Trong bối cảnh các trường học trên cả nước đã bắt đầu năm học mới, ngày 20/9, Tổ điều hành Diễn đàn Kết nối nông sản 970 của Bộ Nông nghiệp và Phát triểm nông thôn phối hợp với các tỉnh, thành phố trọng điểm trên cả nước đồng tổ chức “Diễn đàn trực tuyến kết nối thực phẩm an toàn với các bếp ăn tập thể”.
ĐÒI HỎI AN TOÀN THỰC PHẨM VÀ GIÁ CẠNH TRANH
Ông Vũ Cường, Trưởng phòng Phát triển thị trường sản phẩm Chăn nuôi của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, thông tin đến tháng 9/2022, cả nước đã có 1.669 chuỗi cung cấp nông sản an toàn được kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm, trong đó có một số doanh nghiệp tiêu biểu cung ứng theo chuỗi lớn như Công ty Thực phẩm Nam Hà Nội, Công ty Masan, Công ty DeHeus...
“Yếu tố vệ sinh an toàn thực phẩm luôn được ưu tiên trên hết. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp, trường học không nên chỉ tin tưởng vào đơn vị cung cấp mà cần có phương án xử lý nguy cơ, rủi ro tiềm ẩn dựa theo chuỗi này”, ông Cường khuyến cáo.
"Đối với chuỗi cung ứng thực phẩm cho bếp ăn tập thể, các doanh nghiệp và trường học quan tâm đến 4 vấn đề gồm vệ sinh an toàn thực phẩm, chi phí cạnh tranh, chất lượng và tính sẵn sàng (cung ứng thường xuyên, đều đặn)..."
Ông Vũ Cường, Trưởng phòng Phát triển thị trường sản phẩm Chăn nuôi của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản.
Chia sẻ về thực phẩm phù hợp với trường học, ông Đào Trọng Hiếu, Trưởng phòng Phát triển Thị trường Thủy sản của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, cho hay sản phẩm cá tra được cam đoan về phương diện quản lý an toàn vệ sinh an toàn thực phẩm. Đây là một trong những đối tượng được kiểm soát chặt chẽ, đúng nguyên tắc theo chuỗi, với hơn 70% sản lượng được các doanh nghiệp, vùng nuôi trồng áp dụng đầy đủ tiêu chuẩn sản xuất...
“Cá tra đảm bảo các tiêu chí ngon, bổ, rẻ, phù hợp với nhiều đối tượng tiêu dùng. Hiện sản phẩm cá tra không chỉ đơn thuần được sản xuất ở dạng phi lê, cắt khúc, đông lạnh mà còn được chế biến thành chả viên, xúc xích... rất phù hợp với đối tượng học sinh tiểu học. Thế nhưng ở miền Bắc hầu như rất ít cá tra được tiêu thụ. Tôi cho rằng đây là sản phẩm phù hợp để thay thế các sản phẩm động vật trên cạn phục vụ cho bếp ăn tập thể”, ông Hiếu chia sẻ.
Bà Đinh Thị Phương Khanh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An, cho hay khi xây dựng được các chuỗi sản xuất an toàn, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An luôn có công văn gửi ngành Giáo dục để giới thiệu với các trường để đưa vào bếp ăn cho học sinh. “Tuy nhiên, hiện nay phần lớn suất ăn ở các trường học, doanh nghiệp là dưới 30 ngàn đồng, phổ biến chỉ từ 25-27 ngàn đồng/suất. Vì vậy, cũng rất khó đòi hỏi nguồn thực phẩm vừa rẻ vừa an toàn được”, bà Khanh nói.
CẦN NÊU CAO TRÁCH NHIỆM GIÁM SÁT CỦA PHỤ HUYNH
Bà Trần Thị Nhị, Trường mầm non Trù Hựu, xã Trù Hựu, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang thông tin hiện nay, nhà trường đang tổ chức ăn bán trú tại trường cho 100% học sinh tại trường với gần 600 em. Nhà trường tiếp nhận thực phẩm qua 2 hình thức là trực tiếp thu mua từ người dân và qua đầu mối thu gom.
“Chính vì vậy, công tác truy xuất nguồn gốc cho thực phẩm vẫn chưa được triển khai. Đó cũng là nỗi băn khoăn và lo ngại của nhà trường về nguồn thực phẩm không đảm bảo”, bà Trần Thị Nhị chia sẻ.
