Ngày 26/9, TAND TP Hà Nội đưa ra xét xử nhóm bị cáo lừa đảo xuất khẩu lao động sang Nhật Bản gồm Võ Ngọc Tuấn (SN 1986, ở thị xã Thuận An, Bình Dương), Ngô Thị Nhung (SN 1986, ở quận Bắc Từ Liêm), Bùi Mạnh Cường (SN 1991, ở quận Cầu giấy), Trịnh Xuân Toàn (SN 1989, ở quận Hà Đông), Nguyễn Thị Lan Anh (SN 1987, ở Hòa Bình).
MÔI GIỚI TIẾP TAY LỪA ĐẢO
Khoảng năm 2017, anh Phạm Đình N. (ở Hà Tĩnh) biết Nhung làm cho CTCP Cung ứng nhân lực và tư vấn du học Toàn Tâm nên nộp 13.000 USD cho Nhung để đi Nhật Bản. Ngày 26/2/2018, anh N. đến công ty ký hợp đồng với cam kết sang Nhật Bản với thời hạn 5 năm, kể từ ngày 10/3/2018 với mức lương 19man/tháng. Nhưng chờ mòn mỏi, anh N. không được đi và không được công ty này trả lại tiền.
Sau khi anh N. cùng một số người khác tố giác công ty Toàn Tâm, cơ quan điều tra làm rõ đường dây lừa đảo xuất khẩu lao động của Võ Ngọc Tuấn.
Theo đó, năm 2017, thông qua quan hệ xã hội, Tuấn quen biết Nhung. Tuấn giới thiệu đang mở công ty ở TP Hải Phòng để đưa người đi xuất khẩu lao động sang Nhật Bản. Tuấn muốn mở văn phòng tại Hà Nội để tuyển lao động với chi phí khoảng 13.000 USD/người, mức lương trung bình từ 30 – 40 triệu đồng/tháng…
Nếu Nhung tìm được khách, Tuấn sẽ trả lương 7 triệu đồng/tháng và “hoa hồng” từ 500 – 1.000 USD/người. Tuấn cũng hứa hẹn, trường hợp không đưa đi được, Tuấn sẽ chuyển hồ sơ đến công ty có đầy đủ chức năng làm thủ tục đưa đi. Nhung rủ Cường đến làm cho Tuấn.
Để thuận tiện, Tuấn thỏa thuận và thống nhất với Nhung và Cường thành lập CTCP cung ứng nhân lực và tư vấn du học Toàn Tâm. Công ty do Tuấn làm Chủ tịch HĐQT kiêm giám đốc công ty với vốn góp 2,5 tỷ đồng, chiếm 50% vốn. Còn Cường và Nhung mỗi người góp 1,25 tỷ đồng, nắm giữ 50% vốn. Thực chất Cường và Nhung không góp vốn. Sau đó, Tuấn thuê Toàn làm nhân viên với mức lương 5 triệu đồng cộng phí “hoa hồng”.
Mặc dù biết Công ty Toàn Tâm không được cấp giấy phép song Nhung, Cường, Toàn vẫn đưa các thông tin lên mạng xã hội zalo, Facebook giới thiệu công ty để tuyển lao động từ 20-35 tuổi, không phân biệt nam nữ, làm việc trong lĩnh vực lắp ráp linh kiện điện tử và chế biến thực phẩm và hứa hẹn chậm nhất 45 ngày sẽ bay. Có 14 người đã tin tưởng và nộp tiền cho Nhung, Cường, Toản, Tuấn với số tiền hơn 3,6 tỷ đồng.
Tại tòa, Tuấn khai nhận về việc lập công ty và nhờ Nhung, Cường đứng tên hộ cổ phần. Bản chất công ty không có tài sản. Việc lập công ty để thuận tiện trong việc ký hợp đồng, thu tiền của các bị hại. Công ty đăng ký kinh doanh cung ứng lao động trong nước và không được phép đi nước ngoài. Tuấn thừa nhận đang bị Công an TP Cần Thơ xử lý trong vụ án khác.
