Bộ Tài chính đang đề nghị xây dựng dự án sửa đổi một loạt các luật như Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế, Luật Dự trữ quốc gia. Đáng chú ý, với Luật Kiểm toán độc lập số 67/2011/QH12 ngày 29/3/2011, qua thực tiễn 12 năm thi hành, bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai khung pháp lý về kiểm toán độc lập bộc lộ một số bất cập, vướng mắc, hạn chế. Bởi vậy, đề xuất về sửa đổi Luật Kiểm toán độc lập thu hút sự chú ý đặc biệt bởi nhờ đó, góp phần minh bạch và bảo đảm công bằng của các chủ thể trên thị trường tài chính
BẤT CẬP NẢY SINH SAU 12 NĂM THI HÀNH
Bộ Tài chính cho rằng các quy định về kiểm tra, giám sát chất lượng kiểm toán viên và chất lượng dịch vụ kiểm toán chưa thật sự hiệu quả, các chế tài chưa đủ mạnh, đầy đủ và hiệu lực cho các hoạt động nghề nghiệp, việc xử lý vi phạm, xử lý vi phạm hành chính chưa đảm bảo tính răn đe.
"Cơ quan trực tiếp kiểm tra lại không có thẩm quyền xử phạt, thời hiệu xử phạt đối với lĩnh vực kiểm toán độc lập chỉ là 1 năm, vì vậy có trường hợp không thể xử phạt được đối tượng vi phạm vì đã hết thời hiệu xử phạt theo quy định", Bộ Tài chính nêu rõ bất cập.
Cùng với đó, Luật Kiểm toán độc lập hiện chưa bao trùm được hết các đối tượng cần phải kiểm toán. Trên thực tế, có nhiều doanh nghiệp, tổ chức có quy mô lớn, có các giao dịch phức tạp, có số lượng lao động lớn, doanh thu hoạt động cao, ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế… cần thiết phải được kiểm toán báo cáo tài chính hàng năm.
Việc đưa các đơn vị này vào đối tượng bắt buộc được kiểm toán là rất cần thiết và cấp bách, nhất là trong bối cảnh hiện nay đã phát sinh các sai phạm của doanh nghiệp rất nghiêm trọng. Từ đó giúp minh bạch thông tin tài chính và để các cơ quan chức năng, cơ quan thuế có căn cứ xem xét trong quá trình giám sát, quản lý, điều hành đặc biệt là đảm bảo số thuế nộp vào ngân sách nhà nước được đầy đủ, tránh hiện tượng trốn thuế.
Trong tờ trình gửi Chính phủ, Bộ Tài chính đề nghị sửa đổi, bổ sung Điều 16; khoản 3 Điều 18; điểm b khoản 4 Điều 21; khoản 1, khoản 2 Điều 29; Điều 37; khoản 8 Điều 39; khoản 4 Điều 53; khoản 2 Điều 54; Điều 60 của Luật Kiểm toán độc lập.
MỨC PHẠT TIỀN GẤP 30 LẦN HIỆN HÀNH
Dự thảo đề xuất 3 chính sách để sửa đổi, bổ sung Luật Kiểm toán độc lập. Cụ thể, chính sách 1 về tăng cường hiệu lực, hiệu quả của các chế tài xử phạt.
Dự thảo sửa đổi, bổ sung Điều 60 Luật Kiểm toán độc lập theo hướng quy định thời hiệu xử phạt và mức phạt phù hợp, đảm bảo tính hiệu lực, tính răn đe, ngăn ngừa các hành vi vi phạm; quy định về hình thức, mức độ xử phạt tương ứng với bản chất của hành vi vi phạm.
"Điều 60. Xử lý vi phạm pháp luật về kiểm toán độc lập
1. Tổ chức, cá nhân vi phạm quy định tại Điều 59 của Luật này thì bị xử lý theo các hình thức sau:
a) Cảnh cáo; b) Phạt tiền: Tối đa là 3 tỷ đồng đối với tổ chức, 1,5 tỷ đồng đối với cá nhân; c) Ngoài hình thức xử lý quy định tại điểm a và điểm b của khoản này, tổ chức, cá nhân vi phạm có thể bị thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm toán, thu hồi chứng chỉ kiểm toán viên, thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hành nghề kiểm toán, đình chỉ kinh doanh dịch vụ kiểm toán, đình chỉ hành nghề kiểm toán, không tiếp tục cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm toán, không tiếp tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề kiểm toán hoặc cấm tham gia hoạt động kiểm toán độc lập.
2. Cá nhân vi phạm quy định của Luật này thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
3. Tổ chức, cá nhân vi phạm quy định của Luật này, ngoài việc bị xử lý theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này còn bị đăng tải trên trang thông tin điện tử của Bộ Tài chính hoặc của tổ chức nghề nghiệp về kiểm toán, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
4. Thời hiệu xử lý vi phạm pháp luật về kiểm toán độc lập là 10 năm.
5. Chính phủ quy định chi tiết việc xử lý vi phạm pháp luật về kiểm toán độc lập".
"Vì vậy, dự thảo sửa đổi và bổ sung các quy định về: thời hiệu xử phạt từ 1 năm lên 10 năm; quy định về mức phạt tiền tối đa từ 100 triệu đồng lên 3 tỷ đồng (đối với tổ chức) và từ 50 triệu đồng lên 1,5 tỷ đồng (đối với cá nhân); bổ sung thêm một số hình thức xử phạt cho phù hợp với thực tế hiện nay và các quy định liên quan".
