Marriott Bonvoy, chương trình du lịch đạt giải thưởng của Marriott International, mới đây cũng đã thực hiện một cuộc khảo sát với 1.000 người tham gia trên 10 thị trường khác nhau thuộc khu vực APEC để có thể hiểu rõ hơn về sự thay đổi trong thói quen và hành vi du lịch của thế hệ Millennials và thế hệ Z. Theo đó, du lịch vào năm 2024 là ưu tiên hàng đầu của Gen Z và Millennials, với 73% có ý định thực hiện ít nhất hai chuyến đi trong 12 tháng tới và 91% dự định chi tiêu ngang bằng, hoặc nhiều hơn, cho các chuyến đi của họ so với năm trước.
Du lịch được coi là một phần thiết yếu trong lối sống và hầu hết đều sẵn sàng giảm chi tiêu hàng ngày như việc giảm chi tiêu cho các bữa ăn bên ngoài (60%), mua sắm thoải mái (57%) và cà phê hàng ngày (54%) để có thể chi tiêu nhiều hơn cho kỳ nghỉ. “Kết quả khảo sát cho thấy Thế hệ Z và Millennials trong khu vực APEC có định hướng rõ ràng dịch chuyển các giá trị từ chi tiêu hàng ngày của mình vào những trải nghiệm du lịch bổ ích,” ông John Toomey, Giám đốc Tiếp thị và Bán hàng khu vực APEC (không bao gồm Trung Quốc) của Marriott International cho biết.
Trước đó, trong một báo cáo hồi tháng 4, công ty nghiên cứu thị trường PMG cũng cho biết Gen Z đang dẫn đầu về nhóm du khách tăng chi tiêu du lịch trong năm nay. PMG đã tiến hành một khảo sát với 1.800 người trưởng thành ở Hoa Kỳ, Vương quốc Anh, Ấn Độ, Đức và Trung Quốc. Kết quả cho thấy 65% Gen Z và 72% thế hệ Millennials cho biết họ không tiếc tiền chi tiêu cho du lịch giải trí trong năm nay. Trong khi đó, tỷ lệ tương đương với Gen X và thế hệ Baby Boomers lần lượt chỉ là 54% và 40%.
Có thể nói, thế hệ Z đã trưởng thành trong khoảng thời gian "cực kỳ hỗn loạn" là đại dịch Covid-19, điều này tác động sâu sắc đến hành vi du lịch của họ, theo Lindsey Roeschke, nhà phân tích du lịch và khách sạn của Morning Consult. Nhiều Gen Z không muốn hoãn chuyến đi tới nơi họ muốn chỉ để tiết kiệm, vì lo sợ các sự kiện bất ngờ trong tương lai có thể lại dẫn đến tình trạng phong tỏa, hạn chế đi lại.
Trên CNBC, một báo cáo khác từ công ty nghiên cứu thị trường Morning Consult chỉ ra: so với năm trước, số lượng Gen Z đi du lịch hè vì có tiền tiết kiệm đã giảm đáng kể. Nói cách khác, giờ đây, ngay cả khi không có tiền tiết kiệm, thế hệ này vẫn tìm mọi cách để có tiền rong chơi khi hè tới. Là thế hệ công nghệ, họ sử dụng các ứng dụng để so sánh giá cả, đổi điểm thẻ tín dụng thành tiền mặt, kiếm thêm việc làm để có tiền cho chuyến đi.
Nghiên cứu của công ty dịch vụ tài chính Brankrate đã cho thấy nếu như các thế hệ trước Gen Z thường chỉ đi du lịch sau khi đã có một mức thu nhập nhất định. Trong khi đó, 61% người Gen Z đi du lịch với thu nhập ít hơn 50.000 USD mỗi năm. Raimee Iacofono, một Gen Z sáng tạo nội dung có ảnh hưởng về du lịch, cho biết: “Chúng tôi không ai dám chắc rằng công việc của mình luôn luôn ổn định. Giờ đây, khi du lịch trở nên dễ tiếp cận hơn bao giờ hết, nhiều du khách Gen Z bắt đầu hành trình của mình ngay khi đủ khả năng".