Bị cáo Nhung khai, khi gặp Tuấn chỉ nghĩ là công việc hợp tác. “Như phản xạ bình thường khi gặp anh em trong nghề. Khi Tuấn giới thiệu làm về xuất khẩu lao động, bị cáo rất tin tưởng, đồng ý làm cho Tuấn. Bị cáo tìm được 7 người…
Tuấn nói công ty chỉ cung ứng lao động trong nước, bị cáo hiểu là tuyển người và gửi lao động đến công ty khác để xử lý cho họ bay. Sau khi biết các bạn không có lịch bay, bị cáo mới biết anh Tuấn dùng con dấu công ty ký hợp đồng là sai?”, Nhung cho rằng không có động cơ lừa đảo. Bị cáo Cường cũng khai nhận không có ý định chiếm đoạt tiền vì bản thân người nhà bị cáo cũng đưa tiền cho Tuấn.
“BÁN SUẤT” CŨNG KHÔNG XONG
Quá trình tố tụng, Tuấn khai nhận, sau khi nhận tiền, bị cáo đã chuyển cho Nguyễn Thị Hải Yến 1 tỷ đồng gồm đưa tiền mặt 700 triệu đồng và chuyển khoản vào tài khoản người thân của Yến 300 triệu đồng để nhờ Yến đưa người sang Nhật Bản. Yến không thực hiện và không trả lại tiền. Hiện Tuấn không biết Yến là ai, ở đâu, không nhớ tài khoản chuyển tiền.
Đặc biệt, thông qua quan hệ xã hội, Tuấn quen biết Nguyễn Thị Lan Anh – Giám đốc Công ty TNHH thương mại tư vấn du học Lan Anh HB. Tuấn nói Công ty Toàn Tâm có nhiều đầu mối đã thu tiền và ký hợp đồng với các lao động sang Nhật Bản và Hàn Quốc.
Mặc dù Công ty Lan Anh HB không có chức năng đưa người đi làm việc nước ngoài song Lan Anh vẫn nói công ty có suất sang Nhật Bản theo diện thương mại (có visa, thư mời). Tin tưởng, Tuấn đã đưa cho Lan Anh 180 triệu đồng để nhờ làm thủ tục đưa 5 người sang Nhật bản.
Nhận tiền song Lan Anh không thực hiện như cam kết mà chiếm đoạt tiền để sử dụng cá nhân.
Hết thời hạn cam kết, các bị hại đến công ty để đòi lại tiền. Hiện Tuấn mới trả lại 326,8 triệu đồng, còn chiếm đoạt hơn 3,3 tỷ đồng.
Sau khi xem xét, tòa án xử phạt bị cáo Tuấn 20 năm tù, Nhung 8 năm tù, Cường 7, Toàn 7 năm và Lan Anh 4 năm cùng về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
LÀM SAO NHẬN BIẾT CÔNG TY “MA”?
Trong vụ án này, Bộ Lao động và Thương binh – Xã hội xác nhận, Công ty Toàn Tâm không được cấp giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.
Trên thực tế, xuất khẩu lao động với mức lương cao là hy vọng của nhiều người để có thể đổi đời. Song do thiếu thông tin, nhiều trường hợp đã gặp phải công ty “ma” dẫn đến việc “tiền mất tật mang” và “đáo tụng đình” mới mong nhận lại tiền. Những vụ án như trên cũng là hồi chuông cảnh báo các lao động cần xác minh thông tin, '"chọn mặt gửi vàng" trước khi nộp hồ sơ, đóng tiền cho các môi giới
Để kiểm tra xem công ty xuất khẩu lao động có được cấp phép không, người lao động hoàn toàn có thể tra cứu trong mục doanh nghiệp xuất khẩu lao động tại website của Cục Quản lý lao động ngoài nước thuôc Bộ Lao động – Thương binh – Xã hội. Danh sách các đơn vị nào được phép đưa người đi, đơn vị nào đã nộp lại, bị thu hồi giấy phép (tức là không được phép đưa người đi) đều được thể hiện rõ ràng, công khai trên website của Bộ.
Đây là nguồn thông tin chính thống mà lao động cần đặc biệt lưu ý để tránh mất tiền oan vào công ty “ma”.
Trong 6 tháng cuối năm 2022, Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết, tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền và phổ biến chính sách, pháp luật, thông tin về lĩnh vực người lao động đi làm việc ở nước ngoài để nâng cao nhận thức của người dân và xã hội, đồng thời qua đó ngăn ngừa, hạn chế tình trạng lừa đảo, vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này.
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.