“Chúng ta cần thiết kế được những suất ăn đảm bảo dinh dưỡng, vi chất cần thiết cho các em học sinh, người công nhân. Để có thể làm được điều này rất cần sự quan tâm, phối hợp của Bộ Y tế, Sở Y tế các địa phương, từ đó có sự điều chỉnh chính sách về tài chính, hỗ trợ các trường học, các khu công nghiệp…”
Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản.
Theo bà Nhị, hiện nay mức ăn của nhà trường thấp, giá cả cho các bữa ăn là nỗi băn khoăn của cả nhà trường và phụ huynh học sinh. “Thông qua Diễn đàn, chúng tôi mong muốn được tiếp cận với các chuỗi liên kết cung ứng thực phẩm sạch, an toàn và phù hợp với mức đóng góp kinh tế của phụ huynh học sinh huyện miền núi”, bà Nhị bày tỏ.
Nói về những bất cập trong quy định của ngành giáo dục về thực phẩm, ông Bùi Hoàng Hà, Giám đốc kênh Horeca – kênh chuyên cung ứng thực phẩm cho rằng quy định không được lưu thực phẩm tại bếp nhà trường đang gây nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm thịt.
"Đơn cử như thời gian lưu kho lạnh của thịt gà là 4 ngày, thịt heo tối đa là 7 ngày, nếu doanh nghiệp có thể vận chuyển lượng thực phẩm nhiều ngày trong một chuyến hàng sẽ tiết giảm được rất nhiều chi phí vận chuyển, logistics,... Ngoài ra, việc này cũng gây ra lãng phí khi nhà trường phải bỏ thực phẩm khi vẫn còn hạn", ông Hà nói.
Ông Võ Việt Dũng, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Y dược - Thực phẩm Nam Hà Nội, cho rằng hiện nay nhu cầu thực phẩm sạch của người tiêu dùng rất lớn, nhưng các nhà sản xuất thực phẩm đầu tư một cách bài bản, đáp ứng được các tiêu chuẩn khắt khe rất khó cạnh tranh với các hộ gia đình nhỏ lẻ hiện đang sản xuất theo hướng “phi tiêu chuẩn”.
Qua Diễn đàn, ông Võ Việt Dũng mong muốn các cơ quan quản lý nhà nước cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát, giám sát, tăng chế tài xử phạt đủ sức răn đe với các cá nhân, tổ chức sản xuất thực phẩm không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, qua đó lấy lại công bằng cho những doanh nghiệp sản xuất bài bản, theo tiêu chuẩn.
Phát biểu kết luận diễn đàn, ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, cho rằng cần coi việc cung ứng nông sản, thực phẩm vào các khu công nghiệp, các bếp ăn trường là sự chăm chút chế độ dinh dưỡng cho các đối tượng công nhân và học sinh. Hiện nay, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang cố gắng đồng bộ hóa, chuẩn hóa những quy chuẩn, tiêu chuẩn trong các lĩnh vực như thủy sản, trồng trọt, chăn nuôi, chế biến…
Hiện, Việt Nam có khoảng 397 khu công nghiệp. Bên cạnh đó, tổng số học sinh phổ thông là 17,9 triệu em. Với từng quá trình phát triển thể chất của các em học sinh, chúng ta cần có những định mức, chế độ dinh dưỡng cụ thể.
“Cần phải xác định mọi sản phẩm thực phẩm khi đưa vào trường học hay các khu công nghiệp cần đảm bảo việc truy xuất nguồn gốc. Tuy nhiên công tác truy xuất nguồn gốc thực phẩm hiện nay chưa được thực thi một cách đầy đủ, toàn diện. Do vậy cần nêu cao trách nhiệm giám sát của hội phụ huynh trong môi trường trường học, của ban quản lý trong các khu công nghiệp, khu chế xuất”, ông Toản nhấn mạnh.
Theo ông Toản, cần nắm được định mức ăn của mỗi học sinh, mỗi người công nhân vì đây là những yếu tố chi phối số lượng đầu vào của thực phẩm cho các bếp ăn tập thể. "Các đơn vị cung ứng thực phẩm cần tự nâng cao năng lực cạnh tranh, giảm giá thành sản xuất. Nếu giảm được giá thành, các đơn vị có thể tiếp cận được khu vực vùng sâu vùng xa. Đồng thời, cần minh bạch và trách nhiệm trong việc cung cấp các suất ăn", ông Toản lưu ý.