Thị trường chứng khoán Mỹ kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Năm (20/7) trong trạng thái không đồng nhất của các chỉ số: S&P 500 và Nasdaq giảm nhưng Dow Jones có phiên tăng thứ 9 liên tiếp. Giá dầu thô tăng nhẹ do lượng tồn kho của Mỹ giảm và Trung Quốc vẫn nhập khẩu mạnh nhưng triển vọng nhu cầu suy yếu khiến nhà đầu tư thận trọng.
Phiên tăng này của Dow Jones có được là nhờ kết quả kinh doanh tốt hơn dự báo của hãng dược phẩm Johnson & Johnson. Đây là chuỗi phiên tăng dài nhất của Dow Jones kể từ năm 2017. Tuy nhiên, S&P 500 - thước đo rộng nhất của giá cổ phiếu ở Phố Wall - giảm dưới áp lực đến từ sự giảm giá của hai cổ phiếu được các nhà giao dịch ưa chuộng là Netflix và Tesla.
Lúc đóng cửa, Dow Jones - chỉ số với thành viên là 30 cổ phiếu blue-chip - tăng 163,97 điểm, tương đương tăng 0,47%, đạt 35.225,18 điểm. S&P 500 giảm 0,68%, còn 4.534,87 điểm. Nasdaq giảm 2,05%, cò 14.063,31 điểm.
Johnson & Johnson tăng 6% sau khi công bố kết quả kinh doanh quý 2 vượt dự báo. Trái lại, Netflix lao dốc hơn 8% sau khi nhà cung cấp dịch vụ truyền nội dung trực tuyến đưa ra doanh thu không đạt kỳ vọng. Trước đó, giới đầu tư đã đặt kỳ vọng cao vào Netflix sau khi cổ phiếu này đã tăng gần 50% kể từ đầu năm.
Tesla “bốc hơi” 9,7%. Vào hôm thứ Tư, CEO Elon Musk và các nhà điều hành khác của hãng xe điện này nói rằng sản lượng xe sẽ tăng chậm lại trong quý 3 do hãng phải đóng cửa tạm thời một số nhà máy để phục vụ cho việc nâng cấp.
Trong bối cảnh thiếu vắng các báo cáo kinh tế vĩ mô, chứng khoán Mỹ đang chịu sự chi phối của mùa báo cáo tài chính quý 2. Nhưng trong tuần tới, tâm điểm chú ý sẽ là cuộc họp chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
Trong số các công ty thuộc S&P 500 đã công bố báo cáo tính đến thời điểm này, có 74% doanh nghiệp đạt lợi nhuận tốt hơn kỳ vọng - theo dữ liệu từ FactSet. Tình hình lợi nhuận khả quan này đang đẩy cao niềm hy vọng rằng nền kinh tế Mỹ sẽ có được một cuộc “hạ cánh mềm”.
Báo cáo từ Bộ Lao động Mỹ ngày thứ Năm cho thấy số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu trong tuần qua giảm 9.000 đơn, còn 228.000 đơn, mức thấp nhất kể từ giữa tháng 5 và thấp hơn con số 242.000 đơn mà các chuyên gia kinh tế đưa ra trong một cuộc khảo sát của hãng tin Reuters.
Ông Christopher Rupkey, nhà kinh tế trưởng tại FWDBONDS ở New York, nhận định: “Những đám mây cảnh báo về suy thoái đã tan biến và tình trạng sa thải nhân viên của các công ty đã giảm trở lại. Nếu có một cuộc suy thoái ngoài kia, thì đó là một cuộc suy thoái không có quá nhiều người mất việc làm. Chúng tôi không biết về bất kỳ cuộc suy thoái nào như vậy trong lịch sử kinh tế nên chắc chắn sẽ không có một cuộc suy thoái nào xuất hiện”.
Tuy nhiên, một số nhà phân tích vẫn tỏ ra thận trọng.
