August 17, 2022 | 07:10 GMT+7

Dow Jones tăng 5 phiên liên tiếp nhờ lợi nhuận bán lẻ, giá dầu tiếp tục lao dốc

Bình Minh -

Sau nửa đầu năm đầy sóng gió, S&P 500 từ đầu tháng 7 tới nay đã khởi sắc mạnh mẽ...

Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.

Hai chỉ số Dow Jones và S&P 500 của thị trường chứng khoán Mỹ cùng tăng điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Ba (16/8), khi kết quả và triển vọng kinh doanh tốt hơn dự báo của hai “ông lớn” ngành bán lẻ Walmart và Home Depot giúp nhà đầu tư yên tâm hơn về tiêu dùng - một trụ cột của kinh tế Mỹ. Giá dầu thô tiếp tục giảm mạnh trong lúc chờ những diễn biến mới về thoả thuận hạt nhân Iran.

Lúc đóng cửa, Dow Jones tăng 239,57 điểm, tương đương tăng 0,71%, chốt ở 34.152,01 điểm. S&P 500 tăng 0,19%, chốt ở 4.305,2 điểm. Riêng chỉ số Nasdaq giảm điểm do cổ phiếu công nghệ đi xuống, mất 0,19% điểm số, còn 13.102,55 điểm.

Hai nhóm cổ phiếu tiêu dùng thiết yếu và tiêu dùng không thiết yếu giữ vai trò dẫn dắt sự đi lên của S&P 500 trong phiên này. Chỉ số ngành bán lẻ thuộc S&P 500 ghi nhận mức tăng 1,9%.

Với phiên tăng này, S&P 500 tiến gần hơn đến ngưỡng bình quân 200 ngày, một mốc kỹ thuật chủ chốt. Kể từ đầu tháng 4 tới nay, chỉ số tham chiếu của thị trường chứng khoán Mỹ chưa có phiên nào đóng cửa trên ngưỡng bình quân 200 ngày.

Cổ phiếu Walmart tăng 5,1% sau khi hãng công bố mức lợi nhuận cả năm tài khoá giảm ít hơn dự báo. Cổ phiếu Home Depot tăng 4,1% sau khi hãng báo cáo doanh thu quý vượt dự báo.

Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng, gây áp lực mất giá mạnh lên cổ phiếu công nghệ và các cổ phiếu tăng trưởng cao khác. Cổ phiếu Microsoft giảm 0,3% sau chuỗi phiên tăng gần đây.

Sau nửa đầu năm đầy sóng gió, S&P 500 từ đầu tháng 7 tới nay đã khởi sắc mạnh mẽ, một phần nhờ lợi nhuận quý 2 tốt hơn dự báo của các công ty niêm yết. Nhà đầu tư gần đây cũng tin rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể đưa nền kinh tế hạ cánh mềm trong chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ nhằm kiểm soát mức lạm phát đã lên tới mức cao nhất trong nhiều thập kỷ.

“Khi thị trường chuyển từ gấu (bear) sang bò (bull), nhất là khi Fed tăng lãi suất và có những lo ngại về tiêu dùng, nhà đầu tư thực sự muốn chứng kiến lĩnh vực tiêu dùng không thiết yếu vẫn được hỗ trợ bởi tâm trạng thoải mái của người tiêu dùng. Và ngày hôm nay, diễn biến giá cổ phiếu tiêu dùng không thiết yếu là tích cực cho thị trường”, chiến lược gia Quincy Krosby của LPL Financial nhận định.

Đến thời điểm này, phần lớn các công ty trong S&P 500 đã báo cáo kết quả kinh doanh quý 2. Theo dự báo hiện tại, lợi nhuận quý 2 của doanh nghiệp thuộc chỉ số này tăng 9,7% so với cùng kỳ năm ngoái, so với mức dự báo tăng 5,6% đưa ra vào thời điểm 1/7 - theo dữ liệu từ Refinitiv.

Tính đến phiên ngày thứ Ba, Dow Jones đã có 5 phiên tăng liên tiếp. S&P 500 đang tiến tới hoàn tất tuần tăng thứ 5 liên tiếp và đã tăng 18% kể từ mức đáy thiết lập trong tháng 6.

Nhà đầu tư đang chờ báo cáo doanh thu bán lẻ tháng 7 của Mỹ, dự kiến công bố vào ngày thứ Tư. Cũng trong ngày thứ Tư, Fed sẽ công bố biên bản cuộc họp tháng 7.

Theo một cuộc khảo sát hàng tháng do ngân hàng Bank of America thực hiện với sự tham gia của các nhà quản lý quỹ trên toàn cầu, tâm lý của nhà đầu tư vẫn còn bi quan, nhưng không đến mức quá bi quan như trước.

Giá dầu thô Brent giao sau tại thị trường London giảm 2,9%, chốt ở 92,34 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York mất 3,2%, còn 86,53 USD/thùng. Trước đó, giá của hai loại dầu đã giảm khoảng 3% trong phiên trước.

Liên minh châu Âu (EU) đang đánh giá về phản ứng của Iran đối với đề xuất mà EU gọi là “cuối cùng” nhằm khôi phục thoả thuận hạt nhân 2015, đồng thời đang tham vấn phía Mỹ - một phát ngôn viên của EU cho biết ngày 16/8. Iran đã đưa ra câu trả lời vào hôm 15/8, nhưng cả Tehran và Brussles đều không công bố chi tiết về câu trả lời này.

“Hiện chưa rõ Iran đã nói gì với EU, nên có thể có một số nội dung gai góc ảnh hưởng đến thoả thuận”, nhà phân tích Giovanni Staunovo nhận định.

Ngoài khả năng dòng dầu Iran quay trở lại thị trường, giá dầu tiếp tục đương đầu sức ép từ những số liệu kinh tế bất lợi. Thống kê công bố ngày thứ Ba cho thấy lượng nhà mới khởi công ở Mỹ trong tháng 7 giảm xuống mức thấp nhất 1 năm rưỡi do lãi suất vay thế chấp nhà và giá vật liệu xây dựng tăng.

“Các nhà giao dịch dầu lửa đã phản ứng vì họ lo kinh tế giảm tốc sẽ kéo theo nhu cầu tiêu thụ dầu”, nhà phân tích Phil Flynn của Price Futures Group nhận định.

Động thái cắt giảm lãi suất bất ngờ của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc hôm 15/8 cũng tiếp tục gây lo ngại về sức khoẻ của nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới, trong lúc nền kinh tế này phát đi nhiều dấu hiệu giảm tốc. Truyền thông nhà nước Trung Quốc ngày 16/8 dẫn lời Thủ tướng Lý Khắc Cường nói Trung Quốc sẽ đẩy mạnh hỗ trợ chính sách vĩ mô cho nền kinh tế.

Ngân hàng Barclays cùng ngày cắt giảm dự báo giá dầu Brent bình quân của năm nay và năm tới, với mức cắt giảm 8 USD/thùng, trên cơ sở cho rằng nguồn cung dầu trong ngắn hạn sẽ dồi dào cho nguồn cung vững vàng từ Nga, bất chấp các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với nước này.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate