Theo kênh CNN, phần lớn Nam Âu đang bị trải qua một đợt nắng nóng khắc nghiệt được đặt tên là Cerberus. Sức nóng ngột ngạt đang càn quét qua Italy, Tây Ban Nha và Hy Lạp, đẩy nhiệt độ trong tuần trước lên mức cao nhất từng được ghi nhận ở châu Âu. Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) cho biết trong một tuyên bố: “Nhiệt độ đang nóng lên khắp châu Âu trong tuần này. Nắng nóng gay gắt và kéo dài, đặc biệt đáng lưu ý là tình trạng này chỉ mới bắt đầu”.
Ở Italy, nhiệt độ có thể đạt mức kỷ lục. Theo ESA, dự báo nhiệt độ ở Sardinia và Sicily sẽ cao gần mức kỷ lục hiện tại của châu Âu là 48,8 độ C. Bộ Y tế Italy đã đưa ra cảnh báo rủi ro sức khỏe cực đoan cho 15 thành phố khi đợt nắng nóng sẽ tiếp tục kéo dài. Tại Rome, một số khách du lịch đã bị say nắng, trong đó một du khách người Anh bất tỉnh trước Đấu trường La Mã cổ đại hôm 11/7.
Tại Hy Lạp, các nhà chức trách cho biết nhiệt độ đã lên tới 44 độ C vào 14 và 15/7. Bộ Văn hóa Hy Lạp đóng cửa thành cổ Acropolis ở Athens từ giữa trưa cho đến 5 giờ chiều ngày 14/7 do nắng nóng. Cảnh sát và các cơ quan khẩn cấp đã hỗ trợ một nữ du khách gặp vấn đề do nắng nóng ở Acropolis. Còn tại Croatia, hàng chục lính cứu hỏa đã được triển khai khi một đám cháy rừng lớn bùng phát gần Grebastica, một thị trấn nhỏ gần thành phố ven biển Sbenik. Nhiệt độ dự kiến duy trì ở mức khoảng 40 độ C trên toàn khu vực này trong tuần này.
Nắng nóng là một trong những mối nguy tự nhiên nguy hiểm nhất khi có trên 61.000 người đã thiệt mạng trong đợt nắng nóng mùa hè thiêu đốt ở châu Âu năm 2022. Đợt nắng nóng hiện nay đã gây ra những lo ngại cho sức khỏe, đặc biệt là trong giai đoạn du khách tới châu Âu đông nhất.
Một số du khách Anh cho biết họ phải hủy chuyến đi hoàn toàn, trong khi những người khác chia sẻ mặc dù đã đi nghỉ nhưng phần lớn thời gian họ buộc phải ở trong phòng do nhiệt độ cao không thể chịu nổi. Theo các công ty lữ hành, sang tuần này, nhiều nhóm du khách dự định thay đổi các chuyến đi chơi và hoạt động, trong khi những người khác tìm cách đổi lịch trình sang những vùng có khí hậu ôn hòa hơn.
“Rất khó để khách du lịch khám phá Châu Âu trong cái nóng của mùa hè, đặc biệt nếu muốn ghé thăm các điểm tham quan văn hóa ngoài trời như tàn tích Pompeii (Italy), công viên Gaudi ở Barcelona (Tây Ban Nha) hay tháp Eiffel ở Paris (Pháp)”, bà Ruinely, một du khách người Bỉ nói. Du khách này cho biết đã "ở trên tàu du lịch suốt thời gian đi vòng quanh Địa Trung Hải". Thời tiết nắng nóng khiến họ hủy kế hoạch ghé thăm các thành phố khi tàu cập cảng.
Sau khi mọi hạn chế liên quan đến Covid-19 được nới lỏng, Châu Âu đang chứng kiến sự bùng nổ du lịch thực sự. Theo một báo cáo mới từ hãng bảo hiểm du lịch Allianz Partners, riêng lượng du khách Mỹ đến châu Âu vào mùa hè này dự kiến tăng hơn 55% so với mùa hè năm ngoái.
