm một cộng đồng doanh nghiệp mới thực hiện đăng ký doanh nghiệp tại cơ quan đăng ký kinh doanh là các công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán, công ty đầu tư chứng khoán, chi nhánh công ty chứng khoán nước ngoài và chi nhánh công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam theo quy định của Luật Chứng khoán năm 2019…
Ngày 15/10/2020, Chính phủ tiếp tục ban hành Nghị định số 122/2020/NĐ-CP quy định về phối hợp, liên thông thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp, khai trình việc sử dụng lao động, cấp mã số đơn vị tham gia bảo hiểm xã hội, đăng ký sử dụng hóa đơn của doanh nghiệp.
Nghị định được ban hành tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp gia nhập thị trường, thông qua các giải pháp nhằm giảm bớt thủ tục hành chính, giảm khối lượng thông tin cần kê khai, giảm số lượng cơ quan nhà nước cần tiếp xúc.
Nghị định đã tích hợp 4 quy trình gồm: đăng ký thành lập doanh nghiệp, đăng ký bảo hiểm xã hội, khai trình lao động và đăng ký sử dụng hóa đơn vào 1 quy trình. Doanh nghiệp chỉ phải chuẩn bị 1 bộ hồ sơ, kê khai 1 biểu mẫu, thực hiện thủ tục tại 1 cơ quan là cơ quan đăng ký kinh doanh và nhận 1 kết quả duy nhất. Các cơ quan nhà nước sẽ chia sẻ thông tin với nhau thay vì yêu cầu doanh nghiệp phải kê khai ở nhiều nơi như trước đây. Toàn bộ quy trình trao đổi thông tin giữa các cơ quan quản lý nhà nước sẽ được thực hiện qua mạng điện tử.
Sau khi triển khai những cải cách này, quy trình khởi sự kinh doanh ở Việt Nam giảm từ 8 thủ tục với 16 ngày xuống chỉ còn 3 thủ tục với 6 ngày, giúp tạo nên bước tiến lớn trong khởi sự kinh doanh ở Việt Nam.
Theo Báo cáo Môi trường kinh doanh 2020 (Doing Business 2020) của Ngân hàng thế giới (WB), Chỉ số khởi sự kinh doanh của Việt Nam xếp thứ 115 trong số 190 nền kinh tế, giảm 11 bậc so với năm 2018 (104/190) với tổng số 8 thủ tục, mất thời gian 16 ngày để thực hiện các quy trình.
Giới chuyên gia quốc tế cho rằng, nguyên nhân khởi sự kinh doanh của Việt Nam còn thấp điểm là do các cơ quan vẫn yêu cầu doanh nghiệp cung cấp các thông tin trùng lặp hoặc không cần thiết, tạo gánh nặng về thời gian và chi phí, thiếu sự kết nối, chia sẻ thông tin, liên thông thủ tục giữa các cơ quan liên quan…