Dữ liệu từ cuộc họp thường kỳ Chính phủ cho thấy, tín dụng tính đến cuối tháng 2 tăng 1,82% so với cuối năm 2021, thấp hơn mức 2,74% ghi nhận vào cuối tháng 1 năm nay. Như vậy, dư nợ tín dụng tháng 2 đã giảm khoảng 96 nghìn tỷ đồng so với tháng 1.
Nhìn nhận diễn biến trên, Công ty Chứng khoán SSI cho rằng có 2 nguyên nhân chính.
Thứ nhất, tác động của yếu tố mùa vụ dịp Tết Nguyên Đán đến hoạt động tín dụng, trong đó nhu cầu thường tăng mạnh trước Tết, và sau Tết hạ nhiệt dần.
Thứ hai, thời điểm Thông tư 16 có hiệu lực là giữa tháng 1 và doanh nghiệp có thể đẩy mạnh phát hành trái phiếu trước thời điểm này. Số trái phiếu doanh nghiệp này sau đó sẽ được phân phối, do đó có thể dẫn đến giảm dư nợ tín dụng tại các ngân hàng.
Trước đó, do tín dụng bứt tốc nhanh, trong khi dòng tiền chảy ra khỏi hệ thống hồi trước Tết Nguyên đán chưa kịp quay lại , Ngân hàng Nhà nước thường xuyên phải bơm tiền hỗ trợ. Khối lượng lưu hành trên kênh cầm cố (OMO) có lúc lên tới hơn 15.000 tỷ đồng. Đồng thời, đường cong lãi suất liên ngân hàng biến động thất thường, lãi suất kỳ hạn qua đêm lại cao hơn kỳ hạn 1 tháng.
Với việc dư nợ tín dụng giảm trong tháng 2, thanh khoản hệ thống ngân hàng cũng bớt căng. Thể hiện rõ nhất ở việc lãi suất liên ngân hàng giảm rõ rệt. Chốt ngày hôm qua (7/3), các mức lãi suất dừng tại: qua đêm 2,22%; 1 tuần 2,28%; 2 tuần 2,24% và 1 tháng 2,16%.
Tuy nhiên, nhiều khả năng mặt bằng lãi suất liên ngân hàng như trên không kéo dài được lâu. Bởi lẽ, mùa cao điểm hàng quý đang tới gần, áp lực thanh khoản sẽ sớm quay trở lại trong giai đoạn cuối tháng 3 khi nhu cầu thanh toán, chi trả của doanh nghiệp tăng lên.
Tại thị trường trái phiếu Chính phủ tuần trước, lợi suất trên thứ cấp đều tăng, đặc biệt tăng đáng kể ở các kỳ hạn 5 năm trở xuống phản ánh lo ngại về lạm phát và rủi ro địa chính trị.
Kết tuần đóng cửa như sau: 1 năm (1,35%, tăng 0,27 điểm phần trăm), 3 năm (1,55%; tăng 0,31 điểm phần trăm); 5 năm (1,60%, tăng 0,37 điểm phần trăm); 10 năm (2,29%, 0,08 điểm phần trăm); 15 năm (2,65%, tăng 0,11 điểm phần trăm); 20 năm (2,91%, tăng 0,06 điểm phần trăm) và 30 năm (3,04%, tăng 0,05 điểm phần trăm).
Trên sơ cấp, Kho bạc Nhà nước gọi thầu tổng cộng 5.000 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ. Tỷ lệ đăng ký và trúng thầu đạt 1,8 lần và 70%. Đây là mức tỷ lệ thấp so với thời điểm trước đó, phản ánh nhu cầu trái phiếu Chính phủ giảm trong bối cảnh tín dụng tăng nhanh và áp lực lạm phát tăng dần.
Tính đến thời điểm hiện tại, có khoảng 34% kế hoạch phát hành quý 1 và 9% kế hoạch phát hành năm 2022 được thực hiện, khi áp lực huy động vốn của Kho bạc Nhà nước vào đầu năm vẫn yếu (tỷ lệ giải ngân đầu tư công thấp).
Tính đến ngày 28/2, thu ngân sách đạt 323,8 nghìn tỷ đồng, tăng 10,8% so với cùng kỳ và đạt 22,9% kế hoạch năm 2022, trong đó thu từ thuế và phí nội địa đạt 270,8 nghìn tỷ đồng( tăng 7,6%) và thu từ dầu thô là 8,1 nghìn tỷ đồng (tăng 57%).
Nguồn thu tích cực, đặc biệt là từ thu dầu thô sẽ giúp Chính phủ có thêm dư địa để thực hiện các biện pháp kiềm chế lạm phát. Trong tháng tới, áp lực giải ngân đầu tư công chưa cao và do đó sẽ không có thay đổi lớn về nguồn cung trái phiếu. Mặt khác, nhu cầu trái phiếu sẽ yếu do yếu tố mùa vụ và do đó lợi suất dự kiến sẽ tăng nhẹ trong suốt tháng 3.