Vì vậy, hầu hết các điểm đến thu hút khách du lịch nổi tiếng hiện đang vô cùng đông đúc. Theo hãng AP, khách du lịch đã phải chờ đợi hơn 2 tiếng trong tuần trước để tham quan thành cổ Acropolis ở Athens. Các tuyến taxi tại nhà ga tàu chính của thành phố Rome liên tục quá tải vì số lượng du khách quá đông.
Tình trạng đông đúc du khách cũng xảy đến với cả những địa danh trước đây vốn không mấy nổi tiếng. Chẳng hạn, tính đến cuối tháng 6, Croatia lập kỷ lục du lịch mới với mức tăng khoảng 16%. Theo trang thông tin du lịch Travel Off Path, mùa hè năm 2023 dự kiến sẽ phá vỡ mức kỷ lục trong mọi thời đại của nước này, trở thành điểm đến hấp dẫn nhất châu Âu.
Theo một số nhận định của giới chuyên gia du lịch, Croatia có thể được sẽ lập một kỷ lục lượt khách tới thăm trong mùa hè này, bởi chỉ tính đến cuối tháng 6, đã có 6,7 triệu lượt khách đến và hơn 27,3 triệu lượt lưu trú qua đêm, đây là mức tăng kỷ lục hơn 16% so với năm 2022, lượng khách lưu trú qua đêm đã vượt qua mức cao nhất thời điểm trước đại dịch năm 2019 thêm 4%.
Sự trở lại của du lịch đại chúng sẽ giúp ích cho các khách sạn và nhà hàng, vốn phải chịu áp lực lớn bởi các hạn chế do đại dịch. Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng các quốc gia cũng cần suy nghĩ lại về cách phục hồi du lịch bền vững hơn. Bà Alessandra Priante, Giám đốc bộ phận khu vực châu Âu tại Tổ chức Du lịch Thế giới thuộc Liên Hợp Quốc cho biết đại dịch đã nhắc chúng ta nhìn nhận lại cách làm du lịch. "Chúng tôi phải cân nhắc những gì sẽ xảy ra trong 2 hoặc 3 năm nữa vì chi tiêu cho du lịch tại thời điểm này là không bền vững," bà Alessandra Priante nhấn mạnh.
Bộ Văn hóa Italy đã lên tiếng sẽ giới thiệu hệ thống bán vé mới tại thành cổ Acropolis trong tháng này, thông tin các vé bán cho du khách sẽ phân định theo giờ nhằm giải quyết tình trạng đám đông. Thị trưởng Florence tuyên bố giới hạn hoạt động cho thuê căn hộ ngắn hạn nở rộ ở khu trung tâm lịch sử, nơi được bảo vệ như di sản của UNESCO.
Trong khi đó, thành phố Venice dự định khởi động trở lại kế hoạch đánh thuế khách du lịch trong ngày vào thành phố nhằm hạn chế lượng khách đến. Tuy nhiên, theo các nhà quan sát, cho dù có hiệu lực thì cũng sẽ rất khó để giúp giải quyết được vấn đề dân số giảm và lượng khách du lịch đông đúc như hiện nay.
Theo Tổ chức du lịch thế giới của Liên Hợp Quốc, tình trạng quá tải du lịch hè đã được dự báo trước, nhưng lượng khách du lịch đến và đi trong châu Âu nhìn chung vẫn giảm 10% so với năm 2019. Một phần do lượng khách giảm tại các quốc gia Đông Âu như Ukraine, Litva, Phần Lan, Moldova và Ba Lan. Ngoài ra, du khách Trung Quốc chưa quay trở lại hoàn toàn. Các chuyến bay từ Trung Quốc và các quốc gia châu Á - Thái Bình Dương đến châu Âu giảm 45% so với năm 2019, theo công ty dữ liệu du lịch ForwardKeys.