September 26, 2008 | 15:19 GMT+7

Kiến nghị giảm tiếp thuế xuất khẩu phôi thép

Đức Thọ

Hiệp hội Thép Việt Nam vừa có văn bản kiến nghị điều chỉnh giảm thuế suất thuế xuất khẩu phôi thép xuống mức 2%

Hiện lượng thép thành phẩm tồn kho tại các doanh nghiệp khá lớn - Ảnh: Việt Tuấn.
Hiện lượng thép thành phẩm tồn kho tại các doanh nghiệp khá lớn - Ảnh: Việt Tuấn.
Ngày 25/9, Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) đã có văn bản gửi Thủ tướng kiến nghị điều chỉnh giảm thuế suất thuế xuất khẩu phôi thép xuống mức 2%.

Hiện thuế suất thuế xuất khẩu phôi thép đang ở mức 10%, sau khi Bộ Tài chính có quyết định điều chỉnh giảm từ mức 20%.

Theo VSA, các doanh nghiệp thép đang gặp rất nhiều khó khăn do lượng phôi thép tồn kho lớn, lên đến trên 500.000 tấn. Chỉ tính riêng Tổng công ty Thép Việt Nam hiện cũng đang tồn kho trên 140.000 tấn phôi.

Trong khi đó thị trường cũng đang khá ế ẩm dẫn đến lượng thép thành phẩm tồn kho cũng rất lớn. Theo thống kê, hiện lượng thép thành phẩm tồn kho của các doanh nghiệp đã lên đến trên 400.000 tấn. Thậm chí do ế ẩm, nhiều doanh nghiệp cũng đã tạm ngừng sản xuất hoặc sản xuất cầm chừng như Việt Ý, Natsteel, Vạn Lợi, Việt Hàn, Việt Nhật hay Hòa Phát…

VSA dự báo tổng mức tiêu thụ thép xây dựng trong tháng 9/2008 sẽ chỉ đạt xấp xỉ 120.000 tấn, trong khi đó mức tiêu thụ bình quân hằng tháng đạt khoảng 300.000 – 350.000 tấn.

Hiện giá phôi thép thế giới cũng đã giảm gần một nửa so với thời điểm 6 tháng đầu năm, từ mức 1.150 – 1.200 USD/tấn xuống còn khoảng 650 – 700 USD/tấn.

VSA cho rằng, với mức giá phôi thép thế giới thấp như hiện nay và dự báo có thể sẽ tiếp tục giảm nữa trong khi lượng phôi tồn kho lớn, chi phí đầu vào lại cao mà mức thuế xuất khẩu 10% được xem là vẫn cao, các doanh nghiệp sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

Do vậy, VSA kiến nghị tiếp tục giảm mức thuế suất thuế xuất khẩu phôi thép xuống 2% đồng thời có lộ trình giảm xuống 0% nhằm “gỡ khó” cho doanh nghiệp.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate