July 12, 2023 | 08:21 GMT+7

Chứng khoán Mỹ và giá dầu cùng “xanh mướt” nhờ hy vọng về lãi suất

Bình Minh -

Nhà đầu tư ở Phố Wall đã dành phần lớn thời gian của phiên này để nghiền ngẫm các phát biểu gần đây của giới chức Fed...

Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.

Thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm khá mạnh trong phiên giao dịch ngày thứ Ba (11/7), khi giới đầu tư hy vọng rằng số liệu lạm phát sắp công bố sẽ mở ra cánh cửa để Cục Dự trữ Liên bang (Fed) sớm kết thúc chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ. Kỳ vọng này đẩy tỷ giá đồng USD giảm, đưa giá dầu tăng lên mức cao nhất trong 10 tuần.

Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones tăng 317,02 điểm, tương đương tăng 0,93%, chốt ở 34.261,42 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 0,67%, đạt 4.439,26 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 0,55%, đạt 13.760,7 điểm.

Nhà đầu tư ở Phố Wall đã dành phần lớn thời gian của phiên này để nghiền ngẫm các phát biểu gần đây của giới chức Fed, những người nói rằng mức lạm phát hiện nay trong nền kinh tế Mỹ cho thấy cần thiết phải tiếp tục tăg lãi suất nhưng ngân hàng trung ương này đang tiến gần tới hồi kết của chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ khởi động từ tháng 3/2022.

Trong một cuộc khảo sát của hãng tin Reuters, các chuyên gia kinh tế được hỏi dự báo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6 của Mỹ, dự kiến được Bộ Lao động nước này công bố vào ngày thứ Tư, cho thấy mức tăng 3,1% so với cùng kỳ năm ngoái, giảm tốc từ mức tăng 4% của tháng 5. Đó sẽ là mức lạm phát toàn phần thấp nhất kể từ tháng 3/2021.

Chỉ số CPI lõi được dự báo giảm tháng thứ ba liên tiếp xuống còn 5% từ mức 5,3% trước đó. Dù vậy, mức lạm phát lõi như vậy vẫn còn cao hơn gấp đôi so với mục tiêu 2% mà Fed đề ra.

Số liệu công bố tuần trước cho thấy số công việc mới được tạo ra trong khu vực phi nông nghiệp của nền kinh tế Mỹ ít hơn nhiều so với dự kiến. Báo cáo này khiến đồng USD bị bán mạnh, nhưng hầu như không làm thay đổi kỳ vọng của thị trường về lãi suất của Fed. Thay vào đó, thị trường tiếp tục kỳ vọng Fed sẽ nâng lãi suất thêm 0,25 điểm phần trăm trong cuộc họp tháng 7.

“Với bản báo cáo việc làm và báo cáo lạm phát được công bố khá gần nhau như thế này, tôi muốn nhìn nhận cách diễn biến trên thị trường một cách thận trọng”, chiến lược gia Craig Erlam của công ty phân tích và dữ liệu Oanda nói với hãng tin Reuters. “Thị trường đang hướng toàn bộ sự chú ý vào báo cáo lạm phát sắp công bố. Mà cuộc họp của Fed thì rất gần rồi, nên về cơ bản, kế hoạch tăng lãi suất có lẽ đã được chốt, và số liệu lạm phát chắc phải thật yếu thì mới thay đổi được dự định đó”.

Cuộc họp sắp tới của Fed sẽ diễn ra vào ngày 25-26/7. Số liệu từ công cụ FedWatch Tool của CME Group cho thấy thị trường đang đặt cược khả năng khoảng 92% Fed nâng lãi suất trong cuộc họp này.

“Nhà đầu tư đang chờ báo cáo CPI, với những con số có thể cho thấy lạm phát tiếp tục dịu đi. Nhưng nếu báo cáo cho thấy lạm phát vẫn dai dẳng, Fed sẽ còn phải mạnh tay trong chính sách tiền tệ”, Giám đốc đầu tư Chris Zaccarelli của Advisor Alliance nhận định với hãng tin CNBC.