Dự thảo Bộ Tài chính trình Chỉnh phủ.
Bộ Tài chính cho rằng Điều 60 Luật Kiểm toán độc lập và Nghị định số 41/2018/NĐ-CP ngày 12/3/2018 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán độc lập (Nghị định số 41) có nhiều nội dung chưa phù hợp với thực tế cũng như thông lệ quốc tế.
Đáng nói, mức xử phạt chưa đủ tính răn đe do mức xử phạt thấp, đối với lĩnh vực kiểm toán độc lập mức phạt tiền tối đa là 50 triệu đồng đối với cá nhân và 100 triệu đồng đối với tổ chức.
Thời hiệu xử phạt không phù hợp, chỉ 1 năm đối với lĩnh vực kiểm toán độc lập nên hầu hết các trường hợp khi phát hiện hành vi vi phạm thì đều đã hết thời hiệu xử phạt, không xử phạt được.
Do đó, các doanh nghiệp kiểm toán, đối tượng vi phạm đều không sợ và không ngại vi phạm các quy định của Luật Kiểm toán độc lập và các văn bản hướng dẫn.
Cần thiết phải sửa đổi, bổ sung các quy định về xử lý vi phạm về kiểm toán độc lập tại dự thảo Luật Kiểm toán độc lập để phù hợp với thông lệ quốc tế và tiền lệ của các quy định liên quan khác như quy định về xử phạt vi phạm đối với lĩnh vực chứng khoán.
NÂNG CHẤT HOẠT ĐỘNG KIỂM TOÁN ĐỘC LẬP
Cũng tại dự thảo, Bộ Tài chính đề xuất chính sách 2 về nâng cao chất lượng dịch vụ kiểm toán độc lập trong điều kiện hiện nay.
Theo đó, sửa đổi quy định đối với các trường hợp kiểm toán viên không được hành nghề kiểm toán; sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến kiểm toán viên hành nghề kiểm toán.
Cùng với đó, sửa đổi, bổ sung các quy định về luân chuyển kiểm toán viên hành nghề ký báo cáo kiểm toán. Trong đó, bổ sung quy định trường hợp đã ký báo cáo kiểm toán năm năm liên tục cho một khách hàng thì không được là thành viên tham gia cuộc kiểm toán ở khách hàng này trong vòng năm năm sau đó. Trường hợp ký hợp đồng kiểm toán với một khách hàng quá năm năm liên tục thì phải thay đổi kiểm toán viên hành nghề ký báo cáo kiểm toán.
Sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến số lượng kiểm toán viên hành nghề tại chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài tại Việt Nam và việc duy trì số lượng kiểm toán viên hành nghề tại doanh nghiệp kiểm toán và chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài tại Việt Nam.
Về chính sách 3, chính sách về tăng cường tính trung thực và minh bạch của các thông tin được kiểm toán. Theo đó, Bộ Tài chính đề xuất bổ sung nhiều đối tượng phải kiểm toán bắt buộc.
Cụ thể, dự thảo bổ sung nhóm đối tượng là các doanh nghiệp, tổ chức có quy mô lớn là đối tượng phải thực hiện kiểm toán bắt buộc theo quy định của Chính phủ để đảm bảo phù hợp với chiến lược kế toán, kiểm toán đến năm 2023.
"Đảm bảo các doanh nghiệp, tổ chức có giao dịch phức tạp, số lượng lao động lớn, doanh thu hoạt động cao, ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế… cũng phải được thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính hàng năm nhằm minh bạch thông tin tài chính", văn bản Bộ Tài chính lý giải.
Về việc quy định Chính phủ sẽ quy định về tiêu chuẩn, điều kiện lựa chọn, thủ tục xem xét, chấp thuận và các trường hợp đình chỉ hoặc hủy bỏ tư cách doanh nghiệp kiểm toán, chi nhánh của doanh nghiệp kiểm toán, chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài tại Việt Nam và kiểm toán viên hành nghề được thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính của các đơn vị có lợi ích công chúng, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Ngoài ra, dự kiến cũng bổ sung thêm quy định về tiêu chuẩn điều kiện đối với doanh nghiệp kiểm toán đăng ký kiểm toán cho đơn vị có lợi ích công chúng mà có chi nhánh của doanh nghiệp kiểm toán thì chi nhánh cũng phải đảm bảo duy trì tối thiểu có 5 kiểm toán viên hành nghề tại 1 chi nhánh để đảm bảo nâng cao chất lượng dịch vụ kiểm toán và nguồn lực cần thiết để thực hiện dịch vụ.