“Dù các chỉ báo thị trường giá xuống đã giảm bớt khi thị trường có chuỗi tăng ấn tượng đến như vậy, vẫn còn đó quan điểm chắc chắn rằng những xu thế gần đây chẳng qua chỉ là sự phục hồi trong xu hướng giá xuống”, nhà phân tích Brian Belski của BMO Capital Markets nhận định. “Không may cho đám đông, lịch sử có vẻ không đứng về phía họ”.
Những người thuộc phái thận trọng không loại trừ khả năng Fed sẽ giữ lãi suất ở mức cao trong thời gian lâu hơn để đưa lạm phát về mục tiêu 2%, bởi thị trường lao động còn mạnh đồng nghĩa lạm phát sẽ khó giảm hơn.
Chiến lược gia Ben Jeffery của BMO Capital Markets ở New York cho rằng báo cáo trợ cấp thất nghiệp mới công bố và dữ liệu doanh số bán lẻ vững chắc công bố vào thứ Ba là cơ sở để tin rằng Fed sẽ giữ lãi suất cao hơn trong thời gian dài hơn.
“Chúng tôi vẫn có một số xác suất về một động thái tăng lãi suất khác vào tháng 9 hoặc tháng 11. Đó có thể là do Fed muốn giữ các điều kiện tài chính đủ chặt chẽ nhằm tiếp tục chống lại lạm phát”, ông Jeffery nói.
Ngoài cuộc họp của Fed, tuần tới còn có các cuộc họp chính sách của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ). Tương tự như đối với Fed, thị trường đang kỳ vọng ECB sẽ tăng lãi suất cơ bản thêm 0,25 điểm phần trăm vào tuần tới. Tuy nhiên, ECB được cho là sẽ tiếp tục nâng lãi suất sau lần họp này, còn đối với Fed, thị trường nghiêng về khả năng đây là lần tăng cuối của chu kỳ này.
Thống đốc BOJ Kazuo Ueda hôm thứ Ba cho biết vẫn còn một khoảng cách để đạt được mục tiêu lạm phát 2% của ngân hàng trung ương. Phát biểu này của ông Ueda dập tắt đồn đoán về một động thái thay đổi chính sách kiểm soát đường cong lợi suất (YCC) vào tuần tới.
Giá dầu thô WTI giao sau tại New York tăng 0,28 USD/thùng, chốt ở 75,63 USD/thùng. Giá dầu Brent giao sau tại London tăng 0,18 USD/thùng, chốt ở 79,64 USD/thùng.
Giá dầu được hỗ trợ bởi số liệu hàng tuần công bố hôm thứ Tư cho thấy lượng dầu tồn kho thương mại của Mỹ giảm. Ngoài ra, nhập khẩu dầu thô Nga của Trung Quốc đạt mức cao kỷ lục trong tháng 6 - theo dữ liệu chính thức được Trung Quốc công bố hôm thứ Năm.
Các báo cáo hàng tháng của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu lửa (OPEC) và Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đều cho rằng nhu cầu dầu của Trung Quốc dự kiến sẽ tiếp tục tăng trong nửa cuối năm nay và vẫn là động lực chính của tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu.
Các nhà phân tích của Citi nhận định giá dầu thô có thể gặp khó khăn trong việc tìm ra hướng đi rõ ràng do triển vọng nhu cầu toàn cầu trái chiều trong vài tuần tới. Họ nói rằng nhu cầu đang là “một bức tranh hỗn hợp với nhu cầu xăng và nhiên liệu máy bay mạnh hơn, nhưng nhu cầu các sản phẩm hoá dầu và dầu diesel lại yếu hơn”.
Cũng theo báo cáo của Citi, giá dầu thô Brent đã bứt phá lên một phạm vi cao hơn trong tháng này, sau khi bị mắc kẹt ở mức 72-78 USD/thùng vào tháng 5 và tháng 6, sau khi Saudi Arabia cắt giảm sản lượng và rủi ro địa chính trị đã hỗ trợ nhu cầu.