Mùa báo cáo kết quả kinh doanh ở Phố Wall sẽ khởi động trong tuần này, với loạt báo cáo từ các ngân hàng lớn gồm JPMorgan Chase, Citigroup và Wells Fargo. Giới phân tích dự báo lợi nhuận của các công ty niêm yết trong quý 2 giảm 6,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Chỉ số Dollar Index đo sức mạnh đồng USD so với một rổ gồm 6 đồng tiền chủ chốt khác giảm 0,27%, xuống mức thấp nhất 2 tháng.  Tuy nhiên, các chiến lược gia tiền tệ của Brown Brothers Harriman nói rằng mặc áp lực giảm giá gần đây đối với USD, “các yếu tố căn bản vẫn đang hỗ trợ đồng USD, thị trường vẫn đang xem nhẹ khả năng Fed có thêm một đợt tăng lãi suất thứ hai nữa trong năm nay”.

Phản ánh kỳ vọng Fed sắp dừng tăng lãi suất, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ cũng giảm. Lợi suất của kỳ hạn 10 năm giảm 2,6 điểm cơ bản, còn 3,980%, sau khi tuột khỏi mốc 4% trong phiên trước.

“Dù ngày càng có nhiều bằng chứng về các xu hướng giảm của lạm phát trong ngắn hạn, vẫn còn có những câu hỏi về việc lạm phát có kéo dài ở mức cao hay không trong trung hạn”, chiến lược gia Jim Reid của Deutsche Bank phát biểu.

Những hy vọng mới về sự khởi sắc của nền kinh tế Trung Quốc giúp hỗ trợ giá dầu và một số hàng hoá cơ bản khác như đồng và quặng sắt. Hôm thứ Hai, Chính phủ Trung Quốc gia hạn một số biện pháp trong gói kích cầu công bố vào tháng 11 năm ngoái nhằm tăng cường thanh khoản cho thị trường bất động sản.

Cộng thêm với sự hỗ trợ của đồng USD suy yếu, giá dầu chốt phiên với mức tăng hơn 2%.

Giá dầu thô Brent giao sau tại London tăng 1,71 USD/thùng, tương đương tăng 2,2%, chốt ở 79,4 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York tăng 1,84 USD/thùng, tương đương tăng 2,5%, chốt ở 74,83 USD/thùng.

Đây là mức giá cao nhất của dầu Brent kể từ ngày 28/4 và của dầu WTI kể từ ngày 1/5.

“Đây có thể là sự bứt phá để đưa giá dầu Brent trở lại ngưỡng trên 80 USD/thùng”, ông Erlam nhận định.

Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) dự báo sản lượng dầu toàn cầu sẽ tăng từ 99,9 triệu thùng/ngày vào năm 2022 lên 101,1 triệu thùng/ngày vào năm 2023 và 102,6 triệu thùng/ngày vào năm 2024; trong khi nhu cầu dầu của thế giới sẽ tăng từ 99,4 triệu thùng/ngày vào năm 2022 lên 101,2 triệu thùng/ngày vào năm 2023 và 102,8 triệu thùng/ngày vào năm 2024.

Các con số dự báo đó sẽ phá vỡ mức kỷ lục 100,5 triệu thùng/ngày của sản lượng dầu toàn cầu trong năm 2018 và mức kỷ lục 100,8 triệu thùng/ngày của nhu cầu tiêu thụ dầu trên thế giới vào năm 2019.

EIA cũng dự báo sản lượng dầu thô của Mỹ sẽ tăng từ 11,9 triệu thùng/ngày vào năm 2022 lên 12,6 triệu thùng/ngày vào năm 2023 và 12,9 triệu thùng/ngày vào năm 2024, trong khi mức tiêu thụ dầu của Mỹ sẽ tăng từ 20,3 triệu thùng/ngày vào năm 2022 lên 20,4 triệu thùng/ngày vào năm 2023 và 20,8 triệu thùng/ngày vào năm  2024.

Sản lượng dầu thô của Mỹ lập kỷ lục 12,3 triệu thùng/ngày vào năm 2019 và mức tiêu thụ dầu của nước này lập kỷ lục 20,8 triệu thùng/ngày vào năm 2005.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate