Ủy ban nhân dân TP.HCM vừa ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn TP.HCM đến năm 2025 với 7 nhiệm vụ trọng tâm.
Theo đó, đến năm 2025, mỗi huyện (Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi, Nhà Bè, Cần Giờ) xây dựng ít nhất từ 1 sản phẩm/điểm du lịch nông nghiệp, sinh thái gắn với phát huy giá trị văn hóa, cộng đồng trong không gian nông nghiệp, nông thôn; phấn đấu có ít nhất 50% số sản phẩm này được công nhận OCOP đạt tiêu chuẩn từ 3 sao trở lên.
Trong đó, phấn đấu xây dựng 2 mô hình thí điểm về phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng du lịch xanh, có trách nhiệm và bền vững.
Đồng thời, đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn gắn với quá trình chuyển đổi số, trong đó 100% điểm du lịch nông thôn được công nhận được số hóa và kết nối trên trang quảng bá, xúc tiến du lịch bằng công nghệ số; 100% điểm du lịch nông thôn được giới thiệu, quảng bá; 50% điểm du lịch nông thôn ứng dụng các giao dịch điện tử trong hoạt động du lịch.
Thành phố phấn đấu có 70% chủ cơ sở du lịch nông thôn được đào tạo tập huấn về nghiệp vụ quản lý du lịch; 80% lao động du lịch nông thôn được bồi dưỡng, tập huấn và nâng cao nghiệp vụ kỹ năng phục vụ khách du lịch, trong đó ít nhất 50% là lao động nữ, mỗi điểm du lịch có ít nhất 1 nhân viên thành thạo ngoại ngữ.
Cùng với đó, xây dựng cơ sở dữ liệu về các sản phẩm, điểm du lịch nông thôn và tiếp tục cập nhật bản đồ sản phẩm OCOP gắn với du lịch TP.HCM.
Để hiện thực hóa mục tiêu trên, TP.HCM đặt ra 7 nhiệm vụ trọng tâm, khẳng định quyết tâm thúc đẩy du lịch nông thôn, góp phần đa dạng hóa sản phẩm du lịch trên địa bàn, bao gồm: Cơ chế, chính sách phát triển du lịch nông thôn; Tuyên truyền nâng cao nhận thức; Đầu tư và phát triển sản phẩm du lịch nông thôn TP.HCM; Phát triển nguồn nhân lực chất lượng; Truyền thông và xúc tiến du lịch Thành phố; Ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số; Liên kết hợp tác phát triển du lịch nông thôn.
Đáng chú ý, Thành phố sẽ tập trung số hóa thông tin, tài liệu thuyết minh về các di tích lịch sử - văn hóa, sản phẩm du lịch, điểm du lịch, làng nghề truyền thống... gắn với xây dựng nông thôn mới.
Đồng thời, thí điểm một số mô hình phát triển du lịch nông thôn: du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái, du lịch gắn với bảo tồn thiên nhiên, du lịch làng nghề, làng du lịch thông minh, du lịch không phát thải.
“TP.HCM sẽ tăng cường hợp tác với các tỉnh, thành phố khác trong và ngoài nước để chia sẻ thông tin, kinh nghiệm về phát triển du lịch nông thôn. Việc huy động nguồn lực kỹ thuật và tài chính từ các tổ chức quốc tế cũng sẽ được thúc đẩy nhằm bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Ngoài ra, thành phố sẽ tham gia mạng lưới đối tác du lịch nông thôn để kết nối đầu tư và phát triển du lịch”, Kế hoạch của TP.HCM nêu rõ.
9 tháng năm 2024, khách quốc tế đến TP.HCM ước đạt 4,014 triệu lượt, tăng 12,4% so cùng kỳ năm 2023, đạt 66,9% so với kế hoạch năm 2024. Khách du lịch nội địa đến TP.HCM trong 9 tháng ước đạt 27,353 triệu lượt, tăng 1,3% so cùng kỳ năm 2023, đạt 72% so với kế hoạch năm 2024.
Về doanh thu, tổng thu du lịch trong 9 tháng năm 2024 ước đạt hơn 140.398 tỷ đồng, tăng 11,9% so với cùng kỳ năm 2023 và đạt 73,9% so với kế hoạch năm 2024.
Trong đó, huyện Cần Giờ thu hút hơn 3,5 triệu lượt khách du lịch, doanh thu đạt gần 3.000 tỷ đồng trong 9 tháng, tăng 20% so với cùng kỳ.