Thậm chí, khảo sát của Brankrate chỉ ra 47% du khách trẻ nói chung cho biết họ có kế hoạch mượn tiền để trang trải chi phí các chuyến du lịch hè. Bankrate cho biết có 4 phương thức vay tiền phổ biến mà Gen Z thường chọn: 26% quẹt thẻ tín dụng rồi trả góp dư nợ trong nhiều tháng sau chuyến du lịch; 8% áp dụng hình thức “mua trước, trả sau”; 6% vay tiền người thân, bạn bè; 5% chọn các khoản vay tiền mặt cá nhân…
Bên cạnh đó, xu hướng du lịch mới hiện nay của thế hệ Gen Z là những hoạt động thú vị và linh hoạt hơn, không rập khuôn như trước đây. Nhiều người trẻ có xu hướng tìm kiếm sự kết nối và đi du lịch theo nhóm hơn. Họ cho biết, việc liên tục chỉ sử dụng điện thoại trong thời gian dài đã khiến mọi người bị cô lập và trở nên u uất. Để khắc phục tình trạng này, nhiều người trẻ lựa chọn đi du lịch hay đi trekking với những người lạ họ tìm được qua các hội nhóm trên mạng xã hội.
Hình thức du lịch này phổ biến nhất với độ tuổi từ 18 đến 29. Và trái ngược với họ, những người ở độ tuổi 30 trở đi thích hình thức du lịch nghỉ dưỡng hơn. Tuy nhiên cả hai đều có điểm chung là có xu hướng muốn được trải nghiệm như một người bản địa khi đi du lịch, theo báo cáo xu hướng du lịch toàn cầu của American Express Travel.
Đặc biệt, Todd Handcock, Giám đốc thương mại toàn cầu và người đứng đầu khu vực châu Á-Thái Bình Dương của Collinson, công ty điều hành Priority Pass, cho biết thế hệ Z và khách du lịch trẻ sẽ chiếm một nửa tổng số khách du lịch ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nơi du lịch sẽ phát triển nhanh nhất vào năm 2025.
Nhưng thế hệ khách du lịch mới này muốn điều gì đó khác từ chuyến du lịch của họ. Thế hệ Z ưa thích những trải nghiệm văn hóa hoặc thiên nhiên khi đi du lịch. Khách du lịch từ hai nhóm này cũng có nhiều khả năng bị ảnh hưởng bởi mạng xã hội hơn là các công cụ tìm kiếm hoặc hướng dẫn du lịch. Theo khảo sát của Collinson vào tháng 9, hoàn tiền và tích điểm vẫn là phần thưởng tài chính phổ biến nhất đối với khách du lịch Thế hệ X trong khi Thế hệ Z và thế hệ Millennials lại ưa thích các phần thưởng du lịch theo hướng trải nghiệm.
Bên cạnh đó, thế hệ Gen Z thường ưu tiên đến trải nghiệm phiêu lưu, trải nghiệm văn hóa và những trải nghiệm tốt cho sức khỏe tinh thần, theo Nikkei Asia. Họ có xu hướng đi tới những nơi họ chưa từng đặt chân đến trước đây và đi du lịch trong một thời gian dài. Du lịch là một cách để thế hệ này kết nối với thiên nhiên, các nền văn hóa khác nhau và chính bản thân họ.
Theo ứng dụng du lịch Hopper, khách du lịch Gen Z và Gen Y đã tìm kiếm về các điểm đến ở châu Á nhiều hơn 50% vào năm 2023 so với thời gian trước đại dịch. Cụ thể, Đông Nam Á đáp ứng tốt những tiêu chí mà Gen Z đề ra. Nơi đây có chi phí rẻ hơn đáng kể so với những điểm đến khác. Những địa điểm tuyệt đẹp cần phải trải nghiệm tại khu vực này được du khách bình chọn bao gồm tour Hà Giang loop (Việt Nam), bữa tiệc trăng tròn ở Koh Phangan (Thái Lan), và tour Komodo (Indonesia).